Những năm qua, tuổi trẻ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở Bình Phước đã không ngừng học tập, rèn luyện và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, thanh niên DTTS đã có những đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
TRƯỞNG THÔN NĂNG ĐỘNG
Ở xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng, Sơn Hòa là thôn có 97% số hộ DTTS, trình độ dân trí thấp, hạ tầng cơ sở còn hạn chế, phong tục tập quán lạc hậu có lúc còn tồn tại... Tuy nhiên, bằng sự tận tụy, tận tâm trong việc tham mưu, lãnh đạo của Trưởng thôn Điểu Thanh, đời sống người dân nơi đây ngày càng được nâng cao, diện mạo khu dân cư đã đổi mới, khang trang. Với tinh thần ham học hỏi, thường xuyên theo dõi và cập nhật tin tức thời sự thông qua sách báo, internet, anh kịp thời nắm bắt, tuyên truyền vận động người dân thay đổi tư duy, từ bỏ những tập tục lạc hậu, chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nổi bật trong những thành tích thôn Sơn Hòa đạt được là bà con đã xóa được nạn tảo hôn, không cầm cố đất và bán điều non.
Anh Điểu Thanh, Trưởng thôn Sơn Hòa, xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng (giữa)
chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Anh Thanh cùng Ban điều hành thôn kịp thời giải quyết các vụ mâu thuẫn, xích mích trong cộng đồng dân cư nên tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội luôn đảm bảo; xây dựng và thực hiện tốt hương ước, quy ước... Nhờ đó, nhiều năm liền thôn Sơn Hòa được công nhận là khu dân cư văn hóa điển hình của huyện và tỉnh. Nói về công tác quản lý, điều hành thôn, anh Thanh chia sẻ: “Hằng năm, Ban quản lý thôn đều xây dựng hương ước, quy ước sao cho phù hợp tình hình thực tế của thôn. Đầu năm, thôn tập hợp già làng, các tổ chức đoàn thể và thanh niên trong thôn lấy ý kiến về thực hiện nếp sống văn hóa, như: đám cưới không mở nhạc quá 22 giờ; đám tang, đám hỏi không tổ chức quá đình đám gây lãng phí; đám cưới không phải trả của...
Anh Thanh cho rằng, học tập và làm theo Bác, bản thân phải luôn làm việc tận tụy, hết mình với nhiệm vụ được giao, không lãng phí của công. Trong gia đình, anh Thanh là người chồng, người cha mẫu mực, vừa làm tốt công tác xã hội vừa làm kinh tế giỏi. Nhiều năm liền gia đình anh đạt danh hiệu văn hóa tiêu biểu. Anh nhiều lần được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen và vinh dự là tấm gương tiêu biểu về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.
DÁM NGHĨ, DÁM LÀM
Anh Điểu Bưng ở thôn 6, xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng được biết đến là người giàu lòng nhân ái, có nhiều đóng góp cho cộng đồng xã hội. Anh còn là tấm gương hăng say trong lao động và luôn mạnh dạn, táo bạo trong đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Với suy nghĩ “phải luôn cố gắng học hỏi, vững về kinh tế thì việc gì cũng làm được”, anh Điểu Bưng đã sớm trở thành người giàu có nhất, nhì thôn 6, là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền.
Mới 41 tuổi nhưng anh đã sở hữu căn nhà trị giá 2 tỷ đồng cùng hơn 30 ha đất sản xuất, trong đó có 8 ha cao su, 2 ha cà phê, 1 ha sầu riêng và khoảng 20 ha điều đang cho thu hoạch. Chưa dừng lại ở đó, năm 2015, sau khi tìm hiểu kỹ thuật, anh đầu tư nuôi chim yến với hệ thống phun sương, âm thanh, camera giám sát... được tự động hóa. Hiện mỗi tháng anh thu về hơn 1kg tổ yến thô, bán với giá hơn 20 triệu đồng. “Có được như ngày nay là nhờ gia đình có đất và biết giữ đất. Mỗi năm thu được bao nhiêu gia đình chỉ tiêu xài một phần, một phần cất giữ và chăm lo cho con ăn học, tái đầu tư sản xuất” - anh Điểu Bưng chia sẻ.
TẬN TÂM VÀ TRÁCH NHIỆM
Tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm, mẫu mực... là nhận xét của học sinh, đồng nghiệp và cấp trên khi nói về cô giáo Triệu Thị Nhập, giáo viên dạy môn Giáo dục công dân ở tường THCS Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập. Dù trải qua không ít khó khăn, bỡ ngỡ trong những ngày đầu nhưng bằng nghị lực và niềm tin yêu với nghề, cô Nhập nhanh chóng thích nghi, luôn phấn đấu, rèn luyện, tích cực học hỏi, trau dồi kiến thức và tích lũy kinh nghiệm để mỗi khi đứng trên bục giảng có thể đem hết kiến thức của mình truyền đạt cho học sinh. Đến nay, cô đã đào tạo nhiều thế hệ học sinh đạt thành tích cao trong học tập, đóng góp tích cực vào thành tích chung của ngành giáo dục tỉnh.
Với suy nghĩ, môn Giáo dục công dân có ảnh hưởng rất lớn đến tác phong, lối sống và nhân cách của học sinh nên cô Nhập đã chủ động tìm tòi những phương pháp giảng dạy sinh động, linh hoạt, giúp học sinh dễ tiếp thu kiến thức. Cô Nhập cho biết: “Nhận thức được vấn đề tâm sinh lý của học sinh, tôi đã áp dụng một số biện pháp đặc trưng của môn, như đàm thoại, giới thiệu trực quan, thuyết trình nêu vấn đề và sử dụng công nghệ thông tin để trình bày. Những phương pháp này giúp tôi truyền tải kiến thức đơn giản, dễ hiểu, súc tích nhất cho học sinh”. Sự nỗ lực, cố gắng của cô Nhập được ghi nhận bằng nhiều bằng khen, giấy khen của tỉnh, huyện, ngành và trường. Đặc biệt, năm học 2017-2018, cô đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và giáo viên giỏi cấp tỉnh.
Điểu Vĩnh
Theo https://baobinhphuoc.com.vn