Bản Di chúc được Bác Hồ viết từ năm 1965 đến năm 1969, nói về việc chung, việc riêng, đối với bạn bè quốc tế. Ngay khi khởi thảo, tháng 5-1965, phần Trước hết nói về Đảng đã thể hiện tư tưởng cốt lõi về xây dựng Đảng, đến nay vẫn nguyên giá trị. Người nói về đoàn kết và cho rằng đây là truyền thống cực kỳ quý báu mà Đảng ta đã giữ gìn, phát huy, lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Người nói về thực hành dân chủ, về tự phê bình và phê bình. Đặc biệt là về đạo đức cách mạng. Không phải ngẫu nhiên, trong một đoạn ngắn, Người nhắc bốn lần chữ thật: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng,
Võ Nguyên Giáp gặp mặt các cán bộ cao cấp toàn quân, ngày 11/5/1969. Ảnh tư liệu
Những điều Người căn dặn vừa thể hiện bản chất ưu việt, vừa là đòi hỏi cấp bách, lâu dài đối với một đảng chân chính. Đọc, ngẫm nghĩ và soi vào thực tế hiện nay càng thấm thía từng lời nói của Người, được kết tinh từ thực tiễn, được nuôi dưỡng bởi tâm hồn trong sáng và cao cả của một con người, chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Những lời căn dặn ấy được Người nói, viết nhiều lần, ở nhiều nơi, với những đối tượng khác nhau, như huyết mạch chảy suốt, chảy mãi, làm nên sức sống của Đảng; như cẩm nang giúp chúng ta trong từng việc làm.
Nói về đoàn kết, Người cho rằng đó là cội nguồn của sức mạnh, làm nên mọi thành công: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công. Và thực tiễn cách mạng nước ta là minh chứng rõ nhất cho chân lý ấy. Đoàn kết thì việc khó mấy cũng làm được; không đoàn kết là thất bại. Theo Người, để làm cho Đảng mạnh, còn phải mở rộng dân chủ. Dân chủ để tập hợp trí tuệ của cả đội ngũ, tăng sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Phải tự phê bình và phê bình trên tinh thần thương yêu đồng chí, giúp nhau cùng tiến bộ, để thống nhất ý chí và hành động, muôn người như một.
Nói về đạo đức cách mạng, trong gần 40 năm, Người viết hơn 60 bài và hầu hết trong các bài nói, bài viết khác, Người cũng đề cập vấn đề này. Cuốn Đường kách mệnh, viết năm 1927, có phần Tư cách của một người kách mệnh; tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, viết tháng 10-1947, cũng nói nhiều về đạo đức cách mạng. Với bút danh Trần Lực, Người viết bài Đạo đức cách mạng, đăng trên tạp chí Học tập số tháng 12-1958. Dịp kỷ niệm 39 năm Ngày thành lập Đảng, có bài Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân đăng trên Báo Nhân Dân số ra ngày 3-2-1969. Đạo đức cách mạng mà Người quan niệm là sự kết hợp những nét đẹp tinh túy nhất trong truyền thống đạo đức của dân tộc với các yêu cầu của nhiệm vụ mới, đó là giàu lòng nhân ái, sống có nghĩa, có tình, vị tha, khoan dung, nhưng không bao giờ chịu khuất phục trước bất cứ kẻ thù nào; là tuyệt đối trung thành và sẵn sàng hy sinh vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân... Theo Người, người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ vẻ vang. Đức là gốc, nhưng phải đi liền với tài. “Có tài phải có đức. Có tài không có đức, tham ô hủ hóa có hại cho nước. Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai”, Người nhấn mạnh (Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 8, Nxb CTQG, Hà Nội, 2001, tr.184.).
Với tầm nhìn xa, Người đã sớm cảnh báo những tác động tiêu cực dễ làm hỏng cán bộ, đảng viên trong điều kiện cách mạng đã giành được chính quyền. Tất cả đều do chủ nghĩa cá nhân, một thứ bệnh nguy hiểm nhất, đẻ ra mọi thứ bệnh. Người phê phán: “Có những đồng chí còn giữ óc địa vị, cố tranh cho được ủy viên này chủ tịch kia. Có những đồng chí lo ăn ngon mặc đẹp, lo chiếm của công làm của tư, lợi dụng địa vị và công tác của mình mà buôn bán phát tài, lo việc riêng hơn việc công… Có những đồng chí còn giữ thói “một người làm quan cả họ được nhờ”, đem bà con, bạn hữu đặt vào chức này việc kia, làm được hay không mặc kệ. Hỏng việc đoàn thể chịu, cốt cho bà con, bạn hữu có địa vị là được” (Hồ Chí Minh toàn tập, T5 trang 74). Thứ làm xói mòn đạo đức cách mạng là chủ nghĩa cá nhân. Trong bài Nâng cao đạo đức cách mạng quét sạch chủ nghĩa cá nhân, Người chỉ ra rằng, do chủ nghĩa cá nhân mà ngại khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa, tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành, tự cao, tự đại, coi thường tập thể, coi khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền…
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cháu thiếu nhi dũng sĩ miền Nam
ra thăm miền Bắc, ngày 13/2/1969. Ảnh tư liệu
Di chúc của Bác là một văn kiện lịch sử vô giá. Bảy ngày sau khi Người về với thế giới người hiền, Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 173 về tổ chức đợt sinh hoạt chính trị “Học tập và làm theo Di chúc của Hồ Chủ tịch”. Ban hành Nghị quyết hướng dẫn đợt “Học tập và làm theo Di chúc của Hồ Chủ tịch”, Hội đồng Chính phủ tổ chức vận động “Mọi người làm việc, làm việc với năng suất lao động và hiệu suất công tác cao”. Thường vụ Trung ương Cục có Chỉ thị phát động “Học tập và làm theo Di chúc của Hồ Chủ tịch”. Ngày 6-3-1970, Bộ Chính trị có Nghị quyết số 195 về Cuộc vận động nâng cao chất lượng đảng viên và kết nạp đảng viên Lớp Hồ Chí Minh. Nhiều văn bản khác của Đảng cũng được ban hành để đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chủ trương nêu trên đối với các tổ chức đảng, địa phương. Các khóa X, XI, XII, Bộ Chính trị đã có các chỉ thị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Với tình yêu thương bao la dành cho Người, đồng bào ta ở mọi miền Tổ quốc đều tâm nguyện làm theo những lời Người căn dặn, xem đó là việc làm nhằm tri ân công lao trời biển của Người và hoàn thiện chính bản thân mình.
Đọc lại những lời căn dặn trong Di chúc, chúng ta thưa với Bác, nguyện tiếp tục con đường mà Bác và Đảng đã lựa chọn, xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Người hằng mong muốn. Đặc biệt là tiếp tục kiên trì làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tham nhũng, tiêu cực; xây dựng Đảng ta là đạo đức, là văn minh; xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự là công bộc của dân.
VĂN BẮC
Theo Báo Nhân dân