Mái nhà chung của học sinh dân tộc thiểu số

Nhà trường tổ chức cho học sinh học bài, ôn tập vào mỗi buổi tối từ 19-21 giờ 30 phút

Nâng cao chất lượng dạy - học

Xác định việc nâng cao chất lượng giảng dạy là nhiệm vụ mũi nhọn hàng đầu, nhà trường luôn tạo điều kiện cho các thầy cô tham gia các lớp tập huấn hoặc tự học nhằm nâng cao trình độ chuyên môn; động viên, khích lệ giáo viên tự đổi mới phương pháp dạy học, soạn giáo án điện tử. Nhờ đó, nhiều giáo viên đã chủ động đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, liên hệ thực tế và sử dụng phương pháp dạy tích hợp nhằm giúp học sinh có tư duy logic, dễ hiểu bài hơn. Từ những nỗ lực của cán bộ, giáo viên, hiện trường có 1 giáo viên giỏi cấp toàn quốc, 2 giáo viên giỏi cấp tỉnh và 18 giáo viên giỏi cấp trường.

Đối với học sinh, ngoài thời gian học chính khóa trên lớp, trường còn quy định các em phải học vào mỗi buổi tối ngay tại lớp, từ 19-21 giờ 30 phút. Với phương pháp này, các em có thể học tập trung và tự do trao đổi phương pháp học tập lẫn nhau. Để buổi học đạt hiệu quả, nhà trường phân công tổ quản lý học sinh thường xuyên giám sát, nhắc nhở việc học của các em. Nhờ đó, những năm qua thành tích học tập của trường luôn đạt kết quả cao. Năm học 2019-2020, trường có 359 học sinh, trong đó 290 em học lực khá, giỏi, chiếm trên 80%; 12 em học sinh giỏi cấp tỉnh. Hằng năm, tỷ lệ tốt nghiệp đạt 100%, tỷ lệ học sinh đậu các trường đại học, cao đẳng đạt từ 70-80%.

Không chỉ chú tâm đào tạo các môn văn hóa, trường còn quan tâm dạy nghề phổ thông cho học sinh. Nghề được trường chọn dạy là kỹ thuật trồng nấm bào ngư. Trường đã dành diện tích 200m2 để xây dựng nhà trồng nấm phục vụ việc dạy và học. Ngoài các tiết học lý thuyết trên lớp, học sinh được thầy cô bộ môn hướng dẫn cách đóng bịch mùn cưa cao su, cấy meo nấm và kỹ thuật chăm sóc cho đến khi thu hoạch. Đây là bộ môn bắt buộc dành riêng cho học sinh khối 11. Trung bình một khóa học kéo dài 105 tiết, trong đó 30 tiết lý thuyết và 75 tiết thực hành. Qua đó, giúp các em thuần thục nghề trồng nấm, để khi ra trường có thể có thu nhập bằng nghề này.

Môi trường học tập lành mạnh

Trường nội trú dành riêng cho học sinh đồng bào DTTS. Các em không chỉ được học tập mà còn được trường bố trí khu ký túc xá, ăn ở, sinh hoạt tại trường. Thầy Hồ Hải Nam, Phó hiệu trưởng trường cho biết: Khu ký túc xá của trường gồm 40 phòng, trong đó có 2 khu riêng cho học sinh nữ và nam. Để giúp các em mạnh dạn, tự tin, nhà trường thường xuyên tổ chức các lớp dạy kỹ năng sống. Đồng thời, phân công tổ giáo viên quản lý học sinh chỉ bảo, hướng dẫn. Đến nay, nền nếp, ý thức của các em ngày được nâng lên. Các em sống với nhau rất đoàn kết, luôn xem bạn bè như anh em ruột thịt, thầy cô như cha mẹ.

Việc đảm bảo vệ sinh thực phẩm được trường chú trọng. Theo chia sẻ của cô Lưu Thị Huyền, tổ trưởng tổ nhà ăn trường, mỗi ngày, nhân viên nhà ăn có nhiệm vụ lên thực đơn và thường xuyên đổi món để tạo cảm giác ngon miệng và cung cấp đủ dinh dưỡng cho học sinh.

Để giúp các em hiểu bản sắc văn hóa của dân tộc mình, tự tin, hòa đồng hơn, tại phòng truyền thống, nhà trường đã sưu tầm, lưu giữ và trưng bày những dụng cụ, đồ vật đặc trưng của các dân tộc như: Bộ cồng chiêng của dân tộc S’tiêng; dàn nhạc ngũ âm của dân tộc Khơme; trang phục truyền thống của nhiều dân tộc… Trường cũng duy trì cho học sinh mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình vào thứ 2 hằng tuần.

Trường được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì đã có thành tích trong công tác giáo dục và đào tạo từ năm học 2009-2010 đến năm học 2011-2012. Năm 2014, trường được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Năm 2020, trường được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; được Sở GD&ĐT cấp giấy chứng nhận trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 3… 

Thùy Hương

Theo https://baobinhphuoc.com.vn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website