Cô Tô, huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc là nơi vinh dự được đón Bác Hồ về thăm và cũng là nơi duy nhất trên dải đất Việt Nam được Bác đồng ý cho dựng tượng lúc Người còn sống. Hơn 60 năm kể từ ngày Bác ra thăm đảo, Cô Tô đang từng bước vươn mình trở thành đảo ngọc vùng Đông Bắc Tổ quốc như lời Bác dạy.
Các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm “Sưu tập chữ ký và bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh" trên đảo Cô Tô dưới chân tượng đài Bác.
Có lẽ ai từng một lần đặt chân đến Cô Tô, đứng trước tượng đài Bác đều trào dâng xúc động, lòng kính yêu và niềm tự hào vô hạn. Ngày 9/5/1961, khi miền Bắc còn ngổn ngang trong công cuộc tái thiết đất nước, miền Nam vẫn đang trong những ngày gian khổ để đấu tranh thống nhất nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra thăm đảo Cô Tô, động viên nhân dân trên đảo đoàn kết, xây dựng đảo ngày càng phát triển. Người căn dặn: “Thủ đô Hà Nội tuy cách xa các đảo nhưng Đảng và Chính phủ luôn luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết, cố gắng và tiến bộ”.
Sau thời điểm Bác ra thăm Cô Tô, cấp uỷ, chính quyền quân dân Cô Tô đã xin phép được dựng tượng Người trên đảo, để lúc nào cũng được nhìn thấy hình ảnh của Người. Và đề nghị này đã được Bác đồng ý. Đây cũng là địa danh duy nhất được Bác cho phép dựng tượng khi Người còn sống. Tới nay, Khu di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô, trong đó có tượng đài Bác đã được Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.
Trải qua hơn nửa thế kỷ, tượng Bác Hồ hướng ra Biển Đông luôn có một vị trí đặc biệt trong trái tim của những người dân huyện đảo nói riêng và cả nước nói chung. Thời gian lặng lẽ trôi, nhưng lòng kính yêu của đồng bào đối với Bác vẫn luôn đong đầy. Những nơi Người đã đi qua trên mảnh đất Cô Tô vẫn vẹn nguyên hơi ấm của Người: Cánh đồng muối Người đã từng đến thăm, bờ ruộng khoai nơi Người dừng lại xem thử khoai tốt hay xấu, khu nhà lưu niệm, nơi Bác gặp gỡ cán bộ, nhân dân huyện đảo... tất cả như khẳng định niềm tin mãnh liệt của quân và dân đảo Cô Tô vào Bác và tình yêu thương bao la của Bác đối với bà con nơi đảo nhỏ.
Di tích quốc gia đặc biệt “Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô”.
Từ một huyện đảo khó khăn nhất nước, nay Cô Tô đã được “kéo” gần bờ hơn, mang bóng dáng của một đô thị biển hiện đại. Hành trình 30 năm của ước vọng và khát khao đổi mới đã đưa Cô Tô vượt sóng.
Năm 2013, khi điện lưới quốc gia vượt gần 60km qua Vịnh Bái Tử Long chính thức thắp sáng huyện đảo tiền tiêu đã đánh dấu bước ngoặt mới. Có điện lưới, Cô Tô đã giải quyết được bài toán căn cơ để phát triển, đặc biệt là phát triển dịch vụ du lịch.
Hiện nay, cơ sở hạ tầng giao thông từ đất liền ra đảo và ngược lại đã rất thuận lợi, nhanh chóng, an toàn với trên 30 con tàu cao tốc các loại kết nối các bến cảng Ao Tiên, Cái Rồng, Tuần Châu, Vũng Đục ra Cô Tô. Tuyến bay thủy phi cơ Tuần Châu - Cô Tô cũng được đưa vào hoạt động, rút ngắn hành trình từ đảo tới đất liền nay chỉ còn 45 phút. Nước sinh hoạt được xử lý đảm bảo, hạ tầng giao thông được đầu tư, y tế, giáo dục được quan tâm phát triển... Những yếu tố này đã rút ngắn khoảng cách với đất liền, đặc biệt là mời gọi được người dân, doanh nghiệp ra làm kinh tế và xây dựng cuộc sống mới.
Cô Tô từ mảnh đất hoang sơ, nghèo nàn đến nay đã từng bước thay da đổi thịt, là huyện đảo đầu tiên trong cả nước được Chính phủ công nhận là huyện nông thôn mới. Tính đến cuối năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 115 triệu đồng/người/năm, cơ cấu kinh tế chuyển từ nông nghiệp sang dịch vụ. Phố xá thênh thang, những khách sạn, nhà hàng san sát với đa dạng loại hình dịch vụ. Dáng vóc vùng huyện đảo đang vươn lên vạm vỡ từng ngày, xứng với lời căn dặn lúc Người về thăm.
Nghi lễ thượng cờ Tổ quốc trên đảo Cô Tô.
Đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Cô Tô, công trình Cột cờ Tổ quốc linh thiêng với nguyên mẫu thiết kế và tỷ lệ 1:1 so với Cột cờ Tổ quốc tại Quảng trường Ba Đình đã được xây dựng phía trước tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo.
Cột cờ Tổ quốc được khởi công ngày 14/3/2022. Công trình do Trường Đại học Giao thông - Vận tải chủ trì và phối hợp cùng Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng và trao tặng huyện đảo. Nơi đây là vùng biển nhiều sóng gió nên bệ móng công trình được thiết kế vững chắc, bảo đảm chịu được gió bão cấp 12 với độ bền hơn 70 năm; hệ thống tời điện được lập trình để lá cờ được kéo lên đỉnh cột đúng bằng thời gian bài Quốc ca tại Quảng trường Ba Đình hay sử dụng cho các đại lễ của đất nước. Đặc biệt nhất, lá cờ Tổ quốc dùng trong Lễ thượng cờ được chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trân trọng trao tặng cho quân và dân Cô Tô.
Lá quốc kỳ thắm đỏ niềm tin yêu của vị lãnh tụ dân tộc đã vượt ngàn trùng đảo đá, về với đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Hơn 60 năm sau ngày đón Bác về thăm, khi những người con đất Việt đến với đảo, đứng dưới tượng đài Bác và cất cao lời hát Quốc ca, họ hướng về không chỉ là lá cờ đỏ sao vàng tươi thắm, mà còn là vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc giữa mênh mông trùng khơi.
Trải qua 60 năm, tượng của Bác vẫn đứng hiên ngang trước nắng, gió nơi đảo nhỏ thân yêu, tay Bác luôn vẫy chào hướng ra Biển Đông rộng lớn. Bên bóng người lồng lộng, lá quốc kỳ kiêu hãnh tung bay nơi gió biển điệp trùng. Những kỷ niệm về Bác vẫn được quân dân trên đảo trân trọng gìn giữ bằng tất cả tình cảm của mình. Cô Tô hôm nay đang ngày càng phát triển về mọi mặt, xứng đáng với những lời căn dặn của Bác, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Cô Tô quyết tâm đồng lòng, đoàn kết góp phần đưa Cô Tô trở thành “Hòn ngọc sáng” nơi tiền tiêu Đông Bắc của Tổ quốc.
Chu Tuân
Theo https://baoquangninh.vn