Lan tỏa những "Kho thóc tình thương"

Hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Tân An, thị trấn Yên Bình góp thóc, duy trì “Kho thóc tình thương”.

Hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Tân An, thị trấn Yên Bình góp thóc, duy trì “Kho thóc tình thương”.

Mô hình “Kho thóc tình thương” được HPN xã Yên Thành khởi xướng năm 2009; qua 10 năm, chị em đã quyên góp trên 10 tấn thóc, hỗ trợ hàng trăm người nghèo, neo đơn trong và ngoài xã có cuộc sống đầy đủ hơn, nhất là vào những ngày giáp hạt, dịp Tết Nguyên đán để không ai bị đói ăn, đứt bữa. Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, mô hình nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng xã hội, ngày càng lan tỏa với nhiều hình thức, cách làm khác nhau. Đến nay, 8/15 HPN các xã, thị trấn của huyện Quang Bình hình thành “Kho thóc tình thương”. Dù giá trị vật chất có thể chưa lớn, song mỗi hạt thóc chị em cho đi chứa đựng tình yêu thương, nhân thêm những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Đồng chí Trần Thị Liên, Chủ tịch HPN thị trấn Yên Bình chia sẻ: “Nhận thấy đây là mô hình thiết thực, cần nhân rộng, chúng tôi đã bàn, thống nhất xây dựng các “Kho thóc tình thương” tại 11 chi hội phụ nữ thôn, tổ dân phố. Hằng năm, sau khi kết thúc mùa vụ, hội viên (HV) tham gia ủng hộ thóc 2 đợt theo tinh thần tự nguyện, nhưng đảm bảo mỗi lần đóng góp khoảng 3 kg/người. Cuối năm 2018, các chi hội thu được gần 1 nghìn kg thóc và trao cho 9 hộ nghèo với mức 135 kg gạo/hộ. Không những thế, các chị còn sẵn sàng đóng góp ngày công, tiền mặt, giúp đỡ những gia đình gặp thiên tai, hỏa hoạn. Từ đó, kết nối HV xích lại gần nhau hơn, nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua do cơ sở phát động”.

Chi hội Phụ nữ thôn Tân An là điểm sáng duy trì hoạt động “Kho thóc tình thương” của HPN thị trấn Yên Bình. Đã thành thông lệ, cứ đến khi gom thóc, gạo, các HV rất nhiệt tình, có người còn đóng góp cả bao tải thóc. Với tâm niệm “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, trong dịp Tết vừa qua, chị em đã rà soát những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để hỗ trợ. Thông qua mô hình, HV sinh hoạt chi hội đầy đủ hơn, nắm rõ các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước để đẩy mạnh phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Vì thế, trong thôn đã xuất hiện các tấm gương phụ nữ điển hình về chăn nuôi, trồng trọt cho thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng/năm. Chị Hoàng Thị Lượng, thôn Tân An bày tỏ: “Gia đình tôi thuộc diện nghèo, có mẹ già, chồng bệnh tật mất sớm, nhờ sự quan tâm của chi hội phụ nữ, năm nào tôi cũng được hỗ trợ 15 - 20 kg gạo ăn Tết, đây là nguồn động viên lớn, giúp gia đình vượt qua khó khăn”.

Thực hiện việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện “Tám lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang”, những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Quang Bình đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các cơ sở hội phát huy mô hình “Kho thóc tình thương”. Năm 2018, toàn huyện quyên góp được 4,5 tấn thóc, đáng mừng là ngoài việc giúp các gia đình HV nghèo, một số nơi còn hỗ trợ gạo tổ chức nấu cháo từ thiện cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa huyện. Tới đây, Hội tiếp tục kêu gọi các xã duy trì, thành lập thêm những kho thóc, tạo sức lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Quang Bình Hoàng Thị Giang, cho biết thêm.

Bài, ảnh:  Mộc Lam

Theo http://www.baohagiang.vn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website