Với việc quán triệt sâu sắc Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, bám sát hướng dẫn của T.Ư để xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai kịp thời, sát thực tiễn; cụ thể hóa vào Chương trình hành động của tập thể, kế hoạch cá nhân đã giúp việc việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa, tạo chuyển biến quan trọng trong nhận thức, ý thức rèn luyện đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân trong tỉnh Hà Giang.
Người dân thôn Nà Trà, xã Linh Hồ (Vị Xuyên) thực hiện mô hình cải tạo vườn tạp để nâng cao đời sống.
Thực hiện Chỉ thị 05, các cấp ủy, chính quyền đã tập trung lãnh, chỉ đạo việc nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội; nhiều giải pháp đột phá được thực hiện hiệu quả. Trong đó, tập trung cải thiện sinh kế và nâng cao thu nhập cho người nghèo; thực hiện tốt các dự án, hoạt động thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Việc đảm bảo các nhu cầu thiết yếu về lương thực, thực phẩm và thực hiện các chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 được các cấp ủy, chính quyền trong toàn tỉnh quan tâm triển khai; vận động các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ, chia sẻ khó khăn với người dân nghèo bị ảnh hưởng của dịch bệnh.
Chỉ tính riêng đến tháng 11.2020, tỉnh tiếp nhận và trao tặng hàng nghìn phần quà, gồm nhu yếu phẩm, trang thiết bị y tế với tổng giá trị trên 6,3 tỷ đồng cho các địa phương và nhân dân trong tỉnh; chi trả tiền hỗ trợ cho 387.410 đối tượng là người có công, hộ nghèo, gia đình chính sách với tổng kinh phí hỗ trợ trên 311 tỷ đồng. Đặc biệt, chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo bằng nguồn vốn xã hội hóa được các cấp ủy, chính quyền tích cực triển khai. Tính đến hết tháng 2.2021, toàn tỉnh đã có 3.789 hộ triển khai xây dựng nhà ở; 3.732 hộ hoàn thành đưa vào sử dụng.
Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết: Từ việc học tập và làm theo Bác, toàn tỉnh có nhiều mô hình tiêu biểu, tấm gương điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, có tính bền vững, hiệu quả. Những mô hình này thể hiện rõ chủ thể là những người có tư duy sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng, của Bác Hồ, có ý thức giữ gìn truyền thống đoàn kết, tấm lòng nhân ái, có ý chí, quyết tâm vượt khó. Nổi bật như mô hình: Thực hành tiết kiệm trong sử dụng xe công; mua sắm tài sản tập trung; hạn chế tối đa việc tổ chức liên hoan sau các hội nghị. Từ đó, góp phần xây dựng hình ảnh người cán bộ, đảng viên trung thực, trách nhiệm, gắn bó mật thiết với nhân dân; giúp cán bộ, đảng viên thấy rõ hơn trách nhiệm của mình đối với việc thực hiện “nói đi đôi với làm”. Qua đó, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, sự điều hành, quản lý của chính quyền, vai trò vận động, tuyên truyền, phát huy sức mạnh đoàn kết nhân dân của các đoàn thể chính trị - xã hội.
Qua thực tế tại các địa phương có thể thấy rõ, lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, kinh doanh có nhiều mô hình vừa có ý nghĩa thiết thực trong phát triển kinh tế, vừa thể hiện rõ tinh thần tương thân, tương ái, chia sẻ kinh nghiệm, giúp nhau về vốn, giống để phát triển sản xuất, tiêu biểu như các mô hình: Nuôi bò sinh sản và bò thịt; trồng cây Mận máu, trồng Dâu tây xuống ruộng (Hoàng Su Phì); dệt may truyền thống, đan mành cọ, rèn đúc dao, trồng và sản xuất tinh dầu Hồi (Bắc Mê); trồng hoa hồng và Dâu tây sạch, chăn nuôi lợn rừng Thái Lan (Vị Xuyên); HTX nông, lâm nghiệp tổng hợp Ngọc Sơn, HTX khởi nghiệp Thành Công (Bắc Mê) liên kết với nhân dân tổ chức sản xuất, giải quyết việc làm, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, giúp nhiều gia đình vươn lên làm giàu chính đáng. Phong trào xây dựng NTM, mô hình hiến đất làm đường giao thông nông thôn với khẩu hiệu “tấc đất, tấc vàng, vì việc làng cũng hiến” đã trở thành việc làm phổ biến ở hầu hết các xã, phường, thị trấn trong tỉnh.
Bên cạnh đó, các lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế xuất hiện nhiều mô hình ý nghĩa, phát huy truyền thống đoàn kết cộng đồng, như mô hình: Hũ gạo tình thương (Hoàng Su Phì); phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (Mèo Vạc); diễn đàn nghe cựu chiến binh kể chuyện, chung tay giúp đỡ người nghèo (thành phố Hà Giang); phong trào vận động kết nối với các nhà hảo tâm chăm lo cho hộ nghèo, gia đình chính sách, người có công với cách mạng (Xín Mần); Quỹ khuyến học, khuyến tài tỉnh được thành lập và đi vào hoạt động hiệu quả; Đồn Biên phòng Lũng Cú với chương trình “Nâng bước em tới trường” và “Con nuôi Đồn Biên phòng” nhận giúp đỡ, trực tiếp nuôi dưỡng 12 học sinh nghèo vượt khó...
Để việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đi vào chiều sâu, tỉnh Hà Giang tập trung đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng tuyên truyền theo hướng phát hiện, cổ vũ, quảng bá, nhân rộng mô hình hiệu quả, gương điển hình tiên tiến; chú trọng tuyên truyền các điển hình trong xây dựng, hoàn thiện và thực hiện chuẩn mực đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp; sự gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ; kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện và đánh giá kết quả việc thực hiện kế hoạch, chương trình hành động về học tập và làm theo Bác của các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên; coi đây là một trong những tiêu chuẩn bình xét thi đua, khen thưởng cuối năm.
Có thể khẳng định, bằng việc triển khai đồng bộ công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên; chủ động nắm bắt, phát hiện những hạn chế, lúng túng trong quá trình tổ chức thực hiện để kịp thời giải quyết vướng mắc, bức xúc nổi cộm nảy sinh trong thực tế đã giúp việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đi vào chiều sâu. Đó là nền tảng vững chắc để tỉnh Hà Giang đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII sớm về đích.
Bài, ảnh: KIM TIẾN
Theo http://baohagiang.vn