Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Thái Bình có rất nhiều điển hình với những việc làm cụ thể, bình dị, thiết thực, có ý nghĩa xã hội sâu sắc, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.
Hiện nay, cơ sở sản xuất của gia đình ông Vũ Sơn Hà (người bên phải), tổ dân phố số 8, thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy) đang tạo việc làm cho 8 lao động thường xuyên.
Việc thiện dù nhỏ mấy cũng làm
Những ngày cuối năm khi phần lớn mọi người đều tất bật lo chuẩn bị một cái tết đầy đủ, tươm tất cho gia đình thì bà Phạm Thị Huệ, thôn Tân Dân, xã Hòa Bình (Hưng Hà) lại trăn trở liệt kê những trường hợp khó khăn để tới tặng quà với mong muốn sẻ bớt phần nào khó khăn với các gia đình. Không chỉ trong dịp tết mà việc làm này đã được bà duy trì thường xuyên hàng tháng từ tháng 6/2021 đến nay. Bà Huệ cho biết: Năm nay tôi đã qua cái tuổi “thất thập” nên sức khỏe hạn chế, hàng ngày chỉ làm những công việc nhẹ nhàng như trồng rau, nuôi gà phục vụ nhu cầu cuộc sống cá nhân. Hàng tháng, các con có gửi tiền về để tôi sinh hoạt chi tiêu, tôi đều trích ra 5 triệu đồng để đi làm từ thiện. Tôi thường dành một nửa để tặng các trường hợp khó khăn của địa phương, còn lại tôi mang đến tặng các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị ở Bệnh viện Đa khoa Lâm Hoa Hưng Hà. Số tiền tuy không nhiều song có thể giúp đỡ mọi người chút nào thì hay chút đó như Bác Hồ đã dạy: “Việc thiện dù nhỏ mấy cũng làm”. Đến nay, tổng số tiền bà Huệ dành ra để làm từ thiện khoảng gần 80 triệu đồng.
Bác sĩ Bùi Thị Hưng, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính, Bệnh viện Đa khoa Lâm Hoa Hưng Hà cho biết: Hàng tháng, bà Huệ đều mang 2,5 triệu đồng tới bệnh viện trực tiếp đến các khoa, phòng tặng các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại đây. Tuy giá trị vật chất không nhiều song đây là nguồn động viên tinh thần rất lớn đối với bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang phải chiến đấu với bệnh tật. Bệnh viện rất trân quý những tấm lòng hảo tâm như bà Huệ.
Còn sức khỏe còn cống hiến
Đã sắp bước sang cái tuổi xưa nay hiếm, sức khỏe nhiều phần giảm sút do ảnh hưởng của chất độc da cam/Điôxin song hàng ngày ông Vũ Sơn Hà, tổ dân phố số 8, thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy) vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội cũng như năng động trong phát triển kinh tế gia đình. Tận dụng thế mạnh của địa phương gần biển, sau khi về hưu ông đã mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực chế biến thủy hải sản. Từ quy mô nhỏ ban đầu với chế biến duy nhất một mặt hàng tôm xuất sang Trung Quốc, hiện nay các mặt hàng chế biến đã được mở rộng hơn gồm nhiều loại như tôm, cá mai, sứa, chả cá, nước mắm... xuất đi các tỉnh, thành phố trong cả nước. Hiện nay, cơ sở sản xuất của gia đình ông đang tạo việc làm cho 8 lao động thường xuyên với thu nhập trung bình từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng và hàng chục lao động thời vụ.
Theo ông Đồng Văn Hải, Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn Diêm Điền: Mô hình phát triển kinh tế của ông Hà trong những năm qua đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, góp phần thúc đẩy kinh tế của địa phương ngày càng phát triển. Không chỉ tích cực trong phát triển kinh tế, ông Hà còn là hạt nhân tiêu biểu trong các phong trào của địa phương. Đặc biệt, ông cùng vợ tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo từ thiện, nhất là các hoạt động hướng về đồng đội như vận động, quyên góp xây nhà tình nghĩa.
Hiện nay, ngoài là Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin huyện, ông Vũ Sơn Hà còn giữ nhiều cương vị khác. Ông chia sẻ: Từ khi về hưu đến nay tôi thấy bản thân còn bận hơn trước rất nhiều. Nhiều người vẫn bảo tôi rằng con cháu đã trưởng thành, kinh tế ổn định sao không chọn cuộc sống an nhàn nhưng tôi thấy mình còn sức khỏe, đồng thời noi gương Bác, việc gì ích cho tập thể, cho xã hội tôi đều cố hết sức làm. Ngoài ra tôi vẫn cố gắng làm kinh tế, cũng là để cho con cháu noi gương mà phấn đấu.
Góp sức trẻ cho quê hương
Bằng sự sáng tạo và nhiệt huyết của mình, chị Trần Thị Nguyệt, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Đông Hoàng (Tiền Hải) đã đưa hoạt động đoàn của xã đi vào nền nếp; đồng thời đã phát huy tốt vai trò đồng hành khơi dậy sức trẻ, sự nhiệt huyết của đoàn viên, thanh niên trong phát triển kinh tế.
Theo chia sẻ của chị Nguyệt: Việc thường xuyên tuyên truyền những tiềm năng, lợi thế của địa phương và các chủ trương của cấp ủy, chính quyền về việc thu hút và tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân đầu tư tại quê hương, Đoàn Thanh niên xã đã khơi dậy khát vọng lập nghiệp làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của nhiều đoàn viên. Cùng với hướng dẫn và hỗ trợ đoàn viên tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi từ các tổ chức tín dụng để phát triển kinh tế, Đoàn xã còn thường xuyên phối hợp tổ chức mở các lớp dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho đoàn viên. Liên kết tập hợp các chủ cơ sở để mọi người có điều kiện giao lưu chia sẻ kinh nghiệm và liên kết làm ăn; tổ chức gặp mặt, biểu dương các điển hình thanh niên sản xuất, kinh doanh giỏi từ đó tạo khí thế thi đua của đoàn viên, thanh niên trong phát triển kinh tế. Phát huy tinh thần gương mẫu, xung kích đi đầu, tận dụng lợi thế của địa phương ven biển, chị Nguyệt đã mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi chim yến.
Chị Nguyệt cho biết: Lúc đầu xây dựng mô hình cũng gặp rất nhiều khó khăn vì tại địa phương chưa có mô hình nuôi yến để tham quan học hỏi; nguồn vốn bỏ ra ban đầu lớn. Song, với sự kiên trì, nỗ lực của bản thân cũng như người thân trong gia đình, hiện tại mô hình bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm cho nhiều lao động.
Hàng tháng, chị Nguyệt thu về hàng chục triệu đồng từ thu hoạch tổ yến bán ra thị trường. Với nhiều việc làm thiết thực, trên cương vị của mình, chị Nguyệt đã khơi dậy sức trẻ, sự nhiệt huyết của đoàn viên, thanh niên toàn xã trong phát triển kinh tế.
Hiện nay, nhiều thanh niên đã khởi nghiệp thành công và đang hiện thực hóa giấc mơ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương như: anh Trần Văn Thành với mô hình sản xuất máy cấy; anh Trần Văn Phương sáng chế thành công máy bắt ngao và đang đầu tư mô hình mới nuôi trai nước ngọt lấy ngọc; nhiều chủ cơ sở may là lực lượng trẻ đang tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương...
“Với tôi, được cống hiến, đóng góp sức trẻ cho quê hương chính là niềm vui, niềm hạnh phúc và cũng là việc làm thiết thực noi gương Bác Hồ kính yêu” - chị Nguyệt chia sẻ.
Trong cuộc sống, sẽ còn rất nhiều người như bà Huệ, ông Hà và chị Nguyệt - những tấm gương sáng để mỗi chúng ta cùng soi, cùng học, từ đó sống tốt hơn và làm tốt hơn công việc của mình, cùng góp sức xây dựng quê hương để Thái Bình sớm trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt như Bác Hồ hằng mong.
Đào Quyên
Theo https://baothaibinh.com.vn