Viết về báo chí của Hồ Chủ tịch, đã và đang có hàng ngàn, hàng vạn tác phẩm với đủ các hình thức, thể loại. Trong bài viết nhỏ này, tôi ghi lại những bài học cho riêng mình...
Vào những ngày tháng 6 này, tôi thường hay nghĩ về các bài báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không chỉ là người sáng lập ra nền Báo chí Cách mạng, Hồ Chủ tịch còn là người đào tạo, dìu dắt, bồi dưỡng nhiều thế hệ các nhà báo Việt Nam và là một cây bút lão luyện với rất nhiều các bài báo lớn nhỏ, được viết bằng nhiều thể loại với các ngôn ngữ khác nhau.
Cho đến nay có thể nói, chúng ta vẫn chưa thể tiếp cận đầy đủ các bài viết của Người bởi đó là một kho tàng phong phú, được in ấn trên nhiều tờ báo trong và ngoài nước.
Vì thế, việc nhìn nhận hay đánh giá dù chỉ ở riêng góc độ nhà báo trong bài báo ngắn này là điều không thể. Do đó, hãy xem đây là cảm nhận, là suy nghĩ của cá nhân người viết bài này qua các bài Người viết trong tác phẩm "Những bài viết của Bác Hồ trên Báo Nhân dân" do báo Nhân dân phối hợp với NXB Chính trị quốc gia- Sự thật xuất bản. Bộ sách gồm 3 tập, tập hợp hơn 1.200 bài báo được đăng trên báo Nhân dân từ năm 1951 cho đến khi Người qua đời (9/1969).
Cuốn sách không chỉ có giá trị tư liệu lịch sử mà còn rất có ích đối với nghề báo hay nói một cách khác, đây chính là cuốn cẩm nang cho những người viết báo chiêm nghiệm và học hỏi.
Vậy những người làm báo hôm nay học hỏi những điều gì ở Hồ Chủ tịch?
Với tôi, điều học hỏi thứ nhất là sức làm việc không mệt mỏi. Chỉ trong vòng khoảng 3 năm 8 tháng, từ bài đầu tiên được đăng tải trên báo Nhân dân ngày 11/3/1951 đến bài ngày 31/12/1954, Hồ Chủ tịch đã viết 359 bài báo. Tức là riêng trên báo Nhân dân giai đoạn này, mỗi năm Người viết khoảng 100 bài báo.
Điều học hỏi thứ hai, về giá trị nghệ thuật, với quan điểm "viết cho ai, viết để làm gì và viết như thế nào" nên văn phong của Người rất giản dị, dễ đọc, dễ hiểu, song cũng rất uyên bác, sắc sảo. Những vấn đề mà Người đề cập luôn thiết thực và gần gũi.
Thứ ba là về thể loại. Hồ Chủ tịch viết bằng nhiều thể loại từ bình luận, chính luận, phóng sự, bút ký, ghi chép, tin vắn, minh họa… cho đến những thơ ca đều được Người sử dụng tùy theo từng hoàn cảnh và đối tượng một cách cụ thể.
Thứ tư là về văn phong, Hồ Chủ tịch sử dụng rất đa dạng, khi đanh thép, lúc nhẹ nhàng, khi hài hước, hóm hỉnh, lúc mỉa mai, chế giễu… Với sự hiểu biết vô cùng phong phú, Người còn sử dụng đắc địa những ca dao, thành ngữ, tục ngữ và cả các điển tích cổ trong các bài viết của mình.
Thứ năm, đó là viết ngắn. Nhiều bài báo của Người chỉ trên dưới 300 từ. Trong nghề báo, có một "qui luật" truyền miệng, đó là "nhà báo lớn viết bài ngắn, nhà báo bé viết bài dài".
Một trong số những bài viết trước lúc Người đi xa là cho mục "Người tốt, việc tốt". Học tập Người, nhiều tờ báo đã làm rất tốt chuyên đề này đồng thời mở thêm các mục mới nhằm sẻ chia nỗi đau như "Tấm lòng Vàng" của báo Lao động hay "Tấm lòng Nhân ái" của báo Dân trí.
Điều đáng ngạc nhiên là cách đây 66 năm (ngày 16/11/1954), trên báo Nhân dân số 264, với bút danh T.L, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài: "Hiệp ước thương mại Xô - Pháp góp phần phát triển trao đổi kinh tế giữa Đông và Tây" bàn vể lĩnh vực kinh tế.
Về sự nghiệp giáo dục, tại buổi họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi "Diệt giặc đói, diệt giặc dốt và diệt giặc ngoại xâm".
Hơn 20 năm sau trong Di chúc, Người viết: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành".
Tóm lại, viết về báo chí của Hồ Chủ tịch, đã và đang có hàng ngàn, hàng vạn tác phẩm với đủ các hình thức, thể loại. Trong bài viết nhỏ này, tôi ghi lại những bài học cho riêng mình đối với nghề báo mà ở đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh là bậc thầy lỗi lạc.
Bùi Hoàng Tám
Theo https://dantri.com.vn