Phát huy truyền thống vẻ vang và 60 năm Bác về thăm, xây dựng Nam Định văn minh, giàu đẹp*
 Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại Lễ kỷ niệm.

"Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước,

Thưa các đồng chí đại biểu,

Thưa đồng bào, đồng chí,

Hôm nay, tôi rất vui mừng có mặt tại đây cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đồng bào, đồng chí dự Lễ kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm tỉnh Nam Định.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi xin gửi tới các đồng chí đại biểu, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Nam Định các thời kỳ, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động, cùng đồng bào, đồng chí tỉnh Nam Định lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Thưa đồng bào, đồng chí,

Nam Định - vùng đất ngàn năm văn hiến, địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống hiếu học, lịch sử, văn hóa, yêu nước và cách mạng; quê hương của nhiều nhân tài, danh tướng, văn nhân và lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, Nhà nước ta; nơi bảo tồn và lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, sức sống mãnh liệt, với các phong tục, tín ngưỡng, lễ hội, làng nghề, di tích lịch sử, văn hóa…; nơi mở nghiệp của Vương triều Trần hiển hách trong lịch sử dân tộc, với ba lần chiến thắng quân xâm lược Nguyên - Mông.

Nam Định vinh dự, tự hào được 5 lần đón Bác Hồ về thăm. Các chuyến thăm ấy diễn ra ở những thời điểm khác nhau, nhưng đều thể hiện tình cảm yêu thương, sự quan tâm của Người đối với đồng bào, đồng chí tỉnh Nam Định. Từ lần thăm thứ nhất (10/01/1946), cho đến lần cuối cùng Bác về thăm Nam Định (21/5/1963), những lời chỉ dạy của Bác đã trở thành kim chỉ nam, nguồn sức mạnh tinh thần to lớn cổ vũ dân và quân Nam Định vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng, đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu, giành được nhiều thành tích to lớn, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, Nam Định đã tiễn đưa hàng trăm nghìn người con ưu tú của quê hương lên đường chiến đấu. Vừa tích cực đóng góp sức người, sức của chi viện cho chiến trường miền Nam, vừa sản xuất vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Nam Định đã cùng quân dân cả nước lập lên những chiến công xuất sắc, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Những năm đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đáp lời kêu gọi của Đảng, hàng vạn đồng bào Nam Định đã rời xa miền quê yêu dấu, hăng hái đi tới các tỉnh miền núi khó khăn, phát triển kinh tế-xã hội, cùng đồng bào các dân tộc xây dựng đời sống mới, để giúp cho “miền núi tiến kịp miền xuôi”.

Bước vào thời kỳ đất nước đổi mới, Đảng bộ và Nhân dân Nam Định tiếp tục phát huy truyền thống, năng động sáng tạo, giành được nhiều thành tựu, to lớn, quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đều cao hơn mức trung bình của cả nước. Từ một tỉnh thuần nông, đến nay, công nghiệp và dịch vụ đã chiếm tỉ trọng hơn 80% trong cơ cấu kinh tế. Bằng sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, Nam Định đã là một trong hai tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới, hầu hết xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nhiều xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư, nâng cấp, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình trọng điểm. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm chăm lo, nhiều di sản văn hóa được bảo tồn và phát huy; an sinh xã hội được đảm bảo; chất lượng giáo dục phổ thông, giáo dục mũi nhọn suốt 28 năm trong top dẫn đầu cả nước; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được được cải thiện, nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn 1,32%. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả quan trọng; hiệu lực quản lý của bộ máy chính quyền, chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể được nâng cao; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội.

Chúng ta vui mừng nhận thấy, Nam Định hôm nay đã trở thành một trong những tỉnh phát triển năng động của đồng bằng sông Hồng. Từ xóm làng nông thôn, đến phố phường thành thị, diện mạo đang từng ngày đổi thay, tươi đẹp hơn xưa, đậm đà bản sắc, tạo sức sống mới, khí thế mới.

Để có được Nam Định phát triển, đổi mới như hôm nay, là sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ và Nhân dân toàn tỉnh; là minh chứng sống động trong thực hiện lời hứa với Bác kính yêu khi Người về thăm Nam Định.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương những thành tích mà Đảng bộ và Nhân dân Nam Định đã đạt được trong những năm qua.

 Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm.

Thưa đồng bào, đồng chí,

Nhìn lại chặng đường Đảng bộ và Nhân dân Nam Định thực hiện lời Bác dạy, bên cạnh những thành tích to lớn đã đạt được, còn không ít việc chúng ta còn trăn trở, ưu tư; phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa để xứng đáng với lòng mong đợi của Bác đối với Nam Định. Kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm Nam Định là cơ hội để nhắc nhở, ôn lại truyền thống, tiếp thêm sức mạnh để quân và dân tỉnh nhà phấn đấu hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, đúng với tâm nguyện của Người khi về thăm Nam Định. Với ý nghĩa đó, trong thời gian tới, tôi đề nghị Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Nam Định quan tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

 Thứ nhất, cần nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí, tiềm năng, lợi thế, khó khăn, thách thức của tỉnh nhà và những bài học kinh nghiệm quý báu trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh những năm qua; thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, những lời dạy của Bác qua 5 lần Người về thăm Nam Định; phát huy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên phát triển quê hương, đất nước, Đảng bộ và Nhân dân Nam Định cần chủ động, sáng tạo hơn nữa, phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, nỗ lực phấn đấu thực hiện lời Bác đã dạy: “Nam Định là một tỉnh ruộng đất phì nhiêu, tài nguyên phong phú, dân cần cù, có nhiều khả năng trở thành một tỉnh thật giàu có”[1].

Thứ hai, tập trung chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, gắn với đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động. Quan tâm đầu tư hơn nữa cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tiếp tục thực hiện tốt Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa, bảo đảm thực chất, hiệu quả, bền vững, lấy cư dân nông thôn làm chủ thể, tạo sự chuyển biến rõ nét về nếp sống nông thôn và chất lượng cuộc sống của mỗi người dân ở nông thôn. Huy động mọi nguồn lực giải quyết các điểm nghẽn; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; tập trung phát triển công nghiệp gắn với thương mại, dịch vụ và đô thị, ưu tiên các dự án quy mô lớn, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn có chất lượng, hiệu quả cao. Chú trọng bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng phát triển Khu kinh tế Ninh Cơ trở thành vùng kinh tế động lực, cực tăng trưởng phía Nam của tỉnh. Đồng thời quản lý, tổ chức thực hiện tốt quy hoạch, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia..., mở rộng không gian phát triển, khai thác triệt để tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Thứ ba, phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường bền vững. Các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh phải hết sức coi trọng quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh, thiên tai, coi đây là vấn đề sống còn đối với quá trình phát triển của tỉnh. Đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững trong tương lai; kiên quyết loại bỏ những dự án, hoạt động gây ô nhiễm môi trường; phải có quyết tâm, hành động quyết liệt trong xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, các khu, cụm công nghiệp tập trung. Chú trọng bảo vệ tốt môi trường sông, biển, nhất là Vườn quốc gia Xuân Thủy – Vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới khu vực đồng bằng sông Hồng, gắn với phát triển du lịch sinh thái.

Thứ tư, là miền quê giàu truyền thống hiếu học, lịch sử, văn hóa, yêu nước và cách mạng, Nam Định cần tiếp tục giữ gìn, phát huy truyền thống cao quý đó cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng đời sống mới, xây dựng con người  Nam Định phát triển toàn diện; bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị hệ thống di sản văn hóa, lịch sử của tỉnh, gắn với phát triển du lịch lịch sử, tâm linh, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. Quan tâm chăm sóc sức khoẻ nhân dân; chăm lo chu đáo cho các gia đình chính sách, người có công; giải quyết tốt an sinh xã hội, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, để mọi người đều được no ấm, đều được hưởng hạnh phúc, yên vui.

Thứ năm, là tỉnh nằm ở trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, có vị trí chiến lược quan trọng, Nam Định phải tăng cường công tác quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và thế trận lòng dân vững chắc, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh về mọi mặt. Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa phát triển kinh tế với bảo vệ chủ quyền biển, xây dựng tiềm lực, thế trận quân sự khu vực phòng thủ tập trung, giải quyết tốt vấn đề an ninh phức tạp ngay từ cơ sở, không để hình thành “điểm nóng”, triệt tiêu từ gốc các yếu tố gây mất ổn định xã hội, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ sáu, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện tốt lời dạy của Bác về công tác xây dựng Đảng khi Người về thăm Nam Định: “Các cấp, từ chi bộ đến tỉnh uỷ, phải vì lợi ích chung của Đảng và của nhân dân mà tự phê bình một cách thành khẩn và thẳng thắn. Mỗi đảng viên, mỗi chi bộ phải luôn luôn tự hỏi: Mình đã xứng đáng với vai trò lãnh đạo của Đảng hay là chưa?”[2]. Trên cơ sở đó, tạo chuyển biến thực chất, bảo đảm các tổ chức đảng, đảng viên thật sự trong sạch, vững mạnh, phát huy tốt vai trò của chi bộ; bộ máy chính quyền hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân; coi trọng công tác tự phê bình và phê bình, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên và hội viên các tổ chức chính trị-xã hội; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tập thể lãnh đạo và người đứng đầu năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, tăng cường quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Đổi mới mạnh mẽ, tạo chuyển biến rõ nét về chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Là một tỉnh có đông đồng bào theo đạo, Nam Định phải “thật sự quan tâm đến phần đời và phần đạo của đồng bào”[3], “đoàn kết lương giáo”[4], “đoàn kết từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài”[5], vì sự giàu mạnh của tỉnh nhà và hạnh phúc của nhân dân.

Thưa đồng bào, đồng chí,

Phát huy truyền thống vẻ vang của quê hương và 60 năm Bác Hồ về thăm, tôi tin tưởng rằng, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Nam Định sẽ thực hiện tốt hơn những lời Bác dạy đối với tỉnh nhà, luôn đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng xây dựng Nam Định ngày càng văn minh, giàu đẹp, cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

 Chúc các vị đại biểu, đồng chí, đồng bào tỉnh Nam Định luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, giành được nhiều chiến công mới.

Xin trân trọng cảm ơn".

--------------------------------------------                                                      

[1] Lời Bác dạy trong lần thứ 5 Người về thăm Nam Định (21/5/1963)

[2] [3] Bài nói chuyện của Bác tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định (21/5/1963)

[4] [5] Lời Bác dạy trong lần thứ 2 Người về thăm Nam Định (24/4/1957)

*Đầu đề do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đặt.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website