Ngày 19 và 20-3-1961, nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Người căn dặn “Phải đoàn kết chặt chẽ trong và ngoài Đảng, phải ra sức bảo vệ Tổ quốc, thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, phải xây dựng con người mới”. Hơn 62 năm qua, những lời dạy của Người vẫn in đậm trong mỗi người dân Tuyên Quang.
Niềm tin nơi Bác
Cụ Đinh Thị Chắt - cô công nhân Nông trường Sông Lô năm xưa vinh dự được đón Bác Hồ về thăm, nay đã ở tuổi xưa nay hiếm. Dẫu vậy, hình ảnh của vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí cụ. Cụ Chắt bồi hồi nhớ lại, Bác Hồ đến thăm nông trường khi cụ mới đôi mươi, vừa vào nông trường làm được 1 năm. Một buổi trưa những ngày giữa tháng 3-1961, theo như kế hoạch, nông trường tổ chức đón tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại khu nhà hành chính của Nông trường Sông Lô (nay là Khu vực Bệnh viện Đa khoa Yên Sơn). Khi mọi công tác chuẩn bị tại khu nhà hành chính đã xong xuôi thì gần trưa Bác đến. Lúc đó, công nhân vừa đi làm về, chuẩn bị đi ăn cơm trưa, thấy Bác, ai nấy đều phấn khởi ùa ra đón Bác.
Cụ Đinh Thị Chắt, tổ 15, phường An Tường (TP Tuyên Quang) giờ đã ở tuổi xưa nay hiếm.
Cụ Chắt nhớ, dáng Bác gầy, cao, khuôn mặt hiền lành, vui vẻ, bước chân thoăn thoắt. Cán bộ, công nhân viên nông trường định đón Bác vào khu nhà hành chính nhưng Bác đi thẳng xuống thăm khu tập thể bếp ăn phúc lợi. Sau đó, Bác gặp gỡ các cháu bé con em công nhân của nông trường. Lúc ấy, Bác bế một bé gái của một công nhân nông trường vào lòng... Cuộc gặp gỡ vội vàng chưa đầy nửa tiếng đồng hồ nhưng cụ cảm nhận được sự quan tâm, gần gũi của Bác qua từng cử chỉ, hành động, lời nói với mỗi cán bộ, công nhân và thiếu nhi ở nông trường. Bác nói: “Bác mừng cho tất cả các cháu. Bác mong các cháu ra sức xây dựng chủ nghĩa xã hội, tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, đưa nông trường ngày càng phát triển tiến bộ hơn”.
Theo lời cụ Chắt, mặc dù thời gian Bác đến thăm ngắn ngủi nhưng đã để lại kỷ niệm đẹp không bao giờ phai trong lòng cán bộ, công nhân nông trường ngày ấy. Đặc biệt, những lời dặn của Người là niềm tin, là sức mạnh để tập thể công nhân nỗ lực, phấn đấu, cống hiến xây dựng nông trường trở thành lá cờ đầu xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.
Trong chuyến về thăm Tuyên Quang, Bác đến dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ III, nói chuyện với nhân dân Tuyên Quang, thăm và nói chuyện với nhân dân xã Tân Trào (Sơn Dương) nơi Người cùng Trung ương ở, làm việc, lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta chống thực dân Pháp xâm lược. Bác còn đến thăm xóm Hợp Hòa 2, xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang), Trung đoàn 246, Trường Thiếu nhi vùng cao, Trường Sư phạm cấp I Bình Thuận, Trường Bổ túc văn hóa tỉnh, Trường Đảng tỉnh Tuyên Quang. Nói chuyện với đồng bào các dân tộc của tỉnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Trước kia, đồng bào tỉnh ta đã góp phần xứng đáng trong Cách mạng Tháng Tám và cuộc kháng chiến cứu nước. Ngày nay, tôi chắc rằng đồng bào ta sẽ phát huy truyền thống anh dũng sẵn có và góp phần nhiều hơn nữa trong công cuộc kiến thiết chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà...”.
Thành phố Tuyên Quang đang trên đà phát triển.
Học tập và làm theo Bác
Bằng niềm tin lớn lao, với quyết tâm, sáng tạo, các cấp ủy, chính quyền và người dân trên địa bàn tỉnh đã tạo nên sức lan tỏa, hiệu quả rộng khắp của nhiều mô hình học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Không chỉ làm “đúng bài”, nhiều tập thể, cá nhân quyết liệt đổi mới tư duy hành động, “nói đi đôi với làm”... mang lại thành quả cho chính mình, còn đóng góp cho cả cộng đồng và làm sâu sắc hơn tư tưởng, phong cách và đạo đức của Bác.
Kể từ khi được tín nhiệm bầu chức Bí thư Đảng ủy xã Tân Trào (Sơn Dương) đồng chí Hà Hữu Tiệp, luôn nỗ lực rèn luyện bản thân, tích cực học tập để tìm ra giải pháp nhằm lãnh đạo nhiệm vụ chính trị phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương một cách có hiệu quả. Bí thư Tiệp quyết liệt chỉ đạo toàn thể cán bộ, đảng viên người đứng đầu các đơn vị, tổ chức, đoàn thể tại xã Tân Trào phải sâu sát với nhân dân, cơ sở để tìm phương pháp phát triển kinh tế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Theo lời Bí thư Tiệp, Tân Trào đang từng ngày đổi mới, người dân đã biết khai thác tiềm năng, lợi thế của xã để phát triển ngành nghề dịch vụ kết hợp sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn. Toàn xã có 4 mô hình sản xuất nông nghiệp với các sản phẩm được chứng nhận và gắn sao OCOP như: Chè hữu cơ Tân Trào, rượu men lá, gạo chất lượng cao, mật ong rừng Tân Trào. Kinh tế phát triển, cuộc sống của người dân trong xã từng bước được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt mốc 53 triệu đồng/năm, cao nhất từ trước đến nay; xã có 407 hộ có mức sống khá, giàu chiếm 32,4%, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của xã đã giảm xuống dưới 12%. Bí thư Đảng ủy xã Hà Hữu Tiệp tự tin khẳng định, cấp ủy đảng, chính quyền, người dân trong xã đồng lòng, quyết tâm nâng cao các tiêu chí, phấn đấu đưa xã Tân Trào thành xã kiểu mẫu về xây dựng nông thôn mới để xứng đáng với niềm tin của Bác.
Đầu tháng 1-2023, trường PTDTNT THCS và THPT Na Hang được khởi công. Ngay tại lễ khởi công, vợ chồng anh chị Trần Thị Tám, Trần Văn Tới, tổ dân phố 8, thị trấn Na Hang (Na Hang) được khen thưởng trực tiếp vì đã hiến 246m2 đất vàng để mở cổng vào trường học. Chị Tám là giáo viên trường Mầm non Hoa Mai (thị trấn Na Hang), chồng làm nghề tự do, gia cảnh không dư dả gì. Thế nhưng, khi biết nhà trường còn khó khăn trong việc tìm vị trí mở cổng, anh chị sẵn sàng hiến một phần đất thổ cư của gia đình. Chị Tám chia sẻ: “Mình cũng là giáo viên, học và làm theo Bác nên những gì tốt đẹp nhất, vợ chồng mình sẵn sàng dành tặng cho sự nghiệp giáo dục của địa phương”.
Tuyên Quang phát triển vùng chè nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến.
Thầy giáo Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú, THCS và THPT Na Hang cho biết, nghĩa cử cao đẹp của cô giáo Tám vô cùng đáng quý. Đây chính là động lực để nhà trường nâng cao chất lượng giáo dục, chăm lo hơn nữa cho những chủ nhân tương lai của huyện nhà.
Theo báo cáo của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, sau 2 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, toàn tỉnh có 3.523 chi bộ, đảng bộ cơ sở đăng ký việc làm tập thể và gần 50.800 đảng viên xây dựng kế hoạch cá nhân và đăng ký việc làm theo Bác.
Dẫu còn những khó khăn, song hơn 62 năm qua thực hiện lời căn dặn của Người, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã làm được nhiều điều trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, kiến thiết và phát triển quê hương, góp phần xây dựng đất nước ngày càng to đẹp hơn.
Bài, ảnh: Đoàn Thư
Theo https://baotuyenquang.com.vn