|
Những nữ nhân viên thuyết minh tại Khu Di tích Kim Liên luôn được nhớ đến với tà áo dài thướt tha,
giọng nói Nghệ dịu dàng và kiến thức về Bác Hồ sâu rộng. Ảnh: Đình Tuyên
|
Luôn nỗ lực vì tình yêu với nghề
Dù thời tiết có khắc nghiệt thế nào, bản thân có đang mệt mỏi ra sao thì những người thuyết minh ở Khu Di tích Kim Liên vẫn sẽ hoàn thành nhiệm vụ của mình bằng một giọng Nghệ nhẹ nhàng, chân phương, êm ái. Nghe giọng nói đó, ít ai hình dung được cường độ công việc mà những người thuyết minh này trải qua mỗi ngày, nhất là trong những dịp cao điểm như lễ, Tết, nghỉ Hè…
“Trong trang phục áo dài truyền thống, công việc của chúng tôi bao gồm đón tiếp khách ở phòng đăng ký, thuyết minh tại các di tích, dâng hoa, làm lễ tưởng niệm... Trong suốt mùa Hè, trung bình mỗi ngày 17 thuyết minh viên sẽ tiếp đón trên 150 đoàn khách tại các điểm. Vào những dịp lễ như 30/4-1/5 thì có thể lên đến 400 - 500 đoàn khách/ngày, tất cả đều phải thuyết minh, hướng dẫn liên tục buổi sáng từ 7h - 11h30, buổi chiều từ 13h30 đến 17h. Vào mùa cao điểm, dịp Hè, mỗi tháng có khi chỉ được nghỉ 1-3 ngày. Công việc giữa mùa nắng nóng, làm việc ngoài trời rất vất vả, mệt mỏi đến mức không ít lần đang thuyết minh có bạn bị ngất xỉu, chảy máu cam... Ngoài ra, để đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, các cán bộ thuyết minh còn phải thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền ngoài di tích qua các cuộc nói chuyện chuyên đề về Bác, viết bài tuyên truyền đăng báo, website, thuyết minh triển lãm, xây dựng các chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh…”, chị Phan Thanh Quý - Phó phòng Tuyên truyền giáo dục, Khu Di tích Kim Liên chia sẻ.
Trước khi chọn ở lại với nghề với những khó khăn, vất vả ban đầu, những cán bộ thuyết minh phải trải qua hành trình thử thách không ít gian nan. Kể về những ngày đầu chập chững vào nghề, chị Quý nhớ lại: “Vốn tốt nghiệp Khoa Ngoại ngữ, những kiến thức lịch sử từ lúc Bác sinh ra đến thời niên thiếu, rồi quê hương và gia đình, các kiến thức lịch sử… rất xa lạ với tôi. Bên cạnh đó, tôi cần bổ sung rất nhiều kỹ năng như phong thái, biểu cảm, thuyết minh, giao tiếp, viết bài… Đặc biệt, luyện giọng nói nhẹ nhàng, ngôn ngữ rõ ràng, dễ hiểu để khách từ mọi miền có thể nghe và hiểu. Trong đó, hành trình chiến thắng những sự thiếu tự tin, rụt rè của bản thân có lẽ là điều khó làm nhất, cần khá nhiều thời gian. Để tự tin thuyết trình, cần một vốn kiến thức nhất định về chuyên môn, về giao tiếp và hiểu biết xã hội”.
|
Du khách được nghe những câu chuyện về Bác Hồ khi về thăm quê Bác. (Ảnh tư liệu: Huy Thư)
|
Một khi đã nhuần nhuyễn kiến thức, nắm chắc nội dung, người thuyết minh sẽ có được khả năng biến tấu bài nói của mình một cách linh hoạt và cảm xúc phù hợp với hoàn cảnh, với từng đối tượng khách tham quan. “Những câu chuyện có thể trùng lặp nhưng cảm xúc mỗi lần kể và sự đón nhận của du khách lại rất khác nhau. Xúc động nhất có lẽ là khi tiếp đón những đoàn khách là những cụ già lớn tuổi và các bác cựu chiến binh - những người lính Cụ Hồ từng trải qua mưa bom, bão đạn. Rất nhiều bác không giấu nổi xúc động mà òa khóc, bản thân chúng tôi cũng không thể cầm lòng” - chị Quý tâm sự.
Chị Phạm Thị Oanh - 1 trong 17 thuyết minh của Khu Di tích Kim Liên chia sẻ: “Các thành viên trong phòng đều là nữ, hầu hết còn trẻ và đang nuôi con nhỏ. Một nửa trong số đó nhà ở TP. Vinh nên việc đi làm, đi trực vào các ngày lễ, Tết cũng là một khó khăn cần vượt qua. Không ít ngày chị em phải phân công ngủ lại để đón đoàn sớm, dịp Giao thừa cùng với các anh, chị trong cơ quan ở lại qua Giao thừa có khi tới sáng mới về. Với mức thu nhập khiêm tốn, nếu không có tình yêu với công việc này, chúng tôi khó có thể gắn bó lâu dài với nghề”.
Tình yêu với công việc của chị Quý, chị Oanh và các thành viên trong đội thuyết minh được nhen nhóm từ chính lòng kính yêu đối với vị cha già dân tộc, từ niềm tự hào quê hương, từ những cảm xúc đáng trân quý của du khách... “Chúng tôi xem mình như một thành viên trong gia đình của Bác và hạnh phúc khi được chia sẻ những câu chuyện về Người. Đổi lại, chúng tôi cũng được nhận rất nhiều tình cảm đáng trân quý từ du khách. Đó có thể là những khen, những lời động viên, những cái bắt tay trân trọng hay những món quà nhỏ như cái mũ, cái ô, cây kẹo, chai dầu gió… nhưng tiếp thêm cho chúng tôi rất nhiều động lực” - chị Quý chia sẻ.
|
Bên cạnh công việc chính, những nữ thuyết minh tại Khu Di tích Kim Liên (Nam Đàn) còn kiêm nhiệm nhiều vai trò, kỹ năng khác (Ảnh: ĐVCC)
|
Học để kể về Bác cho nhiều khách quốc tế
Trong rất nhiều những mẩu chuyện vui về nghề, chị Quý nhớ mãi câu chuyện về một du khách Nhật. Suốt chuyến thăm quan, ông lắng nghe chị một cách chăm chú, say sưa. Trước khi tạm biệt, ông nhờ phiên dịch nhắn với chị: “Tôi không hiểu tiếng Việt nhưng những lời bạn nói nghe như một giai điệu và tôi đọc được sự chân thành trong ánh mắt của bạn”. Những mẩu chuyện, những tình huống như thế chính là động lực để chị Quý và những người đồng nghiệp nỗ lực hơn nữa, học hỏi thêm nữa, để có thể tự mình kể chuyện của Bác cho bạn bè quốc tế.
Từ quyết tâm đó, năm 2019, Đội Thuyết minh Khu Di tích Kim Liên đã chủ động đề nghị Ban Quản lý tạo điều kiện để học thêm về tiếng Anh nhằm phục vụ cho công việc. “Hầu hết mọi người đều tốt nghiệp chuyên ngành Văn, Sử nên để bắt đầu lại với tiếng Anh ở độ tuổi này là vô cùng khó khăn. Trong đó, có chị Bùi Thị Đảm - Trưởng phòng Tuyên truyền giáo dục, sinh năm 1972, năm nay đã 50 tuổi nhưng vẫn quyết tâm học đến cùng. Bản thân chúng tôi cũng như Ban Quản lý không đặt ra những kỳ vọng lớn, chỉ mong đáp ứng được yêu cầu thuyết minh về Bác bằng tiếng Anh và giao tiếp cơ bản được với du khách. Để làm được mục tiêu nhỏ đó cũng cần rất nhiều sự kiên trì, cố gắng”.
|
Khu Di tích Kim Liên đón rất nhiều đoàn khách quốc tế đến thăm mỗi năm (Ảnh: ĐVCC)
|
Tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm môn Lịch sử, chị Phạm Thị Oanh chưa bao giờ nghĩ đến một ngày mình có thể thuyết minh trọn vẹn những câu chuyện của Bác bằng tiếng Anh. Thế mà chị đã làm được. Chị Oanh nhớ lại: “Những buổi học đầu tiên, chị em chúng tôi phũ phàng nhận ra những gì chúng tôi từng được học trên ghế nhà trường khác hoàn toàn với kiến thức mà giáo viên người bản xứ dạy. Để phát âm cho chuẩn từ “is” thôi, chúng tôi cũng cần mấy buổi để sửa. Cùng lúc đó, không ít ý kiến cho rằng, những điều chúng tôi làm sẽ không đem lại kết quả gì. Cũng may là mọi người học cùng nhau nên có thể động viên nhau và nhìn nhau mà cố gắng. Thời gian đó, để theo kịp chương trình, tôi phải tranh thủ mọi thời gian rảnh để học, để nhớ từ mới, tôi viết và dán lên khắp nhà. Khó nhất vẫn là kỹ năng phát âm, nhấn trọng âm, bật âm. Để cải thiện kỹ năng này, cứ có khách Tây là mấy chị em lại hăm hở ra trò chuyện, vui lắm!”
Sau 5 tháng dùi mài, rèn luyện, 5 thành viên của phòng đã có thể tự tin kể chuyện về Bác bằng tiếng Anh chuẩn ngữ điệu, phát âm cho bạn bè quốc tế. Sau thành công nhỏ bé này, từ gợi ý của Ban Quản lý, các chị tiếp tục chinh phục mục tiêu thuyết minh bằng tiếng Lào. “Tương tự như tiếng Anh, chúng tôi không đặt kỳ vọng có thể thông thạo tiếng Lào mà chỉ đặt mục tiêu có thể thuyết minh những câu chuyện về Bác. Sau khóa học, chúng tôi đã có thể đón tiếp được những đoàn lãnh đạo cấp cao của nước bạn đến thăm và nhận được những lời khen ngợi từ họ. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với chúng tôi” - chị Quý chia sẻ.
Không chỉ nâng cao ngoại ngữ, trong thời gian giãn cách vì dịch COVID-19, Đội Thuyết minh Khu Di tích Kim Liên còn tự mình trang bị thêm một số kỹ năng mới như làm video tư liệu lịch sử về Bác Hồ, tham gia dẫn chương trình, đọc podcast, thuyết minh online… Với những gì đã và đang làm, bản thân các chị đã là những ví dụ cụ thể cho tinh thần học tập và rèn luyện theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Diệp Thanh/Báo Nghệ An