Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà báo uyên bác, Người đã dùng báo chí làm vũ khí đấu tranh cách mạng ngay từ trên đất Pháp, trong bước đường đi tìm đường cứu nước. Trong cuộc đời làm báo của Người với hơn 30 năm sống, làm việc ại các nước Pháp, Anh, Đức, Mỹ, Nga, Thái Lan, Trung Quốc... nhà báo Hồ Chí Minh đã dùng 69 bút danh, bí danh để hoạt động báo chí với nhiều thể loại: chính luận, bút ký, tin, ảnh, họa sĩ...
Lớp báo chí đầu tiên trong Chiến khu, tháng 4/1949.
Ngày 21-6-1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập ra tờ báo Thanh Niên - cơ quan của tổ chức Thanh niên Cách mạng Việt Nam. Đây là tờ báo cách mạng Việt Nam đầu tiên do Bác Hồ sáng lập, chỉ đạo và là người biên tập chính. Báo Thanh Niên giữ vai trò lịch sử đặc biệt quan trọng, mở đầu cho việc tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa cách mạng theo quan điểm Mác - Lênin, viết bằng quốc ngữ Việt Nam, được phổ biến rộng khắp cả nước, trong người dân Việt - nhất là trong tầng lớp thanh niên, công nhân, nông dân…
Nói về làm báo và viết báo, Bác Hồ cho rằng: “Tờ báo chỉ là giấy trắng mực đen mà thôi. Nhưng với giấy trắng mực đen ấy, người ta có thể viết nên những bức tối hậu thư, người ta có thể viết những bức thư yêu đương” (Trả lời phỏng vấn báo chí năm 1946). Và Người cho là: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà” (Thư gửi anh em trí thức Nam Bộ, năm 1947).
Trong kháng chiến chống Pháp, với những cán bộ, học viên vào học lớp viết báo đầu tiên năm 1949, Bác dạy bảo: “Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung. Mục đích chung là kháng chiến và kiến quốc” (Thư gửi Lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng, năm 1949).
Bác căn dặn các nhà báo: Trước khi đặt bút xuống trang giấy, người viết cần tự mình thật sáng tỏ, ta “Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào?” (Phát biểu tại Đại hội lần II Hội Nhà báo Việt Nam, năm 1959), “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng” (Phát biểu tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam, năm 1962). Vì “Đối với những người viết báo chúng ta, cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh...” (Điện mừng Hội Nhà báo Á - Phi, năm 1965)...
Nói về kinh nghiệm trong đời làm báo, Bác Hồ chia sẻ với báo giới: “Kinh nghiệm làm báo của Bác là kinh nghiệm ngược. Bác học viết báo Pháp trước, rồi học viết báo Trung Quốc, rồi sau mới học viết báo Việt Nam”. Sự đi ngược ấy theo Người nói, là bắt nguồn từ yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng và hoàn cảnh từng lúc, từng nơi. Khởi đầu, Nguyễn Ái Quốc, thông qua những bài báo viết bằng tiếng Pháp, đánh động dư luận Pháp và châu Âu về tình cảnh các nước thuộc địa trên bán đảo Đông Dương. Sau đó, đến làm việc tại nước nào, Bác cũng cố gắng nắm vững ngôn ngữ nước ấy để viết báo, như tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng Trung Hoa...
Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Người và các đồng chí lãnh đạo Trung ương từ chiến khu về Hà Nội, Bác chỉ thị ngay phải thành lập Đài Phát thanh quốc gia - mà từ chỉ đạo của Người, lời xướng của VOV hiện nay trở thành biểu tượng dân tộc đến nay sau 75 năm: “Đây là Tiếng nói Việt Nam - phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô...”. Từ đó, với trọng trách Nguyên thủ quốc gia, công việc hết sức nặng nề, bộn bề sau ngày Cách mạng Tháng Tám và đối phó với cuộc xâm lược lần 2 của thực dân Pháp, song Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn không ngừng viết, theo dõi báo chí, khi cần là viết các bài với nhiều bút danh khác nhau, không mệt mỏi, bằng sự đam mê ít người sánh bằng, có bài đăng trên các tờ báo lớn, cổ vũ cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc nước nhà.
Trong những ngày kháng chiến chống Pháp ác liệt, Người vẫn không quên chỉ đạo việc mở lớp đào tạo các nhà báo. Tại lớp báo chí đầu tiên trong chiến khu, năm 1949, chính Người đã gửi thư chúc mừng và hoan nghênh các nhà báo dù rất xa xôi, đã về dự lớp học viết báo đầu tiên vẫn được tổ chức ở khu rừng Bờ Rạ thuộc tỉnh Thái Nguyên. Lớp học khai giảng vào đúng ngày 4-4-1949 gồm có 43 học viên, trong đó có 3 nhà báo nữ. Tham gia giảng dạy cho lớp báo chí đầu tiên có 29 giảng viên, trong đó có các nhà báo Hoàng Quốc Việt, Bí thư Tổng bộ Việt Minh, Tổng Biên tập Báo Cứu Quốc; nhà báo Đỗ Đức Dục, Phó Bí thư Tổng bộ Việt Minh, Chủ nhiệm Báo Độc Lập (sau được bổ nhiệm Giám đốc Trường Huỳnh Thúc Kháng); Nhà báo Xuân Thủy, Ủy viên Thường trực Tổng bộ Việt Minh, Chủ nhiệm Báo Cứu Quốc (sau là Phó Giám đốc), cùng nhiều nhà báo nổi tiếng khác.
Chiến dịch Điện Biên Phủ vừa kết thúc thắng lợi, Người đã thúc giục các nhà báo, nhà văn của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, lúc này đang đóng ở Chiến khu Việt Bắc, để cho ra đời tờ báo cho thiếu niên. Người đã chỉ đạo đồng chí Nguyễn Lam, lúc đó là Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn và Trung ương Đoàn đã chỉ định Nhạc sĩ Phong Nhã làm Tổng Biên tập khi ra đời báo Thiếu niên Tiền phong. Và chính Người không những viết bài cho các cháu thiếu niên, mà còn góp ý kỹ của từng số báo từ năm ra đời ngày 1-6-1954 tại Bản Dôn, xã Thanh La, chiến khu Việt Bắc, nay là huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.
Bác Hồ đọc báo, viết báo tới ngày cận kề trước lúc Người đi xa tháng 9-1969. Qua hơn 2.000 bài báo các thể loại, trong bất cứ hoàn cảnh nào Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng coi báo chí là một kênh thông tin có sứ mệnh tuyên truyền đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, Chính phủ, giáo dục cán bộ, hướng dẫn nhân dân, tổ chức phong trào, bày tỏ chính kiến đối với mọi vấn đề thời cuộc của đất nước, thế giới.
Thực hiện lời dạy về làm báo, viết báo của Người, từ hàng chục năm nay, Đảng, Nhà nước đã hết lòng, hết sức phấn đấu vì những người đã đổ xương máu, hy sinh và đóng góp một phần thân thể cho Tổ quốc, trong đó có đội ngũ người làm báo mà hiện nay đã trở nên đội ngũ hùng hậu, với 41.000 nhà báo trong cả nước, đang là một đội ngũ tiêu biểu đã, đang học tập và làm theo Bác từ trong đạo đức, phong cách, việc làm, đến những bài báo được đến tay bạn đọc, đến người nghe, người xem.
Nhắc lại những lời dạy thiêng liêng của Bác Hồ nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam để thấy rằng, trải qua các giai đoạn của cách mạng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Bác Hồ cũng đều nghĩ đến báo chí, tác động của báo chí. Người đã dạy về cách làm, cách đối nhân xử thế cho người làm báo, hay cái TÂM, cái TẦM của nhà báo. Nay, với trách nhiệm của những người cầm bút, những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng, trước hết phải là những người có tính Đảng cao nhất.
Phạm Bá Nhiễu
Theo http://xaydungdang.org.vn