Mỗi tuần đều trao tặng cho người bệnh những bát cháo nghĩa tình; xây dựng nhiều mô hình thu gom rác thải ở các khu dân cư; vận động quyên góp nhu yếu phẩm hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19… Đó là những việc làm cụ thể do các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Mường Nhé tổ chức triển khai thực hiện nhằm thiết thực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cũng như các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động do các cấp, ngành phát động thời gian qua. Các hoạt động này đã và đang tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.
Mô hình liên kết trồng lạc của phụ nữ xã Mường Toong (huyện Mường Nhé).
Những ngày tháng 6 vừa qua là những ngày rất vui và ý nghĩa đối với chị em bản Mường Toong 3, xã Mường Toong. Vui bởi hơn 6 tấn lạc trồng theo mô hình liên kết vừa hoàn tất công đoạn thu hoạch, phơi phóng đã có người đến tận nơi để thu mua. Chị Phạm Thị Hà, Chủ tịch Hội LHPN huyện Mường Nhé cho biết: Mường Toong là địa phương có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với giống lạc đỏ. Tuy nhiên, những năm trước đây, do bà con trồng theo hình thức nhỏ lẻ “mạnh ai nấy làm” và cũng chưa nắm vững kỹ thuật chăm sóc nên năng suất, sản lượng không cao. Chính điều này cũng khiến việc tiêu thụ sản phẩm làm ra của bà con chưa được như mong muốn. Nắm bắt tình hình đó, trên tinh thần giúp nhau cùng vươn lên và giải bài toán xóa đói giảm nghèo cho người dân, nhất là hội viên phụ nữ xã Mường Toong, Hội LHPN huyện đã lên kế hoạch giúp đỡ, nghiên cứu, xây dựng và triển khai ý tưởng thành lập tổ liên kết trồng lạc đỏ tại bản Mường Toong với 35 thành viên. Tham gia tổ liên kết, các thành viên không chỉ được hỗ trợ về kĩ thuật trồng, chăm sóc mà còn được Hội kết nối với các đơn vị thu mua với giá thành hợp lý. Sau hơn 5 tháng trồng và chăm sóc, mô hình triển khai trên diện tích 5,5ha đã cho thu hoạch với năng suất đạt trên 11 tạ/ha, cao hơn 2 - 3 tạ/ha so với khi người dân trồng tự phát.
Phấn khởi với thành quả ban đầu đạt được, chị Dì Thị Dinh, hội viên phụ nữ xã Mường Toong, đồng thời cũng là thành viên tổ liên kết trồng lạc không giấu nổi niềm vui: “Bao nhiêu năm trồng lạc ở đây, chưa năm nào mình thấy năng suất như vụ này. Dù chỉ trồng hơn 500m2, nhưng gia đình thu về được hơn 5 tạ. Không những năng suất cao, việc bán ra thị trường cũng dễ dàng hơn. Chỉ cần phơi phóng xong đã có các cấp hội liên hệ đầu ra cho rồi”.
Học Bác từ những việc làm thiết thực, những năm gần đây, các cấp Hội LHPN huyện Mường Nhé còn có nhiều mô hình mới, cách làm hay, được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao. Điển hình như trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên cả nước, nhất là khi dịch khởi phát trên địa bàn huyện Mường Nhé thời điểm cuối năm 2021, đầu năm 2022 vừa qua, Hội đã vận động hội viên chung tay phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực tham gia chống dịch; đồng thời, hỗ trợ tối đa về nhân lực khi được yêu cầu. Theo chị Phạm Thị Hà, thời điểm dịch diễn biến phức tạp, nhiều chị em phụ nữ đã tình nguyện tham gia nấu ăn phục vụ cán bộ, chiến sĩ, những người ở tuyến đầu chống dịch. Trung bình mỗi ngày, có hàng trăm suất ăn được mang đến tận nơi cho lực lượng tuyến đầu. Không những thế, hưởng ứng lời kêu gọi của Ban vận động, tiếp nhận, quản lý và phân phối tiền, hàng hóa ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 huyện Mường Nhé, các cấp hội phụ nữ trong huyện cũng thường xuyên tham gia, kêu gọi, vận động ủng hộ hơn 3 tấn gạo; 2 tấn rau, củ, quả; hàng chục nghìn khẩu trang y tế cùng nhiều nhu yếu phẩm là: muối, nước mắm, mì chính, trứng gia cầm, nước lọc, mì tôm...
Chị Phạm Thị Hà, Chủ tịch Hội LHPN huyện Mường Nhé cho biết, xác định học Bác là việc làm lâu dài, thường xuyên, do đó, hàng năm, Hội thường xuyên xây dựng các ý tưởng, linh hoạt tổ chức các hoạt động phù hợp với điều kiện thực tiễn. Mới đây, sau khi được sự nhất trí của lãnh đạo huyện và cơ quan chức năng, Hội LHPN huyện đã đứng ra kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện với chương trình mang tên “Nồi cháo nghĩa tình”.
Bác sĩ Lò Thị Ngởi, Trưởng khoa Kiểm soát truyền nhiễm, Trung tâm Y tế huyện bộc bạch: “Tôi là người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, cũng là người cùng chị em hội phụ nữ chuẩn bị những bát cháo vào mỗi sáng thứ 3, thứ 5 hàng tuần. Biết rằng công việc có hơi vất vả do thức khuya, dậy sớm nhưng không phụ tấm lòng của các nhà hảo tâm, mỗi người chúng tôi luôn nỗ lực hết mình vì người bệnh. Các suất cháo được nấu tại bếp ăn của Trung tâm Y tế huyện theo đúng thành phần đã quy định, đầy đủ dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài việc phát cháo miễn phí tại điểm cố định, những bệnh nhân nặng, phụ nữ, trẻ em khó khăn trong việc di chuyển ở các khoa điều trị sẽ được đội ngũ tình nguyện viên nhiệt tình mang cháo đến tận giường bệnh.
Tìm hiểu tại Trung tâm Y tế huyện, được biết, phần lớn các bệnh nhân điều trị tại đơn vị thuộc diện hộ nghèo; mặc dù được hưởng chế độ bảo hiểm y tế nhưng khi điều trị tại đây họ phải gánh thêm một số chi phí sinh hoạt, ăn uống, nhất là những bệnh nhân người dân tộc thiểu số, bệnh nhân nặng phải điều trị nội trú dài ngày. Xuất phát từ sự cảm thông, chia sẻ với những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn, nồi cháo nghĩa tình được Hội LHPN huyện đứng ra vận động, kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ vật tư, kinh phí để thực hiện. Những bát cháo tuy nhỏ nhưng chứa đựng tình yêu thương của những nhà hảo tâm với mong muốn san sẻ một phần khó khăn vất vả và mang lại niềm vui với những người bệnh. Đây là hoạt động thể hiện ý nghĩa nhân văn của hội viên phụ nữ cũng như các nhà hảo tâm đối với các bệnh nhân nghèo.
Thấm nhuần lời dạy của Bác “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, có thể nói, những năm qua, hội viên, phụ nữ Mường Nhé đã không ngừng thi đua trong lao động, sản xuất, cùng nhau vượt khó vươn lên. Trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, thông qua các hoạt động hỗ trợ về vốn, tư liệu sản xuất, kiến thức trồng trọt, chăn nuôi… Hội LHPN huyện đã giúp nhiều hội viên, phụ nữ ngày một đi lên, mỗi năm Hội có khoảng 5 - 7% hội viên thoát nghèo.
Bài, ảnh: Quang Long
Theo http://baodienbienphu.info.vn