Sinh thời, trong chín lần về thăm Phú Thọ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hai lần về với Đền Hùng. Lần nào cũng vậy, sau khi thắp hương tưởng nhớ, tri ân công đức Tổ tiên, Bác đều gặp gỡ, dặn dò tâm huyết đối với cán bộ, nhân dân và chiến sỹ. Những lời của Bác không chỉ dành cho thế hệ ngày ấy mà còn cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau...
Bức tượng bằng đồng Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân Tiên Phong.
Đã mấy chục năm trôi qua, những hình ảnh về Bác càng trở nên thiêng liêng, quý giá được các cấp, các ngành, người dân Đất Tổ trân trọng, cất giữ, bảo quản cẩn thận.
Trong hành trình về vùng quê Đất Tổ, điểm du khách luôn ghé thăm là Bảo tàng Hùng Vương nằm ngay bên núi Nghĩa Lĩnh. Đây là một trong những điểm đến thuộc quần thể Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng. Không chỉ lưu giữ, trưng bày hiện vật, khảo cổ thời Hùng Vương - những vật chứng thiêng liêng kết nối đến những huyền thoại của vùng Đất Tổ, Bảo tàng Hùng Vương còn lưu giữ, trưng bày những hình ảnh về Bác Hồ. Mỗi hình ảnh đều gắn với những câu chuyện hoặc kỷ niệm về Người với nhân dân Phú Thọ nói riêng và cả nước nói chung. Tất cả đều được gìn giữ một cách trân trọng, sắp xếp khoa học và trình bày công phu. Mỗi khi có đoàn khách đến tham quan, cán bộ, hướng dẫn viên của Bảo tàng lại say sưa giới thiệu những câu chuyện cảm động trong hai lần Bác về Đền Hùng với niềm thành kính và tự hào.
Hướng dẫn viên của Bảo tàng thuyết minh những câu chuyện qua hai lần Bác về Đền Hùng với du khách trong niềm thành kính và tự hào.
Đó là những hình ảnh Bác Hồ về thăm Đền Hùng vào ngày 19/9/1954 và 19/8/1962. Hình ảnh đầu tiên tại đây là bức tượng bằng đồng Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân Tiên Phong tại Đền Giếng. Với dòng chữ vàng trên nền phông đỏ thể hiện câu nói nổi tiếng, lời căn dặn của Người năm xưa tại Đền Hùng: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước/Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời dẫn mộc mạc, tình cảm của hướng dẫn viên Nguyễn Vân Anh đã hướng người nghe về lần thăm Đền Hùng đầu tiên của Bác. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử chấn động địa cầu, trên đường về Thủ đô, Người đã về Đền Hùng. Tại đây, Người đã khẳng định và tổng kết lịch sử của dân tộc “Dựng nước đi liền với giữ nước”.
Lời căn dặn của Bác cất lên từ Đền Hùng đã trở thành lời hịch thiêng liêng của non sông đất nước, âm vang trong tâm hồn mỗi người con đất Việt ở khắp mọi miền, với mọi thế hệ. Lời căn dặn của Bác không chỉ với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân Tiên Phong mà với toàn quân, toàn dân các thế hệ người Việt Nam. Điều đó có tác dụng giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức dân tộc, cội nguồn và tinh thần đại đoàn kết. Vì đó là nguồn sức mạnh to lớn chi phối toàn bộ quá trình phát triển của lịch sử dân tộc, là động lực cổ vũ lớn lao tinh thần đại đoàn kết của nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
Du khách tìm hiểu những tư liệu về Hồ Chủ tịch tại Bảo tàng Hùng Vương.
Nổi bật nhất trong không gian trưng bày tài liệu là những hình ảnh Bác với bộ quần áo nâu giản dị, Người đã tới Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng, dưới bóng cây Vạn Tuế trước cửa chùa Thiên Quang, Bác ngồi nghỉ và nghe đồng chí Song Hào- Chính ủy Đại đoàn quân Tiên Phong, đồng chí Thanh Quảng - Chánh văn phòng Quân ủy Trung ương báo cáo tình hình đại đoàn và kế hoạch đưa bộ đội về tiếp quản Thủ đô. Đặc biệt, bức ảnh toàn cảnh Bác ngồi bên gờ cửa ngách bên phải Đền Giếng nói chuyện với bộ đội, thật là gần gũi, ân cần dặn dò bộ đội khi về tiếp quản Thủ đô phải hết sức cẩn trọng, phải thường xuyên học tập rèn luyện đạo đức, giữ nghiêm kỷ luật, thực hiện tốt chính sách dân vận, giữ vững lập trường giai cấp.
Những tư liệu, hình ảnh hai lần Bác về thăm Đền Hùng được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng Hùng Vương, qua những lời thuyết minh cảm động khi giới thiệu về Bác Hồ tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, du khách càng thêm tự hào về Bác kính yêu. Cũng từ hai sự kiện đó, với câu nói nổi tiếng của Người, các nhà khoa học nghiên cứu về thời đại Hùng Vương có thêm căn cứ đầy đủ và toàn diện hơn, từ đó khẳng định thời đại Hùng Vương là thời đại có thật trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Ở Bảo tàng Hùng Vương còn trưng bày những hình ảnh về Bác của nhân dân cả nước kính tặng Đền Hùng như: Bức tranh khắc gỗ hình ảnh Bác với bộ đội Sư đoàn 308; tập ảnh của Bảo tàng Hồ Chí Minh về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trang kính hình ảnh Bác... Những hình ảnh về Bác Hồ đang được lưu giữ, trưng bày ở Bảo tàng Hùng Vương là minh chứng sống động về tình yêu thương bao la của Người. Dù Bác đã đi xa nhưng tình cảm thiêng liêng ấy vẫn mãi được lưu truyền cho các thế hệ người Việt Nam nói chung và người dân Đất Tổ nói riêng.
Trong lần về thăm Đền Hùng lần thứ hai, ngày 19/8/1962, Bác căn dặn: “Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm đẹp đẽ, thành công viên cho con cháu sau này đến thăm quan”. Khắc ghi lời Bác, Đền Hùng luôn được quan tâm đầu tư, tôn tạo, xây dựng ngày càng tôn nghiêm, khang trang hơn, xứng tầm là nơi thờ tự Tổ tiên của cả nước. Các công trình nhà trưng bày, lưu niệm trong khuôn viên Khu Di tích lịch sử Đền Hùng được đầu tư, xây dựng bề thế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của đồng bào ta khi đến tìm hiểu, tham quan học tập.
Tháng Ba âm lịch đã đến cùng lời nhắc nhở con dân nước Việt luôn luôn nhớ về Tổ tiên, về cội nguồn; nhắc chúng ta nhớ đến những lời căn dặn của Bác kính yêu. Những lời dạy của Bác như lời “hiệu triệu” vang vọng khắp núi sông, thúc giục mỗi người dân Đất Việt nối tiếp truyền thống cha ông, góp sức mình xây dựng đất nước phát triển, vững mạnh, mãi mãi trường tồn.
Anh Thơ
Theo https://baophutho.vn