Trong tiềm thức của mỗi cán bộ, hội viên cựu chiến binh (CCB), việc học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thực hiện thường xuyên, lâu dài, bằng những phong trào thi đua sôi nổi, những việc làm cụ thể gắn với công tác hội và đời sống hằng ngày của cán bộ, hội viên.
Mô hình trồng cây ăn quả của cựu chiến binh Phạm Văn Hương, xã Vĩnh Hưng (Vĩnh Lộc).
Với tinh thần “Học Bác một đời, học Bác mãi mãi”, CCB Phạm Văn Hương, xã Vĩnh Hưng (Vĩnh Lộc) đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu vươn lên, trở thành tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế ở địa phương. CCB Phạm Văn Hương chia sẻ: “Là Bộ đội Cụ Hồ nên tôi nghĩ việc làm theo Bác phải thể hiện cụ thể bằng những hành động thiết thực. Xác định rõ điều này nên tôi đã không ngại khó, không ngại khổ mà sẵn sàng lăn lộn, đi tiên phong trong việc phát triển kinh tế gia đình và tôi đã thành công với hướng đi của mình”. Cũng như nhiều người dân địa phương khác, ông Hương bắt đầu làm kinh tế từ mô hình chăn nuôi lợn nhỏ lẻ. Khi đã có đủ kinh nghiệm và tích cóp đủ vốn, ông mạnh dạn phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp quy mô lớn. Cùng với chăn nuôi, ông cũng là người đi tiên phong trong phát triển cây có múi. Vượt qua nhiều khó khăn ban đầu, đến nay mô hình trồng cây ăn quả của ông có 600 cây bưởi da xanh, 250 cây bưởi Diễn, 200 cây mít Thái, 150 cây na cùng nhiều cây nhãn và ổi. Với công sức và đôi bàn tay lao động chăm chỉ, mô hình trồng trọt, chăn nuôi của gia đình CCB Phạm Văn Hương đã cho “quả ngọt” với thu nhập bình quân hơn 600 triệu đồng/năm.
Những năm qua, các tổ chức hội CCB cơ sở trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc đã đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương của Bác với nhiều việc làm phong phú. Ngoài quán triệt đến 100% cán bộ, hội viên, Hội CCB huyện Vĩnh Lộc đã xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện và cụ thể hóa tiêu chuẩn đạo đức người CCB theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hàng năm, mỗi cơ sở hội đều đăng ký những việc làm cụ thể theo gương Bác gắn với các phong trào thi đua ở địa phương, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, hội viên. Nổi bật nhất là phong trào “CCB đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống hội viên”. Qua đó đã khơi dậy tình đồng chí, đồng đội, tinh thần đoàn kết và ý chí nỗ lực vượt khó vươn lên trong mỗi cán bộ, hội viên. Vì thế, Vĩnh Lộc là một trong những huyện có nhiều CCB làm kinh tế giỏi, số hội viên nghèo của huyện giảm theo từng năm, số hội viên khá, giàu ngày càng tăng lên.
Tại huyện Hậu Lộc, việc học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã lan tỏa sâu rộng đến đông đảo cán bộ, hội viên ở cơ sở. Hằng năm, Thường trực Huyện hội đều xây dựng kế hoạch, triển khai hướng dẫn các cấp hội thực hiện Chỉ thị 05 gắn với công tác xây dựng tổ chức hội, lấy kết quả thực hiện Chỉ thị 05 là một trong những tiêu chí đánh giá xếp loại tổ chức hội. Là tổ chức của những người mang bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, Hội CCB huyện đã quán triệt và tổ chức cho cán bộ, hội viên thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu là kiên quyết bảo vệ các thành quả của cách mạng, góp phần làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; là lực lượng chính trị tích cực, đi đầu tham gia xây dựng và bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; tích cực tham gia các phong trào thi đua, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”... Các cấp hội trong huyện cũng đã xây dựng, tổ chức và thực hiện nhiều mô hình điển hình, cách làm hay thu hút đông đảo cán bộ, hội viên tham gia, như: “CCB hiến kế, hiến công, hiến đất, ủng hộ tiền xây dựng nông thôn mới”, “Hàng cây CCB”, “CCB giữ gìn an ninh trật tự”; hỗ trợ xây dựng “Nhà nghĩa tình đồng đội”... Qua các phong trào thi đua đã tạo được dấu ấn nổi bật của hội CCB trong đời sống xã hội.
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”, Hội CCB tỉnh đã phối hợp với Tỉnh đoàn thực hiện chương trình phối hợp “Tăng cường bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp, xung kích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Thực hiện chương trình phối hợp, các cấp hội CCB trong tỉnh đã nêu cao vai trò, trách nhiệm trong công tác giáo dục truyền thống, chủ nghĩa anh hùng cách mạng và truyền thụ kinh nghiệm cho thế hệ trẻ; đồng hành với thanh niên trong phong trào lập thân, lập nghiệp, phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của thanh niên trong sự nghiệp CNH, HĐH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, coi đó là một nhiệm vụ vẻ vang và là trách nhiệm, tình cảm của hội đối với thanh, thiếu niên - thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước. Trong nhiệm kỳ 2017-2022, các cấp hội CCB trong tỉnh đã tổ chức được 1.461 buổi nói chuyện truyền thống với 369.355 lượt đoàn viên, thanh niên, học sinh tham gia. Học tập tấm gương đạo đức của Bác về tình nhân ái, nghĩa đồng bào, phong trào làm theo lời Bác thực hành tiết kiệm để xây dựng nhà “Nghĩa tình đồng đội” giúp đỡ hội viên nghèo cũng được triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh. 5 năm qua, cán bộ, hội viên CCB trong tỉnh đã chung tay sửa chữa và xây dựng mới được 668 ngôi nhà “Nghĩa tình đồng đội” cho hội viên, với tổng số tiền hỗ trợ 23,5 tỷ đồng (làm mới 452 nhà, sửa chữa 216 nhà). Đây là điều rất đáng phấn khởi bởi cách làm đậm chất người lính đã giúp cho những hội viên CCB còn khó khăn về nhà ở ổn định cuộc sống trong những năm tháng còn lại của cuộc đời. Đặc biệt, nhiều mô hình như “Câu lạc bộ CCB giúp nhau phát triển kinh tế”, “Cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi hoàn lương”, “CCB chung sức xây dựng nông thôn mới”, “CCB bảo đảm an ninh trật tự”... do CCB thực hiện đã được nhân ra diện rộng, được cấp ủy, chính quyền địa phương biểu dương và đánh giá cao.
Để đưa việc học và làm theo Bác đi vào chiều sâu, các cấp hội CCB trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, qua đó đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Bài và ảnh: Tố Phương
Theo https://baothanhhoa.vn