“4 lần gặp Bác, trò chuyện và ăn cơm với Bác là những kỷ niệm sâu sắc nhất cuộc đời. Bác ân cần thăm hỏi, dạy bảo tôi những điều giản dị, đời thường nhưng chứa đựng trong đó một tình yêu thương bao la”- Đó là tâm sự của cựu Thanh niên xung phong Nguyễn Thị Điện, 87 tuổi (61 năm tuổi Đảng) ở thôn Đan Quế, xã Trung Chính (Lương Tài, Bắc Ninh).
Vợ chồng bà Nguyễn Thị Điện chăm sóc cây cảnh.
Mỗi lần con, cháu, hàng xóm hỏi chuyện về ký ức chiến tranh, nhất là những lần may mắn gặp Bác Hồ, đôi mắt bà Nguyễn Thị Điện lại đỏ hoe xúc động. Ngồi dưới tán cây cổ thụ trước nhà, bà Điện chậm rãi kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng chiến tranh gian lao và oai hùng. Bà Điện bảo rằng, chiến tranh mất mát và đau thương, nhưng ai sống ở thời ấy đều anh dũng, kiên cường, sẵn sàng ra trận, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ. Riêng cá nhân tôi may mắn hơn đồng đội khi 4 lần được gặp Bác. Hình ảnh, tấm lòng và những lời căn dặn ân tình, sâu sắc của Bác khiến cả đời tôi khắc cốt, ghi tâm.
Năm 16 tuổi, bà Nguyễn Thị Điện viết đơn tình nguyện tham gia lực lượng thanh niên xung phong làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí và phá đá làm đường trên địa bàn xã Quảng Hồng, huyện Uông Bí (Quảng Ninh). Đây là địa bàn chiến lược quan trọng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Những địa danh như: Trại Ba Làng, đèo Cóc, đèo Gió cùng những vách núi hiểm trở, suối sâu đã trở thành kỷ niệm trong tâm trí bà Điện. Những ngày đầu bước chân vào chiến trường, trên cung đường huyết mạch này, địch bắn phá suốt ngày đêm hòng cắt đứt sự chi viện của hậu phương. Gian khổ, ác liệt, sự sống và cái chết luôn cận kề. Nhưng với tinh thần yêu nước, bà Điện cùng đồng đội bổ từng vách đá, san từng đoạn đường, lấp từng hố bom mở đường cho bộ đội ta thẳng tiến.
Trong chiến dịch biên giới năm 1950, Đội Thanh niên xung phong của bà Điện được giao nhiệm vụ mở đường, làm cầu, phá bom, vận chuyển đạn dược dưới chân đèo Tam Canh, huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn). Bà Nguyễn Thị Điện nhớ lại: “Khi chúng tôi mở được 1/2 con đường thì phía trước bị vách đá cao 25m sừng sững chắn ngang. Nhiều phương tiện tiếp cận không thành công. Nhiều đồng chí, đồng đội bị thương nặng khi thực hiện nhiệm vụ dưới vách đá, suối sâu. Trước tình hình đó, tôi xung phong trèo lên đỉnh vách đá, dùng dây kéo những vật dụng cần thiết, dùng búa quai suốt 1 ngày đêm để nhồi quả bộc phá 25kg làm nổ tung vách đá. Thất Khê, Tràng Định được giải phóng, Bác Hồ về thăm đồng bào các dân tộc tỉnh Lạng Sơn. Bác gần gũi và giản dị, đi đôi dép cao su, mũ cối, quần áo ka ki bạc màu. Lần ấy, tôi xúc động, tự hào không tả xiết khi được Người tặng 1 bộ quần áo và gắn chiếc Huy hiệu Bác Hồ. Nói chuyện với lực lượng Thanh niên xung phong mở đường, Bác động viên: “Kháng chiến càng tiến tới, công việc ngày càng nhiều, chúng ta cần củng cố và phát triển Ðội TNXP, để bảo đảm thêm công việc kháng chiến và đào tạo cán bộ sau này. Nhiệm vụ của Ðội TNXP là xung phong mọi việc, bất kỳ việc khó, dễ và phục vụ cho đến kháng chiến thành công. Ðó là nhiệm vụ rất vẻ vang của thanh niên ta”. Lời của Bác giản dị, chân thành, sâu sắc như ngọn đuốc soi sáng đường cho chúng tôi tiếp bước...”.
Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 kết thúc thắng lợi, vinh dự được về Thủ đô Hà Nội báo công, bà Nguyễn Thị Điện lần thứ 2 được gặp Bác Hồ. Bà Điện chia sẻ: “Theo tư tưởng của Bác, thi đua là công việc của tất cả mọi người không phân biệt già hay trẻ, trai hay gái; không phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo; không phân biệt thành phần dân tộc; không phân biệt ngành, nghề; không phân biệt tầng lớp giàu hay nghèo…mà thi đua phải trở thành phong trào rộng lớn, sao cho: Người người thi đua, ngành ngành thi đua, ngày ngày thi đua. Nghe những lời căn dạy của Bác, tôi không ngừng phấn đấu trong chiến đấu, lao động, sản xuất, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao”.
Cuối năm 1954, bà Nguyễn Thị Điện chuyển công tác sang Cục đường sắt và được giao nhiệm vụ tham gia xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội-Hữu Nghị Quan. Với kinh nghiệm và bản lĩnh kiên cường của chiến sĩ Thanh niên xung phong, bà Điện đã cùng với tập thể vượt qua nhiều vực sâu, vách đá hiểm trở, hoàn thành công trình theo tiến độ đề ra. Ngày lễ thông xe, bà Điện vinh dự được đứng trên đầu tàu, cầm lá cờ có Huy hiệu Đoàn “Tay cầm cờ đỏ sao vàng tiến lên” tung bay trước gió trong tiếng hò reo như khúc ca khải hoàn. Với thành tích xuất sắc, bà Nguyễn Thị Điện trở về Thủ đô Hà Nội nhận thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và vinh dự gặp Bác lần thứ 3.
Năm 1955, bà Nguyễn Thị Điện tham gia Đoàn Thanh niên Việt Nam đi dự Hội nghị Thanh niên các nước XHCN tại Warsaw (Ba Lan). Khi Đoàn dừng nghỉ ở Matxcơva (Liên Xô), bà Điện may mắn được ngồi trò chuyện, ăn cơm cùng Bác trong chuyến công tác đặc biệt. “Trong bữa cơm, Bác dặn dò các thành viên trong Đoàn về văn hóa ứng xử, giao tiếp với Thanh niên các nước bạn, với báo chí quốc tế... Thế rồi trong Hội nghị, nhiều nhà báo, phóng viên, thanh niên thắc mắc hỏi vì sao “Đất nước Việt Nam nghèo nàn, thanh niên Việt Nam nhỏ bé, vũ khí Việt Nam thô sơ, mà đánh thắng thực dân Pháp khổng lồ, làm nên Chiến dịch Điện Biên phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu? Chúng tôi thẳng thắn trả lời “Đất nước, con người Việt Nam tuy nhỏ bé, nghèo khó, nhưng mỗi khi có giặc ngoại xâm, con người Việt Nam lại vùng lên, phát huy tinh thần đoàn kết, trên dưới một lòng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, quyết tâm bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng”- Bà Nguyễn Thị Điện nhớ lại.
Năm 1958, bà Điện chuyển sang làm hộ lý Bộ Thương binh và đi học ở Trường y sỹ Nghệ An rồi chuyển về công tác tại Bệnh viện Tiên Sơn (Bắc Ninh). Năm 1975, bà về làm Phó Giám đốc, rồi làm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Gia Lương và đến năm 1989 thì nghỉ hưu. Dù tham gia lực lượng Thanh niên xung phong mở đường hay làm y sĩ chăm lo sức khỏe nhân dân, bà Điện luôn “Sống cống hiến và không ngừng thi đua”.
Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng và công tác, với bà Điện thì 4 lần gặp Bác mãi là niềm hạnh phúc, tự hào. Những lời căn dặn của Bác đến bây giờ vẫn được bà ghi nhớ, răn dạy cháu, con. Nghe lời bà, các con, cháu của bà đều phương trưởng, thành đạt, trong đó có 2 người con: Bác sỹ Nguyễn Tuấn Hải hiện là Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quế Võ và Bác sỹ Nguyễn Thị Hiền, Phó Trưởng khoa Tai-Mũi-Họng, Trung tâm Y tế huyện Lương Tài tiếp tục theo nghề của mẹ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Xuân Bình - Phong Vân
Theo http://baobacninh.com.vn