Những bức vẽ Bác từ trái tim

Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân - tác giả Nguyễn Thụ, Huy Oánh.

28 tác phẩm với nhiều thể loại hội họa, đồ họa, ký họa, p phích…, đa dạng về chất liệu như: Sơn dầu, sơn mài, khắc gỗ, bột màu, màu nước, tranh in…, với các bút pháp và phong cách nghệ thuật phong phú, nhưng đều khắc họa được sự giản dị, thanh cao, nêu bật được tấm gương đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Triển lãm hội tụ tác phẩm của những danh họa thời kỳ mỹ thuật Đông Dương cũng như thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, chống Mỹ, cứu nước, những họa sĩ đương đại, và đặc biệt có cả tác phẩm của những họa sĩ nước ngoài sáng tác về Bác

Cậu Coông học khai tâm.

Nhiều sự kiện trong cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh được các họa sĩ thể hiện trong những bức vẽ giản dị, chân thành nhưng giàu tình cảm và tính biểu đạt cao. Từ những hình ảnh gợi nhớ về thời niên thiếu của Bác như Cậu Coông học khai tâm, Mẹ Loan và cậu Coông (Bột màu, cả hai bức đều do họa sĩ Văn Giáo vẽ năm 1971), cho đến những năm tháng Bác ra đi tìm đường cứu nước: Luận cương đến với Bác Hồ (Áp phích, Nguyễn Minh Thông), rồi sự kiện trọng đại Bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập (Bột màu, Nguyễn Dương).

Chân dung Hồ Chủ tịch - Nguyễn Đỗ Cung.

Những bức vẽ chân dung Bác Hồ là điểm nhấn nổi bật của triển lãm online này. Một trong những bức vẽ hiếm hoi mà công chúng được chiêm ngưỡng tại triển lãm là Chân dung Hồ Chủ tịch được vẽ bằng mực năm 1946 của một trong những danh họa Việt Nam: Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, và một bức chân dung Hồ Chủ tịch khác in màu của họa sĩ Thế Vinh thực hiện năm 1949.

Bác Hồ với Tây Nguyên - Xu Man.

Những hình ảnh phổ biến nhất về Bác mà các họa sĩ sáng tác thường gắn liền với cuộc sống đời thường: Bác Hồ với thiếu nhi, Bác Hồ đi công tác, Bác Hồ thăm trận địa, thăm bộ đội, thăm lớp học, làm việc, ở chiến khu… Đó là những bức Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc, sáng tác năm 1980 của họa sĩ Dương Bích Liên, tranh khắc gỗ Bác Hồ đi công tác của họa sĩ Nguyễn Thụ, Đêm nay Bác không ngủ - tranh khắc gỗ năm 1982 của họa sĩ Nguyễn Nghĩa Duyện, tranh bột màu Việt Bắc mùa xuân của họa sĩ Giang Tô vẽ năm 1979, khắc gỗ Bác Hồ làm việc ở Việt Bắc của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ sáng tác năm 1970, Bác đi công tác - tranh lụa của họa sĩ Trần Đình Thọ vẽ năm 1972, Bác Hồ thăm đơn vị pháo Hồ Tây của họa sĩ Nguyễn Cao Thương vẽ năm 1969, tranh bột màu Bác Hồ với Tây Nguyên của họa sĩ Xu Man vẽ năm 1974.

Bác Hồ thăm lớp vỡ lòng - Đỗ Hữu Huề.

Mảng đề tài Bác Hồ với thiếu nhi cũng thu hút nhiều cây bút sáng tác. Những tác phẩm được lựa chọn trưng bày ở triển lãm chung quanh đề tài này gồm tranh sơn dầu Bác Hồ thăm lớp vỡ lòng của họa sĩ Đỗ Hữu Huề vẽ năm 1976, tranh khắc gỗ Tết Trung Thu của họa sĩ Hà Quang Phương vẽ năm 1976, Rước ảnh Bác - tranh lụa của họa sĩ Nguyễn Văn Quảng vẽ năm 1960.

Nhà Bác ở Kim Liên - Trần Văn Cẩn. 

Nhà Bác ở Phủ Chủ tịch - Lương Xuân Nhị.

Những người yêu mến hội họa còn có cơ hội chiêm ngưỡng tác phẩm của nhiều danh họa khác về Chủ tịch Hồ Chí Minh, như tranh sơn dầu Nhà Bác ở Phủ Chủ tịch của họa sĩ Lương Xuân Nhị vẽ năm 1970, Nhà Bác ở Kim Liên - tranh màu nước của họa sĩ Trần Văn Cẩn vẽ năm 1979, tranh áp phích Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân của các họa sĩ Nguyễn Thụ, Huy Oánh sáng tác năm 1970…

Đặc biệt, triển lãm giới thiệu một số tác phẩm của các họa sĩ nước ngoài về Chủ tịch Hồ Chí Minh, với cách thể hiện độc đáo và đầy lòng tôn kính như Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh của họa sĩ Lee Sang Phill (Hàn Quốc) hay Hồ Chí Minh của họa sĩ David Thomas (Mỹ).

Người xem có thể vào trang web của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chiêm ngưỡng các tác phẩm tại địa chỉ https://vnfam.vn/vi/s%E1%BB%B1-ki%E1%BB%87n/5ebfab282b9e3c002c344d83. Đây là tấm lòng, là sự tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của Người đối với dân tộc Việt Nam mà Bảo tàng gửi tới công chúng./.

Tuyết Loan

Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Theo Báo Nhân Dân

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website