Lời hứa!

 Ngày 27/4/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến bỏ phiếu bầu cử đại biểu HĐND thành phố Hà Nội tại hòm phiếu số 6, đơn vị bầu cử số 1, tiểu khu 1, Ba Đình, Hà Nội. (Ảnh tư liệu)

Trước kỳ bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, các ứng cử viên đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đại biểu hội đồng Nhân dân các cấp (ĐBHĐND) đều thực hiện việc tiếp xúc cử tri, trình bày Chương trình hành động và những cam kết của mình nếu trúng cử ĐBQH/ĐBHĐND. Cơ bản các ứng cử viên đều đề cập về: “…nguyện phấn đấu, rèn luyện, tích cực nghiên cứu đóng góp ý kiến, trí tuệ vào sự phát triển kinh tế - xã hội cùa đất nước, của địa phương...; những nhóm vấn đề cụ thể vẫn còn thiếu hoặc được đề cập ít hơn”. Tuy nhiên đây được xem là những lời hứa ban đầu của các ứng cử viên ĐBQH/ĐBHĐND trước cử tri và Nhân dân.

Vậy mà, ngay trong kỳ bầu cử Quốc hội và ĐBHĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vừa rồi, đã có ứng cử viên vi phạm về tiêu chuẩn, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định bầu cử, cá biệt có trường hợp tự lấy phiếu để bầu cho chính mình. Thậm chí có ứng cử viên đã trúng cử ĐBQH nhưng lại bị xem xét không công nhận tư cách đại biểu… Đây là biểu hiện của những lời hứa thành “lời nói gió bay” mà dân gian vẫn thường sử dụng những câu nói theo kiểu châm biếm “nói vậy nhưng không phải vậy” hay “nói một đằng, làm một nẻo”…

Hứa và giữ lời hứa của ĐBQH/ĐBHĐND trước Nhân dân không chỉ là phẩm chất, đạo đức cá nhân của mỗi vị ĐBQH/ĐBHĐND, còn là uy tín của cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hứa với dân không chỉ là bổn phận, trách nhiệm, mà còn là vinh dự và tự hào cho mỗi ĐBQH cũng như ĐBHĐND được Nhân dân lựa chọn và gửi trọn niềm tin làm người đại biểu của dân.

Câu hỏi đặt ra là đã có bao nhiêu ĐBQH/ĐBHĐND cùng những lời hứa, Chương trình hành động, cam kết… đã được các ứng cử viên ĐBQH/ĐBHĐND hứa với cử tri và Nhân dân trong những lần tiếp xúc cử tri, tranh cử trước khi họ được bầu chính thức trở thành ĐBQH/ĐBHĐND trong kỳ bầu cử vừa qua. Có thể chưa có những thống kê chính thức về lời hứa và thực hiện lời hứa của ĐBQH/ĐBHĐND các cấp trong mỗi nhiệm kỳ. Nhưng, với mỗi cá nhân ĐBQH/ĐBHĐND chắc hẳn sẽ không khó khăn trong việc lưu nhớ những lời hứa cũng như việc thực hiện lời hứa của mình trước cử tri và Nhân dân, đó chính là Chương trình hành động, là cam kết cá nhân khi họ tranh cử cũng như tiếp xúc cử tri…

 

 Tranh cổ động tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân
các cấp nhiệm kỳ 2021-2026

Thực tế cho thấy, có những ĐBQH/ĐBHĐND rất được lòng cử tri và Nhân dân vì những lời hứa của họ, mỗi lần tiếp xúc cử tri chính là cơ hội để những ĐBQH/ ĐBHĐND này tìm hiểu những tâm tư nguyện vọng, những ý kiến đóng góp của Nhân dân về quốc kế - dân sinh, về những thực tế đang diễn ra hàng ngày trong đời sống kinh tế - xã hội. Qua đó, hơi thở của cuộc sống được đưa vào nghị trường, những bất cập, tồn tại được tranh luận và chất vấn tại nghị trường với các tư lệnh ngành trong các lĩnh vực quản lý nhà nước một cách dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi; họ đã làm tròn bổn phận của mình với vai trò là người đại diện cho ý chí nguyện vọng của cử tri - những người đã bầu họ.

Tuy nhiên, dư luận cho rằng, vẫn còn một số ĐBQH/ĐBHĐND không hiểu vì sao, hay họ lo sợ điều gì, mà có vẻ rất dè dặt hoặc không dám đưa ra quan điểm, chứng kiến của mình trước những việc làm sai trái, không đúng. Trước - nay vẫn có những ĐBQH/ĐBHĐND thậm chí cả nhiệm kì không thấy họ phát biểu ở nghị trường, phải chăng, có hay không những ĐBQH/ĐBHĐND có khi cả nhiệm kỳ làm đại biểu, họ chưa từng hứa điều gì với cử tri, với Nhân dân hoặc hứa cho có, nhưng sau đó thì quên, hoặc họ lựa chọn giải pháp im lặng… như vậy, khác gì thất hứa, lỗi hứa với dân?

Đành rằng, các vấn đề có tính vĩ mô, hệ trọng, có tính chất và phạm vi rộng liên quan đến nhiều chủ thể, nhiều yếu tố… không dễ để mỗi ĐBQH/ĐBHĐND hay cá nhân nào có thể đưa ra những thông tin cụ thể hay lời hứa về một sự việc, vụ việc cụ thể. Nhưng không để tình trạng những lời hứa với dân cứ chung chung, vô thời hạn theo kiểu vô thưởng, vô phạt chẳng chết ai. Với những lời hứa kiểu như: “chúng tôi sẽ làm - đang làm - sắp làm – nghiên cứu – xem xét…” và mọi thứ vẫn “dậm chân tại chỗ” đâu lại vào đấy, để rồi ngày tháng trôi qua, nhiệm kỳ lại hết, cam kết nhường lại, lỗi hứa thêm dài, dân miệt mài chờ đợi…

Phát biểu cảm nhận đánh giá về hoạt động của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV vừa qua, không ít đại biểu với nhiều cảm xúc và cả những nuối tiếc đã khẳng định chất lượng hoạt động của Quốc hội ngày càng hiệu quả, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội với các Bộ trưởng ngày càng có chất lượng được cử tri và Nhân dân cả nước hoan nghênh. Tuy nhiên vẫn còn những nội dung trả lời chất vấn, lời hứa bị lỗi hẹn với cử tri và Nhân dân, có những vấn đề, sự việc bị kéo dài và chưa được giải quyết dứt điểm trong 1 nhiệm kỳ. 

Thiết nghĩ, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Quốc hội, nâng cao chất lượng ĐBQH/ĐBHĐND, ngoài chức trách, nhiệm vụ thường xuyên của mình, phải chăng mỗi ĐBQH/ĐBHĐND cũng nên có kế hoạch cụ thể để theo đuổi và thực hiện những lời hứa với dân, nói và làm, những Chương trình hành động cụ thể của mình trong mỗi chu kỳ nhất định, ví dụ 3 tháng, 6 tháng hoặc khoảng thời gian giữa mỗi kỳ họp, xa hơn là cả nhiệm kỳ làm ĐBQH/ĐBHĐND đã thực hiện đến đâu và được gì?

Muốn vậy, các ĐBQH/ĐBHĐND cần hoàn thiện Chương trình hành động của mình gửi về cho UBMTTQ các cấp để theo dõi, giám sát, đồng thời cụ thể hóa thành các kế hoạch, Chương trình cụ thể, những cam kết, trách nhiệm với lời hứa trước cử tri và Nhân dân, nói phải đi đôi với làm, nhất định không để “lời nói gió bay”.

Hứa với dân, không chỉ riêng ĐBQH/ĐBHĐND, đã là cán bộ, đảng viên, những người làm việc trong bộ máy công quyền nhà nước cũng phải giữ lời hứa với dân, với cấp trên, cấp dưới, với đồng nghiệp và với chính mình. Một trong những lời hứa với dân chính là phải thực hiện thật tốt lời căn dặn của Bác Hồ: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh...” nếu không sẽ mắc nợ với dân.

Phát biểu chỉ đạo tại Kỳ họp thứ 23, HĐND TP Hồ Chí Minh khóa IX, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đề nghị từng đại biểu HĐND rà soát toàn bộ công việc đã hứa với dân, dự tính xem mình đã làm được đến đâu, những việc gì chưa làm được để tập trung để giải quyết, với tinh thần quyết tâm “không để nợ dân thành nợ xấu”. Nếu như lãnh đạo, cán bộ, đảng viên, những người làm việc trong bộ máy nhà nước công quyền từ Trung ương đến địa phương, ai cũng nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của mình, về lời hứa với dân với tinh thần kiến tạo và phục vụ Nhân dân thì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” cũng như Khát vọng Việt Nam hùng cường sẽ sớm thành hiện thực, chứ không dừng lại chỉ là “giấc mơ”.

Có lẽ, mỗi chúng ta đều nhận thức được sự trân quý của lời hứa! Từ xưa tới nay, lời hứa luôn được coi trọng, lời hứa được xem là sự đảm bảo uy tín cho một người, một tổ chức, một quốc gia… Bất luận lời hứa được thiết lập bởi ai, trong mối quan hệ như thế nào, đại diện cho ai thì lời hứa bao giờ cũng xuất phát từ mỗi cá nhân; thận trọng và có trách nhiệm thực hiện lời hứa là cách tốt nhất để tạo dựng niềm tin của người khác, của quần chúng Nhân dân dành cho mỗi cá nhân, cho tổ chức, cho Đảng, nhất là ĐBQH/ĐBHĐND, cán bộ, đảng viên, những người đại diện cho tổ chức, cơ quan công quyền thì càng phải coi trọng lời hứa với dân.

Nhân dân luôn quan tâm, dõi theo và mong chờ những ĐBQH/ĐBHĐND vừa trúng cử thực sự xứng đáng là những người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân./.

 

Khắc Trường 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website