Học Bác ý chí tự lực, tự cường

Bà Huỳnh Kim Hoa, ở ấp 2, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, góp sức xây dựng tuyến đường đẹp ở địa phương.

Nhờ ý chí tự lực và một nghị lực phi thường mà nhiều người dù có hoàn cảnh bất hạnh, khó khăn đã nỗ lực vượt qua, để bản thân vươn lên như những bông hoa hướng dương luôn hướng về phía mặt trời tươi sáng.

Tự lực để vượt khó, vươn lên

Lúc mới sinh ra, chị Trần Thị Thu Cúc, ở ấp 10, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, cũng bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng sau hai tháng tuổi, trên lưng chị bắt đầu nổi mụn lạ và cứ lớn dần. Bác sĩ cho biết đây là mụn bướu, cần phải phẫu thuật. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, trong khi chi phí phẫu thuật khá cao, nên gia đình đành đưa chị về nhà.

Chị Trần Thị Thu Cúc (trái), ở ấp 10, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, đã và đang nỗ lực vượt khó.

Theo thời gian, mụn bướu ngày càng lớn, lưng chị như cõng “hòn đá tảng”. Cảm giác nặng nề, đau nhức, khó chịu không làm chị gục ngã, hành trình vượt khó bắt đầu từ một cơ thể không được bình thường như bao người.

Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, chị nghe nhiều về những gương điển hình người khuyết tật học tập và làm theo gương Bác để vượt lên nghịch cảnh. Từ đó, bản thân chị tự nhủ phải cố gắng, nỗ lực làm được như họ. Chị Cúc chia sẻ: “Bác Hồ từng một mình bôn ba đi tìm đường cứu nước, đối mặt với biết bao khó khăn, nguy hiểm, nhưng Bác đã vượt qua tất cả. Bác chính là tấm gương sáng để tôi học hỏi, làm theo”.

Nghĩ là làm, chị Cúc đã học lấy cái nghề để kiếm tiền lo cho bản thân. Biết rõ sức khỏe mình yếu không thể lao động nặng nên chị quyết định tìm tới nghề đan rổ, vốn là nghề khá thịnh hành ở địa phương và không đòi hỏi nhiều sức lực. Dù vậy nhưng việc học nghề của chị cũng lắm gian nan. “Những lần đầu đan rất chậm, đôi khi tay còn bị tre cắt đau điếng. Tôi nghĩ nghề nào cũng có cái khó, nên mình phải cố gắng vượt qua”, chị Cúc tâm sự.

Do sức khỏe yếu nên các công đoạn chặt thành từng khúc ngắn, cạo vỏ, chẻ tre thành nan để làm vành, vót tre thành nan mỏng để đan rổ… đều do người thân của chị hỗ trợ. Khi đã rành rọt với nghề, đôi bàn tay của chị thoăn thoắt đan từng nan tre vào nhau. Sản phẩm làm ra không chỉ bán lẻ tại nhà, mà còn giao cho các cửa hàng trong và ngoài huyện.

Nhờ ý chí, nghị lực vượt khó đã giúp chị Cúc từ một người bị bệnh tật đeo mang từng bước vượt lên số phận. Mỗi ngày, chị kiếm được gần 100.000 đồng từ nghề đan rổ, đủ để lo cho thân mình. “Bị bệnh tật là nỗi bất hạnh, nhưng nếu mình có tư tưởng cam chịu thì nỗi bất hạnh đó sẽ ngày càng lớn lên. Tôi cố gắng vượt qua nỗi bất hạnh của đời mình, nếu mình có quyết tâm thì sẽ làm được mọi thứ”, chị Cúc đúc kết.

Không chỉ vậy, chị Cúc còn cố gắng tạo ra sự đổi mới với nghề. Nếu như trước kia, chị chủ yếu đan những chiếc rổ để bán cho người dân dùng trong sinh hoạt hàng ngày, thì nay chị đan các loại đồ thủ công mỹ nghệ bằng tre, trúc như: lồng đèn, móc khóa xe…

Để làm ra được những sản phẩm này thì đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo và công sức bỏ ra nhiều hơn. Tuy nhiên, sản phẩm làm ra không đủ cung cấp cho thị trường, nhiều đầu mối ở tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, thậm chí Bình Dương cũng rất ưa chuộng các mặt hàng thủ công mỹ nghệ do chị làm ra. Nhờ đó, số tiền chị kiếm được nhiều hơn so với trước.

Từ những nỗ lực của bản thân, chị Cúc đã và đang vượt qua nghịch cảnh của đời mình. Chị như một đóa hoa cúc vẫn ngát hương thơm, dù đối mặt với cuộc đời nhiều “phong ba bão táp”…

Hành trình vượt khó của chị dù không hề dễ dàng, là sự đánh đổi của biết bao mồ hôi và nước mắt, nhưng thành quả nhận được rất xứng đáng, nhất là sự an yên, hạnh phúc trong tâm hồn. Vì chị đã đi lên bằng chính sức lực của mình, không để bản thân là gánh nặng của gia đình và xã hội.

Tự cường xây dựng quê hương giàu đẹp

Ở Hậu Giang, không thiếu những câu chuyện người dân cùng “góp gió” để xây dựng xóm ấp phát triển… Tuyến đường ở ấp 2, xã Vị Tân là một trong những tuyến đường đẹp nhất trên địa bàn thành phố Vị Thanh. Nhiều người đến đây phải trầm trồ bởi vẻ đẹp của hàng dài hàng rào cây xanh, hoa kiểng được trồng thẳng tắp, chăm chút tỉ mẩn, không gian thông thoáng, sạch đẹp vì không có bụi rậm, rác thải ven đường.

Không quá khi nói hộ bà Huỳnh Kim Hoa có cảnh quan đẹp nhất trên tuyến đường ở ấp 2 này, khi sở hữu hàng hoa trang thẳng tắp trước cửa nhà, cùng nhiều cây kiểng được tạo dáng đẹp mắt, cho thấy sự kỳ công trong khâu chăm sóc của gia chủ. Công việc làm vườn của gia đình khá vất vả nhưng bà Hoa không quên chăm sóc hoa kiểng và coi đó là niềm vui trong cuộc sống.

Đâu chỉ vậy, gia đình bà Hoa còn hỗ trợ ươm giống hoa trang để trồng trên toàn tuyến đường ở ấp 2, một hành động vì cộng đồng rất đáng khen ngợi. Gần đó, hộ ông Trần Đức Hùng cũng tích cực chăm chút cho cảnh quan gia đình sạch đẹp. Ông Hùng chia sẻ: “Học và làm theo gương Bác, tôi muốn đóng góp cho sự phát triển của địa phương trong khả năng có thể. Tôi ủng hộ liền khi nghe Chi bộ ấp phát động xây dựng tuyến đường đẹp. Mỗi hộ có cảnh quan đẹp thì cả tuyến đường sẽ đẹp”.

Người dân ở ấp 2 dù cuộc sống chưa hẳn đã giàu nhưng họ có ý thức rất cao trong việc đóng góp xây dựng quê hương thêm đẹp. Bà Trần Ngọc Đào, Bí thư Chi bộ ấp 2, bày tỏ: “Tuyến đường của ấp được đẹp như thế là nhờ sự đóng góp của người dân. Dù bận rộn với chuyện cơm áo gạo tiền nhưng bà con đã hết lòng ủng hộ khi chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động. Tinh thần tự giác, trách nhiệm đóng góp của bà con là nền tảng rất quan trọng tạo nên sự phát triển của ấp thời gian qua”.

Tương tự, thấy tuyến lộ của ấp mình bị hư hỏng, đi lại khó khăn, người dân ấp Mỹ Quới B, thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, nói với nhau phải đóng góp để giặm vá. Ông Trần Văn Khá, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Mỹ Quới B, có trách nhiệm đứng ra huy động, kêu gọi sự đóng góp của người dân, ai có nhiều góp nhiều, có ít góp ít. “Người dân thống nhất rất cao, không hề có sự so đo, tị nạnh chuyện đóng góp nhiều hay ít”, ông Khá nói.

Vào ngày đã hẹn, khoảng 30 người gác lại công việc gia đình để tập trung vá lộ, từng người được phân công công việc rất cụ thể, việc ai nấy làm, tiếng nói, tiếng cười râm ran cả vùng quê. Trong 1 ngày, đã giặm vá xong tuyến lộ dài 2km, kinh phí thực hiện 20 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Giang được mọi người tin tưởng giao cho việc mua vật liệu xây dựng. Ông còn dùng chiếc vỏ lãi của gia đình chở vật liệu về sửa lộ. Còn ông Đoàn Văn Lùn cũng tự nguyện đóng góp tiền mua vật liệu và ngày công để giặm vá lộ. Ông Lùn bộc bạch: “Bác Hồ đã dạy chúng ta phải có tinh thần đoàn kết, sống có trách nhiệm với cộng đồng. Việc cùng nhau góp công, góp tiền giặm vá tuyến lộ của ấp là cách chúng tôi cụ thể hóa thực hiện lời dạy của Người”, ông Lùn bộc bạch.

Chuyện người dân ấp Mỹ Quới B biết phát huy vai trò, trách nhiệm đóng góp xây dựng xóm ấp phát triển thì có lẽ ông Trần Văn Khá, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp, hiểu rõ nhất. “Người dân coi việc đóng góp cho xóm ấp là trách nhiệm nên có sự tự nguyện, tự giác rất cao. Để huy động được sức dân, Chi bộ ấp phát huy tối đa quyền làm chủ của người dân. Nhờ chi bộ và người dân đoàn kết, thấu hiểu nên nhiều nhiệm vụ, phong trào của ấp được thực hiện trôi chảy, đạt hiệu quả cao”, ông Khá tâm đắc.

Từ những tấm gương “bình dị mà cao quý” trong học tập và làm theo gương Bác càng cho thấy giá trị lớn lao của ý chí tự lực, tự cường tiềm ẩn trong mỗi người dân Hậu Giang. Những giá trị tốt đẹp ấy càng được nhân lên khi cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai, thực hiện chuyên đề toàn khóa “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết, để quán triệt và thực hiện Hướng dẫn số 16 của Ban Tuyên giáo Trung ương về học tập chuyên đề toàn khóa “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 49 về học tập, thực hiện chuyên đề toàn khóa. Kết quả, có 99,5% cán bộ, đảng viên trong tỉnh được học tập, quán triệt chuyên đề toàn khóa này.

Qua học tập, quán triệt đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về nội dung, giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; về phát huy nội lực, tận dụng thời cơ, khơi dậy khát vọng xây dựng tỉnh Hậu Giang phát triển nhanh và bền vững.

Đặc biệt, trong năm 2021, 2022 và quý I/2023, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể tập trung chỉ đạo xây dựng và nhân rộng nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả trong học tập và làm theo gương Bác như: Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức “Đối thoại với Nhân dân”, “Đối thoại với công nhân”; mô hình “Phật giáo Hòa Hảo với thoát nghèo bền vững” ở huyện Châu Thành, “Mỗi tuần một việc tốt” ở thành phố Vị Thanh, “Ngày chủ nhật xanh” ở huyện Châu Thành A...

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website