Ngày 28/3/1951, tại xóm Nà Roác, xã Bạch Đằng (Hòa An, Cao Bằng), Bác Hồ đến thăm và nói chuyện với đơn vị Bộ đội vận tải đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, Bác căn dặn cán bộ, chiến sĩ ngành xe - máy phải biết “… Yêu xe như con, quý xăng như máu…”. Từ đó, câu nói của Bác trở thành phương châm hành động của ngành xe - máy quân đội, ngày 28/3 hằng năm cũng là Ngày truyền thống của ngành xe - máy Quân đội nhân dân Việt Nam.
Cán bộ, chiến sĩ Cục Xe - Máy, Tổng cục Kỹ thuật chụp ảnh lưu niệm tại Khu di tích Lịch sử - Văn hóa “Bác Hồ với ngành xe - máy quân đội”, xóm Nà Roác, xã Bạch Đằng (Hòa An).
Sau Chiến thắng Chiến dịch Biên giới năm 1950, có 2 đại đội vận tải ô tô đầu tiên của quân đội ta gồm: Đại đội 200 và Đại đội 203 đóng quân tại xóm Nà Roác, xã Bạch Đằng ngay sát km 9, Quốc lộ 3 (Cao Bằng - Bắc Kạn).
Ông Nguyễn Hữu Thanh, thôn Nà Roác, xã Bạch Đằng nhớ lại: Đến nay, tôi vẫn nhớ kỷ niệm ngày 28/3/1951, khi đang ở nhà thì gia đình tôi được một cán bộ đến thông báo sẽ có một vị khách đặc biệt ghé qua và đề nghị gia đình ai ở đâu thì ở đó, khi được mời mới ra ngoài.
Khoảng 17 giờ chiều, các thành viên trong gia đình tôi được gọi ra ngoài mới biết vị khách ấy chính là Bác Hồ. Bác ngồi trò chuyện rất thân mật với khoảng 25 - 30 bộ đội tại thửa ruộng bên cạnh nhà tôi. Sau khi ân cần hỏi thăm sức khỏe, tình hình công tác cũng như sự đùm bọc của nhân dân trong vùng,
Bác căn dặn: “Các chú thu được một số xe của địch, thế là tốt, vì các chú đã lấy xe của địch diệt địch, “gậy ông đập lưng ông”. Đó là cái vốn, các chú phải giữ gìn lấy. Vốn này đã phát triển nhiều thêm... Hiện nay, nước ta chưa sản xuất được xe, xăng dầu cũng vậy, có rất ít. Kháng chiến còn dài, chiến dịch ngày một mở rộng, yêu cầu vận chuyển ngày càng cao. Vì vậy, các chú phải giữ gìn xe, tiết kiệm xăng để phục vụ bộ đội. Xe, xăng là mồ hôi, nước mắt, xương máu của nhân dân, các chú phải chăm sóc xe “Yêu xe như con, quý xăng như máu”...
Trước khi chia tay, Bác căn dặn anh em bộ đội vận tải phải đoàn kết, giúp đỡ nhau, khắc phục khó khăn. Rồi Bác bắt nhịp bài hát “Kết đoàn” cho cán bộ, chiến sĩ cùng hát.
Nhiều năm qua, cán bộ, chiến sĩ ngành xe - máy quân đội mong muốn xây dựng địa điểm trên thành khu di tích để các thế hệ hôm nay và mai sau biết đến cội nguồn truyền thống của ngành. Đáp ứng nguyện vọng chính đáng ấy, năm 2005, đoàn công tác Cục Quản lý Xe - Máy (nay là Cục Xe - Máy, Tổng cục Kỹ thuật Bộ Quốc phòng) phối hợp với Ban Quản lý Di tích Hồ Chí Minh tỉnh tiến hành nghiên cứu, khảo sát, xác minh địa điểm di tích và lập hồ sơ khoa học di tích Bác Hồ nói chuyện với hai đại đội xe ô tô đầu tiên của quân đội, đề nghị UBND tỉnh quyết định công nhận xếp hạng điểm di tích lịch sử - văn hóa.
Các đại biểu dâng hương và báo công tại Di tích “Bác Hồ với ngành Xe - Máy Quân đội”.
Ảnh: Phương Quyền
Ngày 19/1/2008, công trình di tích được khởi công xây dựng, gồm các hạng mục: Bức phù điêu bằng đá cẩm thạch cao 4 m, dài 8 m phác họa hình ảnh Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ hai đại đội vận tải đầu tiên, bên dưới là lời căn dặn của Bác “… Xe, xăng là mồ hôi, nước mắt, xương máu của nhân dân, các chú phải chăm sóc xe, yêu xe như con, quý xăng như máu…”, hai bên bức phù điêu là hai cánh hoa sen, xung quanh có tường bao quanh, sân, cổng, biển và khuôn viên di tích… với tổng diện tích 1.808 m2 tại xóm Nà Roác, xã Bạch Đằng (Hòa An) đã hoàn thành ngày 10/9/2010.
Kinh phí xây dựng công trình do cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên ngành xe - máy quân đội và nhân dân trong tỉnh đóng góp. Qua 10 năm sử dụng, đến nay, công trình đã xuống cấp.
Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành xe - máy quân đội (28/3/1951 - 28/3/2021), ngày 24/7/2020, Cục Xe - Máy trình UBND tỉnh cho phép cải tạo, nâng cấp Khu di tích Lịch sử - Văn hóa "Bác Hồ với ngành xe - máy quân đội". Công trình đang được cải tạo, nâng cấp gồm các hạng mục: Xây mới hai nhà chờ cho khách đến dâng hương và tham quan, cải tạo tường bao, lát sân, làm cổng khu di tích, đặt mô hình xe ô tô bằng đá và trồng vườn hoa, cây cảnh trong khuôn viên... Kinh phí cải tạo, nâng cấp do cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên ngành xe - máy quân đội đóng góp.
Thiếu tướng Dương Xuân Nam, Cục trưởng Cục Xe - Máy khẳng định: Công trình Di tích Lịch sử - Văn hóa “Bác Hồ với ngành xe - máy quân đội” được xây dựng, cải tạo, nâng cấp là niềm mong mỏi của cán bộ, chiến sĩ ngành xe - máy quân đội. Đây sẽ là công trình vĩnh cửu in đậm hình ảnh Người anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, vị tổng chỉ huy tối cao của các lực lượng vũ trang nhân dân, vĩ đại nhưng gần gũi, thân thương đối với cán bộ, chiến sĩ ngành xe - máy quân đội nói riêng và đối với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân nói chung.
Khu di tích là nơi tuyên truyền, giáo dục nhân dân, các lực lượng vũ trang, các thế hệ mai sau lòng tự hào về Đảng, Bác Hồ kính yêu, tiếp tục phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ra sức thi đua xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nguyễn Đắc Ngọc
Theo http://baocaobang.vn