Bà Hạ Chí Nhân, con gái nhà cách mạng Hoàng Quốc Việt (tên thật Hạ Bá Cang) và bà Khuất Thị Bảy (em gái nhà cách mạng Khuất Duy Tiến) đã được Bác đặt tên trong ngày đầy tháng trên chiến khu ATK Định Hóa (Thái Nguyên). Bà là một trong những em bé có tuổi thơ gắn bó với Bác nhiều nhất trên chiến khu Việt Bắc...
Bà Hạ Chí Nhân (người bên trái) thăm quan triển lãm về Khởi nghĩa Bắc Sơn.
Chúng tôi được gặp vợ chồng bà Hạ Chí Nhân tại Hội thảo về khởi nghĩa Bắc Sơn vào tháng 9 vừa qua. Ở tuổi 71, bà Nhân vẫn kể rõ ràng các câu chuyện, sự kiện mà cuộc đời bà đã trải qua. Câu chuyện xoay quanh người cha, rồi tình cờ lại vòng trở lại cuộc sống giản dị của bà. Câu nói: Học Bác lối sống tự nhiên, giản dị của bà khiến chúng tôi ghi nhớ mãi.
Bà kể: “Tôi sinh ra vào sáng sớm một ngày tháng 1-1949 nơi núi rừng Việt Bắc, trên chiến khu ATK Định Hóa. Bố mẹ tôi kể lại rằng, công việc kháng chiến bận rộn nhưng Bác vẫn đến thăm và hứa đầy tháng tuổi Bác sẽ đặt cho tôi một cái tên ý nghĩa. Và Bác đã giữ đúng lời hứa của mình. Khi ấy, tại Điềm Mặc (Định Hóa), Bác đã bế tôi trong lòng và chụp ảnh cùng gia đình tôi. Người đặt cho tôi cái tên Chí Nhân với họ Hạ, theo họ cha”.
Bà Hạ Chí Nhân được Bác Hồ bế trên tay và đặt tên vào ngày đầy tháng
tại ATK Việt Bắc năm 1949 (ảnh tư liệu do bà Hạ Chí Nhân cung cấp).
Khi bà lớn lên, Bác cũng là người giảng cho bà hiểu được ý nghĩa của cái tên "Chí Nhân" trong ý nghĩa của Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín. “Cái tên là cái mệnh, suốt đời được lời răn dạy của Bác, tôi rất hạnh phúc" - bà bày tỏ.
Tháng 3-1951, khu nhà trẻ ở Khe Khao (Chợ Đồn, Bắc Kạn) được mở giữa rừng núi, bà Nhân cùng con các cán bộ Trung ương được đưa về đây để nuôi dạy. Đến năm 1954, khu nuôi dạy được chuyển về Hà Nội. Bà nhớ lại: “Ở trong những ngôi nhà liếp, mái tranh thời đó, chúng tôi được nuôi dạy tử tế. Bác Hồ cũng sắp xếp thời gian để đến thăm và cho lũ trẻ chúng tôi kẹo. Sinh ra và lớn lên giữa núi rừng Việt Bắc, dưới sự đùm bọc của đồng bào dân tộc, có Bác Hồ và các lãnh đạo cách mạng. Khi về Thủ đô nhà bà chỉ cách Phủ Chủ tịch vài trăm mét. Do vậy, bà Hạ Chí Nhân luôn cho rằng: Có lẽ tôi là đứa trẻ may mắn nhất vì được được ảnh chụp chung với Bác Hồ nhiều.
Bà hồi tưởng: Trong khó khăn thời kháng chiến, một lần Bác đã đưa cho mẹ tôi một mảnh vải màu trắng, dặn bà may cho tôi chiếc váy. Ngày đó váy của trẻ con và người lớn ở chiến khu luôn may dài. Nhưng vì mảnh vải không lớn, nên mẹ chỉ đủ may cho tôi chiếc váy ngắn, tình cờ lại giống như mốt thời thượng bây giờ. Một chút vải còn thừa, mẹ đã khéo léo sửa thành một chiếc nơ cài tóc.
Với thành tích học tập tốt, khi 17 tuổi, bà Hạ Chí Nhân cùng nhiều thanh niên Việt Nam được chọn đi du học ở các nước xã hội chủ nghĩa. Chiều 21-8-1966, bà được vào chào Bác trước khi lên đường sang Budapest (Hungary) học ngành Vật lý. Bác dặn dò: Cháu cố gắng học, thế hệ cháu sẽ trở thành chiến sĩ trên mặt trận xây dựng đất nước. Các cháu sẽ là một thế hệ mới văn minh, hãy cố gắng học khoa học kỹ thuật, học những gì văn minh nhất, tinh hoa nhất. Đặc biệt trau dồi ngôn ngữ, đó là chìa khóa mở ra thế giới. Sau này trở về xây dựng đất nước.
Nhớ lời dặn của Bác, suốt những năm tháng sinh viên bà chăm chỉ học tập. Sau mấy năm du học, bà thành thạo hai ngôn ngữ là Đức và Anh. Với chuyên môn của mình và mong muốn nghiên cứu về ngành mới là vô tuyến điện-công nghệ thông tin, bà Nhân về công tác tại khoa Toán Lý, Đai học Bách khoa Hà Nội. Năm 1984, bà rút khỏi công việc nghiên cứu kỹ thuật, về làm ngành xã hội ở Nhà Xuất bản Hà Nội.
Bà Nhân chia sẻ: Đạo đức sáng ngời của Bác được lan truyền tới những người sống xung quanh một cách tự nhiên. Ngày mới về Thủ đô, Bác được bố trí ở trong Phủ Chủ tịch. Ngôi nhà to lộng lẫy như thế nhưng Bác nhất định từ chối. Trung ương mới quyết định làm nhà gác 2 tầng giống kiểu của bà con dân tộc, tầng trên có 2 buồng nhỏ để Bác ngủ và sinh hoạt, tầng dưới Bác để tiếp khách. Tôi đã học tập Bác phong cách sống gần gũi với thiên nhiên. Bởi vậy, khuôn viên ngôi nhà của tôi cũng ngập tràn cây cảnh, với các loài hoa, trong nhà bố trí đơn sơ.
Năm 2004, bà nghỉ hưu. Nhắc về cuộc sống hưu trí của mình, bà cười nói: Tôi và ông nhà tuổi đều đã cao nhưng cũng may mắn là sức khỏe cả hai đều tốt. Mỗi chiều tối, vợ chồng đi bộ một vòng ra Lăng Bác, hoặc ông ấy chở tôi lên cầu Long Biên ngắm cảnh, cuộc sống an nhàn, thảnh thơi.
Minh Khuê
Theo http://baothainguyen.vn