Phần thưởng của Bác Hồ tặng thiếu nhi Vĩnh Linh

Nổi bật trong phong trào thiếu nhi và hoạt động Đội Thiếu niên Tiền phong tại Quảng Trị thời kỳ đó là phong trào Hợp tác xã Măng non Duy Viên ở huyện Vĩnh Linh. Hợp tác xã Măng non Duy Viên nằm trong Liên đội Lý Tự Trọng, được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 1958 đến năm 1966, do khu Đoàn Vĩnh Linh trực tiếp hướng dẫn, chỉ đạo.

Mặc dù tuổi nhỏ, thường trực đối diện với hiểm nguy từ bom đạn của kẻ thù, nhưng gần 130 đội viên thiếu niên nhi đồng Duy Viên vẫn nêu cao tinh thần yêu nước, tích cực học tập và rèn luyện theo 5 điều Bác Hồ dạy; tham gia cùng với nhân dân địa phương vừa phục vụ chiến đấu, vừa sản xuất; chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, giúp đỡ bộ đội, tiêu hủy truyền đơn của địch, khai hoang để trồng lúa, trồng khoai, nuôi bèo hoa dâu làm phân xanh. Đặc biệt, phong trào chăm sóc trâu bò béo khỏe có tác dụng lớn trong nhân dân. Nhiều con trâu sắp đưa đi lò mổ, được các “bác sỹ thú y” nhỏ tuổi chữa khỏi bệnh trở về trại chăn nuôi để cày ruộng cho hợp tác xã… Những việc làm thiết thực đó của xã viên Măng non được bà con nhiệt liệt hoan nghênh.

Những thành tích đó được chọn đăng báo và phát thanh trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh theo dõi sát sao tin tức về thành tích của quân dân nơi đất lửa. Trong gần 4 năm, Người đã 8 lần gửi thư khen ngợi, tặng nhiều Huy hiệu Bác Hồ và Bằng khen cho tập thể, cá nhân ở Vĩnh Linh, trong đó có Hợp tác xã Măng non Duy Viên, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Ngày 10/5/1966, với bút tích ký tên “Bác Hồ”, Người tặng Bằng khen cho Hợp tác xã với nội dung:

“Đã có thành tích khá trong học tập, trong lao động và trong việc xây dựng đội Thiếu niên tiền phong và Đội Nhi đồng Tháng 8.

Đã làm được nhiều việc thiết thực, đã cố gắng góp phần vào công việc sản xuất và chiến đấu.

Bác khuyên các cháu cố gắng hơn nữa để đạt nhiều thành tích hơn nữa.

Bác Hồ”

Bằng khen Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng tập thể thiếu niên và nhi đồng thôn Duy Viên trong hoàn cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang cam go ác liệt đã trở thành nguồn động lực cổ vũ phong trào, động viên các cháu thêm sức mạnh, làm tốt hơn nữa nhiệm vụ của người đội viên Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.

 phan thuong 1

Bằng khen Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng các cháu thiếu niên và nhi đồng thôn Duy Viên, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, ngày 10/5/1966. Ảnh: BTHCM

Thực hiện công việc sưu tầm, lưu giữ những câu chuyện, hiện vật liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn cán bộ sưu tầm Bảo tàng Hồ Chí Minh đã về lại Quảng Trị. Gặp lại những thiếu niên Hợp tác xã Măng non Duy Viên năm xưa, nay đều đã ngoài 70 tuổi, dù mái tóc đã hoa râm, nhưng ký ức về một thời tuổi hồng vẫn mãi in sâu trong tâm trí họ.

Ông Lê Đức Oanh, lúc đó được bầu làm Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Măng non cho biết: Sau khi Bác đọc báo, nghe đài biết tin Hợp tác xã Măng non Duy Viên là một trong những hợp tác xã điển hình, Người đã ký Bằng khen tặng tập thể thiếu niên và nhi đồng thôn Duy Viên. Bằng khen của Bác gửi về địa phương, được chúng tôi trân trọng trưng bày ở nhà truyền thống thôn Duy Viên một thời gian. Do trong chiến tranh, Vĩnh Linh là một trong những địa phương bị đế quốc Mỹ ném bom bắn phá dữ dội, Chủ nhiệm Hợp tác xã đang đi học, nên tôi được giao nhiệm vụ gìn giữ Bằng khen của Bác. Tôi nghĩ đây là một vinh dự, nhưng cũng là trách nhiệm vô cùng lớn lao, vì thế, trước khi nhập ngũ, lên đường làm nhiệm vụ theo tiếng gọi của Tổ quốc, tôi đã nhờ bố tôi cất giữ. Ở nhà, Cụ cuộn tròn Bằng khen của Bác Hồ lại, cất vào trong ống nứa và chôn kỹ dưới hầm, do vậy Bằng khen Bác tặng đến nay vẫn còn nguyên vẹn.

Có thể nói, trải qua bao thăng trầm biến cố của thời gian, chiến tranh và thiên tai…, ông Lê Đức Oanh từ quân ngũ trở về với bao thương tật trên mình nhưng Bằng khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thiếu niên và nhi đồng Hợp tác xã Măng non Duy Viên năm xưa vẫn được gia đình ông trân trọng gìn giữ và bảo quản như một tài sản quý giá nhất cuộc đời mình.

Bên cạnh thành tích của một tập thể, cũng có những cá nhân tiêu biểu, xuất sắc, vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh khen thưởng. Điển hình là ông Đinh Ngọc Thỉ (sinh năm 1945), nguyên Chủ nhiệm Hợp tác xã Măng non Duy Viên. Tiếp chúng tôi tại nhà riêng, ông Thỉ xúc động kể về thành tích của thiếu niên Duy Viên những năm 1958 - 1966 và việc ông vinh dự được thay mặt cho các đội viên Hợp tác xã Măng non Duy Viên ra Hà Nội dự Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước lần thứ 4 (tháng 12/1966). Trong thời gian tham dự Đại hội, ông Thỉ may mắn có ba lần được gặp Bác Hồ. Mỗi lần gặp Bác với ông là một cảm xúc khác nhau, khi thì gặp riêng các cháu thiếu nhi và được tặng quà, khi thì được Bác mời đoàn Vĩnh Linh ăn cơm cùng, và khi thì được Bác chụp ảnh với các anh hùng, chiến sỹ thi đua…

 phan thuong 2

Ông Đinh Ngọc Thỉ trao tặng Khăn quàng đỏ của Bác Hồ cho Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ảnh: BTHCM

Một trong những ký ức ấy được ông Thỉ kể lại: Sau ngày khai mạc Đại hội, tôi bất ngờ khi được Trung ương Đoàn thông báo, Bác Hồ cho mời năm cháu thiếu nhi về dự Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước đến Phủ Chủ tịch gặp Bác. Khi xe vừa dừng lại trong sân Phủ Chủ tịch, Bác đã ra đón, giang rộng vòng tay ôm chúng tôi vào lòng rồi ân cần thăm hỏi. Bác quan tâm và căn dặn tôi, người con của quê hương Vĩnh Linh: “Sống trong hầm hào, chịu nhiều đau khổ với bom đạn giặc Mỹ, các cháu Vĩnh Linh phải cố gắng nhiều, học thật giỏi để mai sau thay các chú, các bác, các anh xây dựng lại quê hương do giặc Mỹ tàn phá, to đẹp hơn, đàng hoàng hơn”. Trong niềm vui ấy, tôi hứa quyết tâm với Bác.

Ông Thỉ kể tiếp, lúc lên xe ra về, Bác còn tặng chúng tôi mỗi người một gói quà, trong gói quà có: Khăn quàng đỏ, chiếc đàn và bánh kẹo. Bác dặn: “Các cháu đưa quà về và nhớ rằng bánh kẹo là Bác gửi cho các cháu thiếu nhi ở nhà”.

Kể đến đây, ông vào nhà xách ra chiếc cặp, trong đó có chiếc khăn quàng đỏ được cất trong túi vẫn còn nguyên nếp gấp. Cầm chiếc khăn lên, ông tự hào khoe: “Đây chính là chiếc khăn quàng đỏ Bác Hồ tặng trong dịp tôi ra Hà Nội dự Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước. Sau khi trở về Vĩnh Linh, tôi gọi các bạn đến nhà truyền thống Đội, liên hoan bánh kẹo của Bác. Chiếc đàn được trưng bày tại nhà truyền thống Duy Viên, nhưng sau đó bị cháy do bom đạn. Riêng chiếc khăn quàng đỏ tôi đã giữ lại. Từ đó đến nay, tôi đã đeo chiếc khăn quàng đỏ này ba lần, vào các dịp: Đi dự Đại hội về, tại Đại hội cháu ngoan Bác Hồ do tỉnh Quảng Trị tổ chức và trong cuộc gặp mặt Đội Thiếu niên Tiền phong thôn Duy Viên”.

Trải qua hơn 50 năm với bao đổi thay, nhiều thứ đã mất, hư hỏng nhưng những kỷ vật Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng là tấm Bằng khen, chiếc khăn quàng đỏ vẫn luôn được ông Lê Đức Oanh và ông Đinh Ngọc Thỉ gìn giữ nguyên vẹn. Đó là minh chứng cho sự trân trọng, cũng như tình cảm của tập thể thiếu nhi thôn Duy Viên, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh đối với Bác Hồ kính yêu.

Lan Phương

Theo http://baotanghochiminh.vn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website