Gương sáng học Bác ở Ðắk R'măng

Năm 2014, anh Đỗ Bá Quý đến xã Đắk R’măng để thăm người thân. Nhận thấy nơi đây đất đai màu mỡ, thuận lợi để đầu tư phát triển kinh tế. Từ đó, gia đình anh đã chuyển đến Đắk R’măng để lập nghiệp.

Theo anh Quý, ban đầu nhìn đất đỏ bazan phì nhiêu, anh cứ ngỡ cây trồng sẽ xanh tốt khi xuống giống. Nhưng thực tế không dễ dàng như vậy. Những năm đầu, khi vườn cây đang trong giai đoạn kiến thiết thường bị các bệnh vàng lá, sâu hại tấn công, nên phát triển rất kém.

Biết mình chưa quen với kỹ thuật canh tác trên vùng đất mới, nên anh đã tìm tòi nghiên cứu tài liệu, sách báo, tham gia các lớp tập huấn, các buổi sinh hoạt của hội nông dân… Từ đó, anh đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm, kiến thức trong chăm sóc cây cà phê, hồ tiêu và các loại cây ăn trái.

Khi đã nắm vững các kiến thức, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, anh đã tăng cường đầu tư thâm canh, tăng năng suất, đa dạng các nguồn thu. Từ đó, đời sống của gia đình anh ngày một ổn định, trở thành hộ khá giả trên địa bàn.

Anh Đỗ Bá Quý, thôn 4, xã Đắk R’măng (Đắk Glong) luôn cần cù trong lao động, giúp gia đình có cuộc sống ổn định

Không những thế, thời gian qua, từ vốn kiến thức nông nghiệp tích lũy được, anh Quý đã nhiệt tình chia sẻ, hướng dẫn lại cho mọi người, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, nhiều hộ đã tiếp thu, áp dụng hiệu quả việc chăm sóc trồng cây, chăn nuôi.

Hiện nay, trên diện tích 3,5 ha cà phê, gia đình anh Quý đã trồng xen 3.000 trụ tiêu, 200 cây bơ và hàng chục cây sầu riêng… Ngoài ra, anh còn bố trí chuồng trại để nuôi hàng trăm con gà dưới tán cây.

Theo anh Quý, sản xuất nông nghiệp theo hộ gia đình cần có sự kết hợp, bổ trợ của các loại cây trồng, vật nuôi để cải thiện nguồn thu. Việc đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi sẽ tạo ra nguồn thu theo mùa, hạn chế rủi ro khi có một loại nông sản rớt giá và cũng là cách để “lấy ngắn nuôi dài”.

Mô hình đa cây, đa con giúp anh tận dụng được các sản phẩm trong vườn làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Các loại phế phẩm được sử dụng để làm phân hữu cơ vi sinh bón lại cho cây trồng nhằm giảm chi phí đầu tư, nâng cao thu nhập.

 

 Anh Đỗ Bá Quý (bên phải) luôn học tập, rèn luyện theo gương Bác Hồ

Anh Quý chia sẻ: “Động lực để tôi tạo dựng được cơ ngơi hôm nay đó là nhờ thấm nhuần lời dạy của Bác về đức tính cần cù. Cùng với đó, gia đình tôi cũng luôn quan tâm nuôi dạy con cái chăm học, sống hòa thuận với mọi người. Gia đình luôn chịu thương, chịu khó làm ăn, phát triển kinh tế nhằm góp phần cùng với địa phương xây dựng quê hương”.

Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đắk R’măng cho biết, gia đình anh Quý là hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, là gương điển hình về sự nỗ lực, chịu khó vươn lên từ gian khó. Hàng năm, thu nhập từ vườn rẫy của anh Quý trên 300 triệu đồng.

Đây là mức thu nhập cao so với mặt bằng chung của xã. Không những vậy, thời gian qua, anh Quý luôn tích cực tham gia hoạt động các phong trào do địa phương phát động, tổ chức. Nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới, anh đã tiên phong đóng góp ngày công để làm đường giao thông. Anh cũng giúp đỡ các hộ khó khăn trong sản xuất.

Địa phương xem anh Quý là một trong những người tiên phong trong học tập, làm theo Bác hiệu quả nhất và là tấm gương để mọi người học tập. Thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục vận động, hỗ trợ anh Quý phát huy tốt các phẩm chất của mình để trở thành "đầu tàu" cho phong trào học tập, làm theo Bác ở Đắk R'măng.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website