Doanh nhân Việt Nam và sứ mệnh phát triển kinh tế đất nước

Bức thư ghi dấu ấn Ngày Doanh nhân Việt Nam

Khi mới giành chính quyền, lập nên Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có cuộc gặp gỡ các nhà công thương Hà Nội ở Phủ Chủ tịch. Đến ngày 13/10/1945, Người viết thư một bức thư gửi các nhà công thương động viên họ tham gia Công thương cứu quốc đoàn. Bác viết: “Được tin giới công thương đã đoàn kết lại thành Công Thương cứu quốc đoàn và gia nhập mặt trận Việt Minh, tôi rất mừng. Hiện nay Công thương cứu quốc đoàn đang hoạt động để làm nhiều việc ích nước lợi dân, tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt”.

Bác Hồ với giới công thương Hà Nội, ngày 18/9/1945 tại Bắc Bộ Phủ.

Khẳng định vai trò, nhiệm vụ to lớn của giới doanh nhân, Bác viết: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng”.

Cũng trong bức thư, Bác nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan công quyền đối với sự nghiệp phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân: “Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong công cuộc kiến thiết”.

Coi trọng đội ngũ doanh nhân cũng như có tầm nhìn sâu rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh không máy móc, giáo điều, luôn coi trọng tư duy sáng tạo, sự nhạy bén của đội ngũ doanh nhân. Người đã có tư tưởng rất mới về kinh tế tư bản tư nhân và bản thân những nhà tư bản, Người chủ trương kêu gọi, thu hút các nhà tư bản phục vụ quốc gia, phụng sự cách mạng, Người nói “Còn giai cấp tư sản ở ta, thì họ có xu hướng chống đế quốc… cho nên, nếu mình thuyết phục khéo, lãnh đạo khéo, họ có thể hướng theo chủ nghĩa xã hội”(1).

Những lời động viên của Bác như những lời hiệu triệu các doanh nhân góp sức phát triển kinh tế trong bối cảnh của cuộc kháng chiến của dân tộc ta là toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính. Nhờ đó, nền kinh tế được vực dậy, việc sản xuất, giao thương phát triển. Các nhà tư sản, nhà buôn, điền chủ, địa chủ kháng chiến sẵn sàng ủng hộ, đóng góp cho kháng chiến, là chỗ dựa vật chất và tinh thần vững chắc cho tiền tuyến, góp phần tạo nên những chiến thắng, thống nhất nước nhà, giành độc lập, tự do hoàn toàn cho Tổ quốc vào ngày 30/4/1975 lịch sử.

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy giới công thương là lực lượng chính trong nền kinh tế trở thành quan điểm cơ bản của Đảng và Nhà nước ta. Cũng vì đó, ngày 20/9/2004, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg lấy ngày 13 tháng 10 hằng năm  là “Ngày doanh nhân Việt Nam” nhằm tôn vinh, thể hiện sự trân trọng những người đang nỗ lực xây dựng nền kinh tế, tài chính của đất nước hiệu quả. 

Doanh nghiệp là nòng cốt của nền kinh tế

Thực hiện lời dạy của Bác, tại Đại hội toàn quốc lần thứ VI, Đảng ta khởi xướng công cuộc đổi mới với chính sách kinh tế nhiều thành phần gồm kinh tế - xã hội chủ nghĩa, kinh tế cá thể, kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước và kinh tế tự nhiên ở vùng núi cao. Đảng ta đã thực hiện nhất quán chính sách phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, thời gian gần đây, quan điểm của Đảng về vai trò của kinh tế tư nhân ngày càng rõ ràng khi xác định “Phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững” trong Nghị quyết số 10-NQ/TW năm 2017 “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Đặc biệt, Đại hội XIII của Đảng thống nhất và nâng cao một bước nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; trong đó xác định: “... kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”. Bằng những định hướng đúng đắn, kinh tế Việt Nam không ngừng phát triển, GDP giai đoạn 2016-2019 đạt bình quân 6,8%/năm.

60 doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022.

Năm 2020, đại dịch COVID-19 tràn qua gây cực kỳ nhiều tổn thất cho kinh tế thế giới. Kinh tế Việt Nam cũng rơi vào khủng hoảng, giảm sâu nhất trong quý III/2021 (âm 6,02%). Tuy nhiên, bằng các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện của Nhà nước, sự nỗ lực của doanh nghiệp, kinh tế từng bước phục hồi từ quý IV/2021 và phục hồi mạnh mẽ từ đầu năm 2022 đến nay. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người nước ta đạt 3.560 USD, đứng thứ 7 khu vực Đông Nam Á, lọt vào Top 20 nền kinh tế có quy mô ngoại thương lớn nhất thế giới với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 668,5 tỷ USD. Không những thế, các doanh nghiệp đã thể hiện trách nhiệm xã hội của mình với khoảng 3 tỷ USD đóng góp cho việc phòng chống dịch bệnh.

9 tháng đầu năm 2022, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, GDP đạt hơn 8,83%; thu ngân sách Nhà nước đạt 94% dự toán, tăng 22%, hơn 163.000 doanh nghiệp được thành lập mới và hoạt động trở lại, tăng 38,6%, cao nhất từ trước đến nay. Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là một trong 4 quốc gia trên thế giới được Moody’s nâng bậc tín nhiệm.

Có được kết quả đó là do chúng ta đã khơi dậy được tinh thần và khát vọng phát triển của các chủ thể trong nền kinh tế thị trường, bằng các chính sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy nền kinh tế; các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã khẳng định sự lớn mạnh, vững vàng; đội ngũ doanh nhân thể hiện là một lực lượng có đủ năng lực, trí tuệ, có tinh thần yêu nước, có trách nhiệm với Tổ quốc, nhân dân.

Cân đối hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, quy mô doanh nghiệp nước ta còn nhỏ bé, kém xa so với khu vực và thế giới, chưa có nhiều doanh nghiệp trở thành tập đoàn đa quốc gia; hiệu quả hoạt động chưa cao. Số lượng và chất lượng đội ngũ doanh nhân vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước, còn nhiều doanh nhân thiếu kiến thức về pháp luật và kinh doanh, thiếu kinh nghiệm quản lý và tính chuyên nghiệp, còn bị động trong cạnh tranh và hội nhập.

Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực luôn có biến động bất thường, việc tăng cường khả năng chống chịu và tự cường của nền kinh tế luôn là mục tiêu hàng đầu, do đó, việc hỗ trợ để doanh nghiệp có cơ sở, nền tảng trụ vững và phát triển là mục tiêu mà Đảng và Nhà nước ta luôn hướng tới.

Để thực hiện mục tiêu mà Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề ra “Phát triển doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh trở thành nòng cốt của kinh tế đất nước, phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động; tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 55%; đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60 - 65%”, bên cạnh việc “trải thảm đỏ”, ưu đãi đối với doanh nghiệp cả về đất đai, thuế, tạo thuận lợi trong cấp giấy phép…, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quan trọng hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp vượt qua đại dịch. Tính đến tháng 8/2022, Chính phủ, các Bộ, cơ quan đã ban hành 15 văn bản cụ thể hóa các chính sách tại Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình.

Hỗ trợ để doanh nghiệp có cơ sở, nền tảng trụ vững và phát triển là mục tiêu mà Đảng và Nhà nước ta luôn hướng tới.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã ban hành các chính sách hỗ trợ thông qua giảm nhẹ nghĩa vụ tài chính, tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng và đảm bảo khả năng duy trì sản xuất cho doanh nghiệp, như chính sách ưu đãi thuế, giảm phí, lệ phí trong nhiều lĩnh vực, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất… Nhờ đó, đã góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo xu hướng phục hồi tính cực của các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước, bảo đảm nguồn cung tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Tại Lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam và tuyên dương doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022 diễn ra ngày 12/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp sức cùng với đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp không ngừng phát triển cả về lượng và chất, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trên tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường; cân đối, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Theo đó, Chính phủ tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo đi đôi với xây dựng bộ máy hoạt động tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp và sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Đồng thời, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tiếp cận bình đẳng với các nguồn lực phát triển; tạo điều kiện để khu vực kinh tế ngoài nhà nước tham gia thực hiện các dự án, công trình, xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội theo hình thức hợp tác công-tư; khơi dậy nội lực, khuyến khích mạnh mẽ sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân trong nước, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, công nghệ cao, công nghiệp công nghệ thông tin, hình thành các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế...

Với sự cam kết của Chính phủ, hy vọng các doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng vượt qua khó khăn, tạo đột phá cho phát triển doanh nghiệp, góp phần thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc như mong mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.

----------------- 

(1). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 390

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website