Trở về sau các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, những người lính đã từng bước qua tuyến lửa để bảo vệ đất nước vẫn luôn giữ vững phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, có nhiều đóng góp xây dựng quê hương. Phát huy truyền thống yêu nước, nghị lực vươn lên, sẵn sàng sẻ chia, những CCB, hội viên Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin trên địa bàn huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ vẫn không ngừng phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, cống hiến trí tuệ, lòng nhiệt huyết vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội địa phương trong thời bình.
Đồng chí Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin huyện Hạ Hoà thăm hỏi gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn ở thị trấn Hạ Hoà.
Giữa những năm tháng ác liệt, gian khổ, tình đồng chí, đồng đội đã tạo nên sức mạnh đoàn kết đánh thắng quân xâm lược. Trở về với đời thường, tình cảm đùm bọc, sẻ chia ấy vẫn sống mãi với thời gian. Dù mang trong mình thương tật, chất độc da cam (CĐDC) truyền lại cho thế hệ sau, nhưng những chiến sĩ năm xưa vẫn kiên trung vươn lên để san sẻ nỗi đau ấy cùng đồng đội. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng gần nửa thế kỷ qua, CCB Nguyễn Văn Thắng và gia đình ở thị trấn Hạ Hoà vẫn phải chịu đựng nỗi đau do chất độc hoá học Dioxin gây ra. Người con trai duy nhất của vợ chồng ông bị thiểu năng trí tuệ phải ngồi xe lăn và không tự chủ được mọi sinh hoạt cá nhân. Cũng vì thế, ông Thắng thêm thấu hiểu nỗi đau, sự mất mát của nạn nhân và gia đình nạn nhân bị nhiễm CĐDC. Từng vào sinh ra tử, không tiếc tuổi thanh xuân lên đường tòng quân vì lý tưởng cách mạng nên khi trở về cuộc sống đời thường ông tích cực tham gia công tác xã hội. CCB Nguyễn Văn Thắng tâm sự: “Tôi tham gia công tác Hội CCB, Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin bằng trách nhiệm và lương tâm của mình, trước hết là để tự động viên mình cố gắng vượt khó, sau đó là tham mưu với cấp uỷ, chính quyền thực hiện tốt việc vận động các nguồn lực nhằm chăm sóc và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho nạn nhân, giúp đỡ các nạn nhân vươn lên trong cuộc sống”. 13 năm giữ cương vị Phó Chủ tịch, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin huyện Hạ Hoà, CCB Nguyễn Văn Thắng đã có nhiều đóng góp xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, quan tâm chăm lo nâng cao chất lượng cuộc sống hội viên, nạn nhân CĐDC.
Sau tám năm lên đường tòng quân đánh giặc ở mặt trận Bình - Trị - Thiên, năm 1977, CCB Nguyễn Văn Thuận ở khu 6, xã Yên Luật xuất ngũ trở về quê. Mặc dù mang trong mình di chứng chiến tranh chất độc hoá học Dioxin nhưng ông vẫn luôn nỗ lực vươn lên, góp sức vào phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Từ việc tiên phong trong hiến đất làm đường của ông và những người đồng đội đã tạo sức lan toả trong nhân dân, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng Yên Luật sớm trở thành xã nông thôn mới. CCB Nguyễn Văn Thuận chia sẻ: “Những năm tháng gian khó nơi chiến trường ác liệt, tôi từng chứng kiến cảnh đồng bào miền Trung không tiếc mảnh đất, ngôi nhà hiến tặng để bộ đội mở đường cho xe chở vũ khí, quân lương vào chiến trường. Thấm thía sự hy sinh cao cả của đồng bào khi Tổ quốc lâm nguy, tôi luôn tự nhắc nhủ mình cũng phải sống sao cho xứng đáng với danh hiệu bộ đội Cụ Hồ”. Vì thế, năm 2020, khi xã có chủ trương vận động người dân hiến đất mở đường bê tông, ông là hộ tiên phong sẵn sàng hiến hơn 300 m2 đất thổ cư và nhiều cây ăn quả đang cho thu hoạch để tuyến đường dài 800m sớm hoàn thành. Từ khi có đường mới, cuộc sống của các hộ dân dần được cải thiện, học sinh đến trường không còn lo ngày mưa trơn trượt.
|
CCB Nguyễn Văn Thuận ở xã Yên Luật (bên trái) hiến hơn 300 m2 đất làm đường bê tông xi măng.
CCB Nguyễn Văn Thắng và Nguyễn Văn Thuận là hai trong số 339 nạn nhân CĐDC của huyện Hạ Hoà trong đó 174 nạn nhân trực tiếp và 165 nạn nhân bị ảnh hưởng gián tiếp đang hưởng chế độ bảo trợ của Nhà nước. Nhiều gia đình có đến ba, bốn thành viên đều bị nhiễm chất độc hoá học, hoàn cảnh rất khó khăn. Phát huy phẩm chất Anh bộ đội Cụ Hồ, các CCB nhiễm chất độc hóa học Dioxin đã vượt lên chính mình, tham gia các cuộc vận động, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường, khắc phục hậu quả thiên tai ở địa phương. Chỉ tính riêng trong hai năm qua đã có 15 hộ hội viên tham gia hiến đất làm đường, nhiều hội viên đóng góp hơn 700 ngày công xây dựng nông thôn mới, khắc phục hậu quả bão lũ và giúp nhau phát triển kinh tế.
Bước qua chiến tranh, không ít người con phải gửi lại thân mình cho đất mẹ, người may mắn được trở về đoàn tụ với gia đình, quê hương thì mang trên mình thương tật, chất độc hoá học. Nhưng chính những đau thương mất mát ấy luôn hun đúc thêm ý chí, nghị lực vươn lên phát huy phẩm chất sáng ngời của bộ đội Cụ Hồ, góp sức xây dựng quê hương Hạ Hoà ngày càng phát triển.
Hồng Nhung
Theo https://baophutho.vn