Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La đã triển khai việc học và làm theo Bác với nhiều nội dung, phần việc thiết thực, gắn với các phong trào thi đua. Từ đó, đã xuất hiện nhiều điển hình trong phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống hội viên.
Hội viên phụ nữ xã Bản Lầm, huyện Thuận Châu, chăm sóc cây cà phê.
Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện có 30 cơ sở hội, với hơn 31.600 hội viên. Để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đi vào chiều sâu, hằng năm, Hội đã xây dựng kế hoạch triển khai, chỉ đạo các chi hội đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt đến từng cán bộ, hội viên; đưa nội dung học tập và làm theo Bác gắn với phong trào “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới gắn với xây dựng người phụ nữ Thuận Châu đoàn kết, nhân ái, thân thiện, sáng tạo, khát vọng vươn lên”; cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”... Đến nay, 100% các chi hội, cán bộ, hội viên phụ nữ đăng ký thực hiện việc học và làm theo Bác bằng những việc làm cụ thể gắn với cuộc sống hằng ngày.
Chị Lường Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Hội LHPN huyện, cho biết: Hội đã lựa chọn các nội dung, phần việc mang tính đột phá, như: Hỗ trợ hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế; hỗ trợ mô hình sinh kế... Chỉ đạo các cơ sở hội tập trung tư vấn, định hướng lựa chọn, xây dựng mô hình phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Phân công hội viên có kinh tế khá giúp đỡ chị em hoàn cảnh khó khăn về giống cây trồng, vật nuôi, ngày công lao động. Phối hợp tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật; nhận ủy thác hơn 211 tỷ đồng, với các tổ chức tín dụng, cho 4.584 hội viên vay vốn phát triển kinh tế.
Học Bác từ những điều giản dị nhất, các cấp hội đã duy trì và nhân rộng mô hình “5 nghìn đồng/hội viên/tháng”, “Hũ gạo tiết kiệm”, “Lợn nhựa tiết kiệm” và gây quỹ thăm hỏi, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế... Trong 4 năm (2021-2024), các mô hình đã tiết kiệm trên 5 tỷ đồng, giúp đỡ 540 hội viên nghèo phát triển kinh tế; trong đó, có 32 hội viên thoát nghèo. Hưởng ứng “Tuần lễ gửi tiết kiệm, chung tay vì người nghèo”, cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia mở 135 sổ tiết kiệm, tổng số gần 695 triệu đồng.
Được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Chiềng Pha tạo điều kiện vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế, năm 2021, gia đình chị Cà Thị Phương, bản Heo Trại, đã thoát nghèo. Đến tháng 6/2023, chị tiếp tục được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 100 triệu đồng vốn sản xuất, kinh doanh. Chị Phương phấn khởi: Nhờ được hỗ trợ vay vốn, gia đình tôi đã đầu tư trồng 1 ha cà phê, sau khi trừ mọi chi phí, mỗi năm cho thu lãi khoảng 40 triệu đồng. Năm nay, gia đình tiếp tục đầu tư trồng thêm 1 ha cà phê.
Năng động trong phát triển kinh tế, đã có nhiều mô hình kinh tế của hội viên phụ nữ cho thu nhập cao, như: Mô hình trồng cà phê của chị Lò Thị Thiên, xã Bản Lầm, cho thu nhập gần 400 triệu đồng/năm; trồng thanh long của Lò Thị Dưng, bản Huổi Quỳnh, xã Chiềng Pha, thu nhập trên 300 triệu đồng/năm; chế biến chè của chị Nguyễn Thị Bình, xã Phổng Lái, thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm; nuôi cá lồng, trồng cây ăn quả của chị Lò Thị Bun, bản Phé Hằng, xã Mường Khiêng, thu nhập hơn 400 triệu đồng/năm...
Năm 2010, sau khi tham quan một số mô hình kinh tế trong huyện, gia đình chị Lò Thị Thiên, hội viên Chi hội phụ nữ bản Hiềm, xã Bản Lầm, đã chuyển đổi 3 ha đất trồng sắn, ngô sang trồng cây cà phê. Chị Thiên chia sẻ: Nâng cao thu nhập, năm 2018, gia đình vay 100 triệu đồng của Agribank Chi nhánh huyện Thuận Châu đầu tư vào chăm sóc cây cà phê, khai hoang ruộng, phát triển chăn nuôi. Mỗi năm, gia đình thu nhập gần 400 triệu đồng. Cùng với đó, tôi chia sẻ kinh nghiệm sản xuất để chị em trong bản làm theo, cùng nhau vươn lên làm giàu.
Bên cạnh đó, các cơ sở hội còn gắn việc làm theo Bác với các phong trào, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến nay, các cơ sở hội duy trì quét dọn 236 tuyến đường phụ nữ tự quản; trồng mới 26 tuyến đường hoa, tổng chiều dài 33 km; trên 80% số gia đình hội viên đã di dời gia súc ra khỏi gầm sàn và đào hố chứa rác
Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện còn duy trì hoạt động các câu lạc bộ “Không tảo hôn, không kết hôn cận huyết thống, không sinh con thứ 3 trở lên”, “Phòng, chống bạo lực gia đình”, “Cảm hóa giáo dục, giúp đỡ người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng”, “Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng”..., giúp cho chị em có cơ hội giao lưu, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng cuộc sống gia đình, giúp nhau cùng tiến bộ. Đến nay, trên 90% số gia đình cán bộ và số gia đình hội viên đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; không có tình trạng bạo lực gia đình, học sinh bỏ học giữa chừng...
Học và làm theo Bác đã trở thành việc làm thường xuyên, tự giác trong cán bộ, hội viên phụ nữ huyện Thuận Châu, góp phần thắt chặt tình đoàn kết, tương thân, tương ái, thúc đẩy các hoạt động, phong trào thi đua của Hội trên mọi lĩnh vực.
Bài, ảnh: Trần Hiền
Theo https://baosonla.vn