“Tôi thấy học Bác thì nhiều cái lắm, trong lối sống hàng ngày, từ những điều giản dị. Tôi lựa chọn vận động xây cầu, vừa gần gũi, vừa thiết thực và ý nghĩa trong cộng đồng” - ông Sơn Sà Quýt, ấp Kiết Lập A, xã Lâm Tân, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) chia sẻ cách hành động khi hiểu được giá trị nhân văn từ gương Bác.
Nhắc đến ông Sơn Sà Quýt, bà con nơi đây đều bày tỏ lòng cảm phục bởi nghị lực, ý chí vươn lên và lối sống hết lòng vì cộng đồng. Ông Sơn Sà Quýt kể: “Thời kỳ sau đổi mới 1986, bà con ở đây khó khăn vô cùng, ấp Kiết Lập A trên 90% là đồng bào Khmer sống dựa vào nông nghiệp. Lúc đó, tôi lập gia đình và ra riêng với số ruộng ít ỏi, dần dần dành dụm tiền mua thêm mới tích lũy được 60 công đất, làm lúa mỗi năm 3 vụ. Để mang lại hiệu quả kinh tế cao, lớp tập huấn nào tổ chức ở địa phương có cán bộ khuyến nông trên huyện, trên tỉnh về hướng dẫn kỹ thuật tôi đều tham gia”.
Ông Sơn Sà Quýt cũng tâm sự rằng, lúc bấy giờ nhiều gia đình để con nghỉ học đi làm phụ giúp gia đình, tỷ lệ bỏ học nhiều. Với ông, dù quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” vẫn quyết tâm nuôi con ăn học. Ông Quýt chia sẻ: “Là một người cha, người trụ cột chính trong gia đình, tôi luôn mong con cái có được cuộc sống ổn định, không phải vất vả như ba mẹ. Tôi rút ra được kinh nghiệm chỉ có con đường đi học, khi có được kiến thức mới là hành trang vững chắc vượt qua được những khó khăn trong tương lai”. Từ sự quyết tâm đó, ông đã nuôi 2 người con gái học ra trường làm cô giáo; người con trai thì tình nguyện đi bộ đội sau khi học xong lớp 12, hiện nay là Bí thư Chi đoàn ấp Kiết Lập A.
Ông Sơn Sà Quýt, ấp Kiết Lập A, xã Lâm Tân, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng (bìa phải) cẩn thận kiểm tra lại từng chi tiết để đảm bảo cầu được xây dựng chắc chắn, an toàn, sử dụng lâu dài. Ảnh: PHƯỚC LIÊU
Ông cũng tâm niệm rằng, bản thân là người có uy tín, nhà lại có con là đảng viên nên mình phải phấn đấu sống thật tốt để con hãnh diện, tự tin trong công tác. Ông tâm sự rằng, qua các cuộc họp của người có uy tín ở địa phương nên được tiếp cận nhiều hơn về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Từ đó lại thấy yêu thích, quý trọng, rồi dẫn đến quyết tâm muốn làm theo bằng một việc gì đó. “Tôi thấy học theo Bác thì nhiều cái lắm, trong lối sống hàng ngày, từ những điều giản dị. Tôi lựa chọn việc vận động xây cầu, vừa gần gũi, vừa thiết thực và ý nghĩa trong cộng đồng” - ông Sơn Sà Quýt bộc bạch.
Sau hơn 4 năm thực hiện, ông Sơn Sà Quýt đã vận động được 4 cây cầu, mỗi cây cầu trị giá gần 200 triệu đồng. Ông cho biết ngoài đóng góp của bà con địa phương thì còn kêu gọi Trụ trì chùa Buôl Mum (còn gọi là chùa Lộ Mới) vận động thêm (ông Sơn Sà Quýt là Phó Ban Quản trị chùa Lộ Mới). Theo ông Sơn Sà Quýt, yếu tố để được nhân dân tin tưởng, đóng góp, trước tiên mọi thứ phải công khai, minh bạch và thu, chi phải rõ ràng. Ông đem ra khoe cuốn sổ “công đức” ghi đầy đủ tên tuổi, địa chỉ, số tiền từng người đóng góp, dòng chữ có khi còn thiếu nét nhưng đó là công sức và tấm lòng của một người nông dân Khmer chất phác, thật thà. Ông Trương Văn Thời, ở ấp Kiết Lập A chia sẻ: “Tôi mới hiến đất để chú Quýt làm cầu, đang xây gần đây luôn. Tôi thấy chú hiền, làm đâu ra đó nên quý tấm lòng đó lắm, già không làm được thì đóng góp chút đỉnh cho người có tâm làm thay cũng gọi là tích đức”.
Sự kết nối mà ông Sơn Sà Quýt đem lại không chỉ là giá trị của từng cây cầu, mà còn khơi dậy, phát huy tinh thần đoàn kết của đồng bào Khmer trong thôn xóm. Đến địa điểm cầu đang làm, không khí lao động rất vui tươi và phấn khởi, nhiều hộ lân cận sẵn sàng góp ngày công lao động để cầu sớm hoàn thành nối đôi bờ sông từ lâu ngăn cách. Anh Lý Khol, một thành viên tích cực tham gia xây cầu chia sẻ: “Nhà tôi bên kia sông, nghe vận động làm cầu tôi góp liền 2 triệu đồng và cùng làm không tính công. Xây cầu là thiết thực, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và địa bàn vùng sâu vốn có địa hình sông ngòi chằng chịt”.
Đồng chí Đào Việt Hưởng - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Thạnh Trị nhận xét: “Với vai trò là người có uy tín ở địa phương, ông Sơn Sà Quýt luôn đi đầu trong phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động. Ông luôn chịu khó lắng nghe và nhiệt tình giải thích, hướng dẫn, vận động bà con xóa dần các hủ tục lạc hậu. Ông còn thường xuyên đến thăm hỏi, động viên hộ nghèo hăng hái lao động, sản xuất và tham gia hòa giải tốt những mâu thuẫn, làm thắt chặt thêm tình làng, nghĩa xóm. Bên cạnh đó, ông cũng là tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ghi nhận, biểu dương”.
PHƯỚC LIÊU
Theo https://www.baosoctrang.org.vn