(HCM.VN) - Thiết thực, kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2024), tối 17/11, tại Hà Nội, Học viện An ninh nhân dân phối hợp với Nhà hát Cải lương Việt Nam tổ chức chương trình nghệ thuật sân khấu sử thi “Nợ nước non” trong tác phẩm sử thi “Nước non vạn dặm”.
Một cảnh diễn trong vở cải lương "Nợ non nước"
Vở cải lương "Nợ nước non" do đạo diễn, TS. NSND Triệu Trung Kiên dàn dựng dựa trên tiểu thuyết cùng tên của tác giả PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.
"Nợ nước non" kết hợp giữa nghệ thuật sân khấu cải lương và một số loại hình nghệ thuật truyền thống khác như dân ca ví giặm xứ Nghệ; ca Huế; bài chòi và dân ca Nam bộ.
Bằng sự nghiên cứu lịch sử, văn hóa công phu, nghiêm túc; bằng sự trải nghiệm, tích lũy vốn sống tác giả PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ và đạo diễn, NSND Triệu Trung Kiên đã xây dựng hình tượng nhân vật, bối cảnh xã hội chân thực, sống động, giản dị, lôi cuốn người đọc, khán giả qua từng trang viết, màn diễn.
Vở Cải lương “Nợ nước non” tái hiện một phần trang sử xúc động, chân thực, cao đẹp về Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình, quê hương của Người, đất nước, nhất là tuổi trẻ của Người trước lúc ra đi tìm đường cứu nước.
Tặng hoa cho đạo diễn và tác giả buổi diễn
Vở diễn khắc họa xúc động hình tượng Nguyễn Sinh Cung, Nguyễn Tất Thành và các nhân vật khác trong không gian văn hóa các vùng miền từ Bắc tới Nam, đặc biệt là sự thay đổi, trưởng thành về nhận thức, lòng yêu nước, chí căm thù quân xâm lược, nung nấu quyết tâm tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành.
Không chỉ là ký ức lịch sử, vở kịch khắc họa, luận giải những yếu tố văn hóa, tư tưởng, lịch sử hun đúc, rèn dũa nên Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành - Văn Ba để Người có chuyến đi lịch sử vạn dặm từ quê nhà Nghệ An đến kinh đô Huế, đến bến cảng Sài Gòn, cho chuyến vượt trùng khơi cứu nước ngày 5/6/1911.
Vở Cải lương cũng cho thấy những người có tác động sâu sắc, mạnh mẽ đến tình cảm, nhận thức, tư tưởng, nhân cách của Nguyễn Sinh Cung khi sống và học tập tại Huế; là tấm gương yêu nước, thương nòi của vua Hàm Nghi, vua Thành Thái, vua Duy Tân, quan Thượng thư Đào Tấn, họa sĩ Lê Huy Miến (Lê Văn Miến) và trước đó mấy chục năm là nhà canh tân Nguyễn Trường Tộ…
Vở diễn do các nghệ sỹ của Nhà hát Cải Lương Việt Nam cùng các đơn vị tham gia biểu diễn, đã được công chiếu ở nhiều chương trình nghệ thuật tại nhiều đơn vị, địa phương trong cả nước và được trao tặng Giải thưởng Đào Tấn năm 2024.
Phạm Cường