Điểm tựa thoát nghèo của đồng bào vùng biên giới Quảng Nam

Khu vực biên giới phía Tây tỉnh Quảng Nam là địa bàn chiến lược của Lực lượng vũ trang Quân khu 5 trong chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; là cửa ngõ cơ động quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ quốc tế, đối ngoại quốc phòng với nước bạn Lào và ngăn chặn các tổ chức phản động lưu vong xâm nhập vào nội địa chống phá cách mạng nước ta. Mặc dù khu vực này luôn được Tỉnh quan tâm đầu tư về nhiều mặt, tình hình kinh tế - xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên, quốc phòng, an ninh được giữ vững,… song, do địa hình chủ yếu là núi cao, rừng rậm nên đây vẫn là nơi có tốc độ phát triển chậm, kết cấu hạ tầng chưa bảo đảm, dân cư thưa thớt với trên 90% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, một số phong tục, tập quán lạc hậu vẫn còn tồn tại, cái đói, cái nghèo vẫn đeo đẳng một bộ phận đồng bào.

Là đơn vị kinh tế - quốc phòng đứng chân trên địa bàn, những năm qua, cùng với thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, Đoàn kinh tế - quốc phòng 207 phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, tích cực tham gia phát triển kinh tế, xã hội trên cơ sở bố trí lại dân cư theo quy hoạch sản xuất và mục tiêu lâu dài của quốc phòng, an ninh, góp phần từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, hình thành những cụm làng, xã biên giới, tạo vành đai biên giới trong thế trận quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc. Trong điều kiện địa bàn rộng, đóng quân phân tán, giao thông chia cắt; điện lưới, nước sạch, thông tin liên lạc khó khăn; nguồn vốn, phương tiện, thiết bị hạn hẹp, thiếu đồng bộ chưa đáp ứng được yêu cầu tiến độ của các dự án,... Đoàn đã tích cực, chủ động xây dựng, cải tạo kết cấu hạ tầng; ưu tiên xây dựng các công trình quan trọng, có tính cấp thiết, như: công trình giao thông, thủy lợi, khai hoang đồng ruộng, hệ thống cung cấp nước sinh hoạt, bệnh xá, trường học, trại giống và các công trình thiết yếu khác. Chú trọng tổ chức xây lắp các hạng mục công trình kết cấu hạ tầng của dự án nơi khó khăn, xa xôi hẻo lánh, giáp biên giới, kịp thời bảo đảm phục vụ đời sống nhân dân và đơn vị. Đến hết năm 2022, Đoàn đã hoàn thành 46 hạng mục công trình với giá trị hơn 102 tỉ đồng, đạt 41,45% nhu cầu tổng vốn đầu tư theo quy hoạch. Các hạng mục công trình hoàn thành bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng đã phát huy hiệu quả, góp phần từng bước thay đổi diện mạo kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội địa phương và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào vùng dự án.


Đoàn kinh tế - quốc phòng 207 cấp bò cho đồng bào vùng biên giới 

Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”1Đảng ủy, chỉ huy Đoàn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đề ra nhiều chủ trương, biện pháp sát với yêu cầu, nhiệm vụ, điều kiện thực tế của địa bàn, gắn với các nội dung, tiêu chí xây dựng nông thôn mới của địa phương. Điều đáng nói là Đoàn chủ động khảo sát, tìm hiểu, nắm tâm tư, nguyện vọng, tìm ra được những cái đồng bào cần; làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, từng bước làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho bà con, giúp họ làm giàu bằng chính nội lực của mình. Để đạt hiệu quả cao, Đoàn đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương mở các lớp tập huấn, cử cán bộ về trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; hỗ trợ cây giống, con giống, vật liệu xây dựng chuồng, trại, phân bón, dụng cụ nông nghiệp, thuốc thú y,... cho các hộ gia đình phát triển sản xuất. Thực hiện chủ trương: tập trung xây dựng các mô hình nhân rộng giảm nghèo để tạo ra vùng nguyên liệu có giá trị hàng hóa cao, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho đồng bào, góp phần thiết thực vào việc tham gia Chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững trên địa bàn, Đoàn đã tập trung chuyển đổi tư duy kinh tế tự cung, tự cấp sang kinh tế hàng hóa để kích thích phát triển sản xuất; đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình theo hướng sản xuất hàng hóa, khai thác tiềm năng, thế mạnh về đất đai, lao động nông nhàn để phát triển kinh tế, từng bước xóa đói, giảm nghèo, cải thiện chất lượng cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Trong thực hiện, Đoàn chú trọng “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn tỉ mỉ để bà con tuân thủ các tiêu chuẩn sản xuất nông sản sạch, hữu cơ, các quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xây dựng các mô hình khuyến nông, khuyến lâm kiểu mẫu; mạnh dạn đưa những giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất; xây dựng ngân hàng cây, con giống phục vụ nhân dân, góp phần tạo thêm việc làm tại chỗ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước hình thành và phát triển vùng nông sản mang tính hàng hóa, phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao thu nhập cải thiện đời sống, tạo động lực thúc đẩy sớm hoàn thành mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững trong vùng dự án. Đến nay, các mô hình trồng chanh không hạt, cam Vinh, bưởi da xanh, lúa nước, ngô lai, cỏ VA06, sắn KM 94, đẳng sâm, chuối cấy mô; chăn nuôi dê, lợn, nuôi bò nhóm hộ2 đã và đang phát huy hiệu quả thiết thực, cây trồng tăng trưởng, cho năng suất cao, số lượng vật nuôi tăng trưởng hằng năm khoảng 20% đến 25%, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá cao. Nhiều hộ đồng bào nghèo trực tiếp tham gia mô hình phát triển sản xuất vùng dự án đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên, chẳng những đủ cái ăn, cái mặc cho hôm nay mà còn tích lũy để thoát nghèo bền vững, có gia đình thu nhập bình quân từ 15 đến 20 triệu đồng/năm.

Cùng với đó, Đoàn phối hợp chặt chẽ để lồng ghép hiệu quả với các chương trình khác của địa phương, các dự án khác trong vùng, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh vùng biên giới. Trong đó, chú trọng phát huy vai trò xung kích, nhiệt huyết của đội ngũ trí thức trẻ tình nguyện thuộc Dự án tăng cường trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các khu kinh tế - quốc phòng, gương mẫu đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng mô hình sản xuất, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng cho nhân dân và tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh. Đoàn tạo điều kiện thuận lợi để các trí thức trẻ, trong đó có nhiều con em đồng bào dân tộc thiểu số phát huy những kiến thức đã được học để vận dụng vào thực tế, thực hiện ước mơ làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.

Để tạo đầu ra ổn định cho nông sản, Đoàn chủ động liên kết với các doanh nghiệp, các thương lái để bao tiêu sản phẩm; thường xuyên phối hợp với các cấp, ngành, địa phương tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp, như: hoạt động của Trung tâm thương mại, phát huy giá trị văn hóa phiên chợ vùng cao, mở các điểm thu mua ngay trên địa bàn để thực hiện dịch vụ cung - tiêu hai đầu phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho người dân; mở các gian hàng nông sản vùng cao ở các địa phương để giới thiệu, tiêu thụ nông sản, thực phẩm sạch của người dân. Nhờ đó, sản phẩm do người dân vùng Dự án Khu kinh tế - quốc phòng làm ra được tiêu thụ nhanh chóng, dần tạo được thương hiệu trên thị trường.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”3, Đoàn tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp hoạt động, đưa công tác dân vận đi vào chiều sâu; tập trung giáo dục cán bộ, nhân viên nâng cao nhận thức, ý thức sâu sắc về trách nhiệm, tình cảm đối với nhân dân, xây dựng quyết tâm thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Thường xuyên tuyên truyền vận động nhân dân trên địa bàn để bà con nắm được chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và mục tiêu, ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh của dự án đầu tư xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng, từ bỏ các hủ tục, tích cực phòng, chống văn hóa xấu độc, tệ nạn xã hội. Thực hiện phương châm “ba bámbốn cùng”4 để nói cho dân hiểu, làm cho dân tin, hướng dẫn để nhân dân làm theo, chủ động, kiên trì giúp nhân dân từng bước thay đổi nhận thức, phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Với việc 100% đầu mối các cơ quan, đơn vị trực thuộc Đoàn kết nghĩa với các xã, thôn trong vùng dự án đã góp phần thiết thực trong tổ chức sản xuất cũng như trong xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, xây dựng “thế trận lòng dân”, khu vực phòng thủ huyện vững chắc, xây dựng địa bàn an toàn, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đoàn còn tích cực tham gia các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào. Quan tâm, chăm lo thăm hỏi, hỗ trợ, động viên, tặng quà các đối tượng chính sách và nhân dân trong các dịp lễ, Tết; huy động nhiều nguồn lực để xây dựng Nhà tình nghĩa, Nhà đồng đội, Nhà đại đoàn kết tặng các đối tượng chính sách. Thường xuyên phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao với địa phương và các đơn vị đóng quân trên địa bàn; tổ chức các đợt chiếu phim lưu động về các thôn giáp biên nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống và xây dựng đời sống văn hóa mới. Trong thực hiện Chương trình kết hợp quân - dân y, ngoài việc khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, Đoàn chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức thực hiện nếp sống vệ sinh, phòng chống dịch bệnh và bỏ các thói quen sinh hoạt lạc hậu, thiếu khoa học, tạo chuyển biến trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vùng dự án và người dân các bản giáp biên giới của huyện Kà Lừm, Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông, Lào, thiết thực nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng, góp phần xây dựng và giữ vững bình yên và hữu nghị nơi giáp biên.

Mặc dù hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế của Đoàn chưa nhiều, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển, nhưng bước đầu đã tạo thêm việc làm tại chỗ, tăng thêm thu nhập cho người lao động, nhất là đồng bào địa phương trong vùng dự án, giúp bà con vươn lên thoát nghèo, bộ mặt các thôn, xã vùng biên giới Quảng Nam ngày càng khởi sắc. Đây là động lực để cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ của Đoàn kinh tế - quốc phòng 207 tiếp tục phấn đấu, nỗ lực, cống hiến để luôn là điểm tựa vững chắc giúp đồng bào thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

________________

1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 65.

2 - Phương thức nuôi bò theo nhóm hộ: cứ 10 hộ gia đình sẽ được giao 10 con bò để luân phiên nhau chăm sóc.

3 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 6, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 234.

4 - Ba bám: bám dân, bám địa bàn, bám cơ sở; Bốn cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào địa phương.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website