Đại diện lãnh đạo tỉnh và ngành GD&ĐT trao thưởng cho học sinh đoạt giải quốc gia.
Ngay sau khi tuyên bố nước nhà được độc lập, một trong những nhiệm vụ cấp bách mà Người chỉ ra là “diệt giặc dốt” và Người đã phát động phong trào “Bình dân học vụ” (BDHV). Thực hiện phong trào này, ngay từ tháng 9-1945, Thanh Hóa đã thành lập Nha BDHV. Các địa phương trong tỉnh đều lập ban BDHV; phong trào thi đua “diệt giặc dốt”, BDHV phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, ngày 20-2-1947, trong lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ trao tặng Thanh Hóa 10 vạn đồng để làm quỹ phát triển BDHV. Trong 2 năm 1948-1949, toàn tỉnh đẩy mạnh thi đua thanh toán nạn mù chữ, phổ biến phong trào BDHV và phát triển các trường phổ thông. Nhờ sự quyết tâm, nỗ lực hết mình, giáo dục Thanh Hóa đã có những tiến bộ đáng kể, đạt 102% về nhiệm vụ BDHV. Xã Vĩnh Khang, nay là xã Ninh Khang (Vĩnh Lộc) dẫn đầu phong trào thanh toán nạn mù chữ toàn miền Bắc, được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, được Hồ Chủ tịch gửi thư tuyên dương. Ngày 13-6-1957, Bác Hồ về thăm Thanh Hóa lần thứ hai. Nói chuyện với các đại biểu Nhân dân toàn tỉnh, Bác khen ngợi “bước đầu là BDHV, đồng bào Thanh Hóa cố gắng có kết quả tốt, ví dụ như xã Vĩnh Khang đã xóa xong nạn mù chữ, được Chính phủ khen ngợi”. Người căn dặn “nhưng phải cố gắng hơn nữa” và đạt “Giải thưởng thi đua của Hồ Chủ tịch dành cho BDHV”.
Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh có hơn 400 học sinh đoạt giải quốc gia các môn văn hóa THPT; 15 em đoạt huy chương Olympic khu vực và quốc tế. Đây là giai đoạn đạt thành tích rực rỡ nhất của Thanh Hóa trên đấu trường tri thức quốc tế từ trước đến nay. Tính riêng năm học 2021-2022, trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2021-2022, tỉnh Thanh Hóa có 76 thí sinh tham gia dự thi, kết quả đoạt 58 giải. |
Khắc ghi lời Bác dạy, trải qua những thăng trầm của lịch sử, đặc biệt là sau gần 40 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự chăm lo, quan tâm của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, sự nghiệp giáo dục Thanh Hóa không ngừng phát triển về mọi mặt, đạt nhiều thành tích đáng khích lệ và tự hào. Từ một tỉnh còn nhiều khó khăn, năm 1998, Thanh Hóa đã đạt chuẩn quốc gia về phổ cập và xóa mù chữ; hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi vào năm 2004; hoàn thành phổ cập giáo dục THCS năm 2006; năm 2018 đạt chuẩn phổ cập tiểu học mức độ 3. Hiện, 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi... Thanh Hóa có đủ các loại hình trường lớp từ nhà trẻ, mẫu giáo, trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học. Số lượng trường, lớp, loại hình đào tạo tăng nhanh và phủ kín các xã, phường trong tỉnh.
Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 2.000 trường học các cấp, trong đó có 1.644 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 81,15%; phòng học kiên cố, cao tầng tăng nhanh, đạt tỷ lệ 89%. Đội ngũ cán bộ, giáo viên có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, tâm huyết với nghề, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc. Đặc biệt, nhiều năm qua, toàn ngành đã cụ thể hóa việc học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng nhiều hoạt động, phong trào ý nghĩa, thiết thực, góp phần bồi dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức và năng lực cho cán bộ, giáo viên và học sinh cũng như tạo khí thế thi đua sôi nổi, qua đó nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các nhà trường. Từ việc học theo Bác, mỗi cán bộ, giáo viên luôn nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ, không ngừng tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới phương pháp giảng dạy; đoàn kết nhất trí, gắn bó với nhà trường, tận tụy với sự nghiệp “trồng người” đúng như lời dạy của Bác “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Mỗi học sinh luôn chăm ngoan, biết vượt khó để vươn lên, giúp đỡ nhau trong học tập, rèn luyện để cùng tiến bộ... Đây được xem là nền tảng quan trọng tạo chuyển biến mạnh mẽ cả về chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn.
Cô, trò Trường THCS Thành Hưng (Thạch Thành) trong giờ học.
Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh có hơn 400 học sinh đoạt giải quốc gia các môn văn hóa THPT; 15 em đoạt huy chương Olympic khu vực và quốc tế. Đây là giai đoạn đạt thành tích rực rỡ nhất của Thanh Hóa trên đấu trường tri thức quốc tế từ trước đến nay. Tính riêng năm học 2021-2022, trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2021-2022, tỉnh Thanh Hóa có 76 thí sinh tham gia dự thi, kết quả đoạt 58 giải, đạt tỷ lệ 76,32%, xếp thứ 6 toàn quốc. Cuộc thi khoa học - kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2021-2022, học sinh của Thanh Hóa đoạt 1 giải ba với Dự án “Các yếu tố gây nguy cơ trầm cảm của phụ nữ mang thai tại Việt Nam”. Tại cuộc thi Olympic Toán học quốc tế năm 2022 tổ chức tại Na Uy, em Nguyễn Đại Dương, học sinh lớp 12T2, Trường THPT Chuyên Lam Sơn đã xuất sắc giành HCB... Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, điểm trung bình các môn thi đạt 6,347 điểm, xếp thứ 27 toàn quốc, tăng 5 bậc so với năm 2021. Số điểm 10 đạt được của thí sinh thi tốt nghiệp và xét tuyển sinh là 411, xếp thứ nhất toàn quốc... Cũng trong năm học, việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, sách giáo khoa lớp 1, lớp 2, lớp 6 được các đơn vị tổ chức nghiêm túc đúng theo hướng dẫn. 100% giáo viên dạy lớp 1, lớp 2, lớp 6 được tập huấn đầy đủ; 100% đội ngũ thực hiện đầy đủ các Modul bồi dưỡng giáo viên theo quy định của Bộ GD&ĐT; việc thực hiện chương trình bảo đảm tiến độ, dạy học nội dung giáo dục tinh giản, cốt lõi, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt trong mọi hoàn cảnh.
Theo ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở GD&ĐT, đây là kết quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, của Bộ GD&ĐT, sự quan tâm, giúp đỡ, đồng thuận của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, sự phối hợp, kết hợp có hiệu quả của các sở, ban, ngành, đoàn thể, hội các cấp. Đặc biệt, Nhân dân Thanh Hóa vốn có truyền thống hiếu học, truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, luôn chăm lo và tạo điều kiện thuận lợi cho con em học tập; cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn đã quan tâm chỉ đạo, đầu tư đúng hướng, phù hợp với công cuộc đổi mới và xu thế phát triển của giáo dục và đào tạo trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Các cấp quản lý giáo dục đã bám sát nhiệm vụ chính trị và đặc điểm địa phương, tham mưu tích cực, có hiệu quả, tranh thủ được sự chỉ đạo, sự quan tâm về nhiều mặt của lãnh đạo các cấp để phát triển sự nghiệp GD&ĐT.
Đó cũng là kết quả của quá trình nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ của lớp lớp thế hệ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, của học sinh, sinh viên mọi thời kỳ. Đặc biệt, đội ngũ nhà giáo xứ Thanh luôn mang trong mình phẩm chất cao đẹp của nhà giáo Việt Nam: Yêu nước, thương nòi, cần cù chịu khó, tận tụy với nghề, giàu nghị lực vươn lên để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Khi đất nước gặp gian nguy, họ sẵn sàng trở thành người lính, lên đường tòng quân đánh giặc. Đất nước được hòa bình, họ trở về tiếp tục giảng dạy, say sưa với trang giáo án, đem sức lực, trí tuệ và tài năng cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”.
Bài và ảnh: Lê Phong
Theo https://baothanhhoa.vn