Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sống gần gũi, gắn bó với mọi tầng lớp nhân dân. Ở làng đảo Hà Nam, TX Quảng Yên, Quảng Ninh có những người nông dân đã coi việc gặp Bác là may mắn, là ân huệ lớn nhất trong cuộc đời mình.
Chúng tôi tìm về Quảng Yên gặp ông Dương Mạnh Chinh, nguyên chiến sĩ đơn vị B6, Tiểu đoàn D2, Công an vũ trang nhân dân Khu Hồng Quảng, hiện đang sống ở xã Cẩm La, để nghe kể về câu chuyện này. Ông Chinh kể lại: Năm 17 tuổi, tôi đã xung phong đi nghĩa vụ. Lực lượng công an vũ trang nhân dân lúc đó chọn những thanh niên khỏe mạnh, ngoại hình ưa nhìn đi huấn luyện rất gian khổ nhằm bảo vệ các yếu nhân về thăm địa phương và làm các nhiệm vụ đặc biệt khác. Đơn vị chúng tôi có một chiến sĩ nổi bật nhất, được mọi người chú ý, đó là anh Bùi Kim Lự. Anh Lự là người rắn rỏi, khỏe khoắn và rất đẹp trai. Anh ấy được lựa chọn để lái xe 3 bánh, một loại xe rất hiếm thời đó để chở lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo trung ương. Mỗi khi thấy xe thuyền, thời đó chúng tôi gọi xe 3 bánh này như thế, của anh đi ngang qua là cả phố nhìn theo, nhiều cô gái ngưỡng mộ anh Lự lắm. Vì thế mà anh Lự nhiều lần được lựa chọn đưa đón Bác Hồ, lãnh đạo trung ương khi các đồng chí về thăm Hồng Quảng, Quảng Ninh sau này.
Theo lời kể của ông Chinh, sáng 22/1/1962, Bác Hồ cùng với vị Anh hùng vũ trụ Liên Xô Ti-tốp đến Bãi Cháy bằng trực thăng xuống một sân bay nhỏ ở khu vực Bãi Cháy. Trước đó, biết tin bác về, khoảng 3 vạn người dân đã chờ sẵn đón Người từ sáng. “Chúng tôi được lệnh khảo sát, dò mìn nguyên cả khu vực Giao tế Bãi Cháy dự định là nơi Bác sẽ về, từ tuần trước. Sáng hôm đó, chúng tôi được lệnh khép vòng bảo vệ thành một lá chắn sống quanh khu vực máy bay trực thăng hạ cánh. Anh Lự được lệnh chạy xe đến bên máy bay để chở Bác.
Ông Trung coi bức ảnh của ông nội mình như báu vật
Tuy nhiên, các đồng chí công an ở trung ương đi cùng Bác đã bố trí phương án khác nên ra hiệu để anh Lự tránh ra. Anh Lự bất ngờ đang chưa biết xử lý thế nào thì Bác và Ti- tốp bước xuống. Bác nhanh chóng hiểu ngay vấn đề, Bác ôm vai anh Lự hỏi: Chú có vợ con chưa. Lự đáp mới có vợ chưa có con. Bác bảo Lự phải thương yêu vợ. Vừa nói Bác vừa lấy trong hộp 2 chiếc kẹo Luga đặt vào tay anh. Bác tặng 2 cái kẹo dặn anh Lự nhớ về đưa vợ một cái. Lự rưng rưng không ngờ lại được lãnh tụ ôm mình và cho kẹo nữa. Mặc dù 2 chiếc kẹo đó rất ngon nhưng Lự chẳng dám ăn để trưng đó đến 6 tháng sau, kẹo bị chảy nước ra mới thôi” - ông Chinh kể tiếp.
Lúc gặp Bác, anh chiến sĩ Bùi Kim Lự đã vô cùng cảm động được Bác bảo đứng bên Bác chụp ảnh chung. Bức ảnh cũng do Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Đinh Đăng Định chụp, gồm có Bác đứng giữa thân mật khoác vai anh Lự cùng Ti-tốp ngay trên bến phà Bãi Cháy.
Bỗng nhiên, từ xa xa tôi thấy một chiếc ca nô trắng chạy về khu vực Bác đang đứng với Lự. Giờ tôi đã hiểu phương án mà lãnh đạo đã bố trí là đưa Bác từ Bãi Cháy sang Hồng Gai bằng ca nô. Người lái ca nô đưa Bác qua Cửa Lục là cụ Nguyễn Huy Cửa. Đây là phương án rất an toàn vì ngay cả chúng tôi cũng không ai được biết. Còn anh Lự và chúng tôi xuống phà Bãi Cháy tiếp tục sang sân vận động Hồng Gai. Lực lượng công an vũ trang nhân dân chúng tôi đứng ngay chân khán đài để bảo vệ Bác và Ti-tốp.
Mọi người hào hứng khi được gặp Bác và Anh hùng vũ trụ Liên Xô nên hơi ồn ào. Bác Hồ liền gọi mấy cảnh vệ mang một chiếc bàn cho Ti-tốp đứng lên để diễn thuyết. Ngay lập tức, mọi người liền trật tự vì ai cũng muốn được nhìn rõ anh hùng Ti-tốp.
Bác Hồ và lãnh đạo khu Hồng Quảng thăm Vịnh Hạ Long bằng chiếc
ca nô của cụ Cửa. Ảnh tư liệu của ông Nguyễn Cảnh Loan
Ông Chinh đưa chúng tôi sang phường Phong Cốc gặp bà Ngô Thị Lai, vợ ông Bùi Kim Lự. Bà Lai kể: Ông nhà tôi được Bác Hồ bảo lên Hà Nội làm việc nhưng ông xin ở lại về xây dựng gia đình. Lúc đó gia đình tôi nghèo khó, con cái nheo nhóc đói kém lắm nên ông ấy muốn về quê làm ruộng. Bác Hồ bảo thôi về vài năm xây dựng quê hương rồi lên với Bác. Ông nhà tôi hứa với Bác. Nhưng đến năm 1969, Bác mất. Ông ấy ôm ảnh Bác khóc như mưa. Ông vừa thương nhớ, vừa ân hận vì không giữ được lời hứa với Bác.
Từ đó trở đi, dù nhà cửa có lụt lội bão gió đổ nát đến mấy nhưng ông Lự đều treo bức ảnh chụp với Bác Hồ ở nơi trang trọng nhất của gia đình mình. Bà Lai bùi ngùi: Rất tiếc sau khi ông ấy mất, bức ảnh cũng hư hại. Có một số người chụp được ảnh giờ tôi vẫn đau đáu đi tìm, xin lại để an ủi vong linh ông nhà và tỏ lòng hiếu kính của người nông dân Hà Nam với Bác.
Bà Lai tiếc nuối vì bức ảnh của chồng vinh dự được chụp với Bác Hồ đã bị hư hỏng
Ông Lự chỉ được gặp Bác có 1 lần nhưng cụ Cửa thì không chỉ năm 1962 mà còn nhiều lần khác nữa. Theo lời kể của ông Chinh, cụ Cửa sinh năm 1897 là ngư dân ở làng đảo Hà Nam nên rất thông thạo luồng lạch con nước. Do đi biển khó khăn để nuôi gia đình cụ đã phải xin vào làm nhân viên lái ca nô du lịch cho Pháp ở Khu mỏ Hồng Quảng. Năm 1955, sau khi Vùng mỏ giải phóng cụ Cửa quay lại với công việc đi biển, làm ruộng ở quê hương.
Ngày 20/3/1959, cụ Nguyễn Huy Cửa được Ủy ban hành chính khu Hồng Quảng cử lái chiếc ca nô nhỏ chở Bác Hồ và đồng chí Nguyễn Lương Bằng đi thăm Vịnh Hạ Long, thăm Tuần Châu. Hôm ấy cụ Cửa không ngờ và vô cùng khâm phục Bác Hồ khi Bác cầm vô lăng lái chiếc ca nô sao lại tài tình, thông thạo luồng lạch đến thế. Bác vừa lái vừa cười trông rất đẹp lão như một Tiên Ông. Cụ Cửa cứ ngẩn người ra ngắm nghía. Và cảm động hơn nữa khi nghỉ để thăm Vịnh, cụ được Bác mời ăn cơm cùng, dưới ca nô. Bác gắp thức ăn, động viên: “Chú hãy ăn thêm, ăn ngon cho khỏe để làm việc tốt, phục vụ nhân dân và Chính phủ!” Cụ ngắm nhìn Bác mãi, chẳng thiết ăn. Bác còn kể cho nghe câu chuyện “Cây khế vàng” khiến mọi người có mặt hôm đó rất vui. Bác còn tặng cụ và cụ bà quà và thuốc bổ...
Ông Nguyễn Huy Trung, cháu nội cụ Nguyễn Huy Cửa cũng sống ở phường Phong Cốc, kể: Năm tôi lên 5 tuổi, ông nội đưa cả gia đình ra Hòn Gai để được gặp Bác Hồ. Tôi nhớ mình còn được Bác Hồ xoa đầu và cho kẹo. Từ đó đến khi Người mất, năm nào Người cũng gửi quà về cho ông nội tôi. Trong trí nhớ non nớt của tôi hồi đó, Bác Hồ gần gũi như ông cha của mình.
Ông Trung thắp hương lên bàn thờ khấn vái rồi hạ xuống đưa cho tôi xem một bức ảnh đã hoen ố, bụi mờ thời gian. Dù vậy, tôi vẫn nhận ra hình ảnh một người đàn ông tóc bạc phơ đang dâng biếu bác một vật gì đó. Ông Chung bùi ngùi giải thích: Đó là bông hoa đá trồng trong một chậu sứ nhỏ dạng bon sai. Chả là hồi đó, ông nội tôi băn khoăn lắm vì được gặp Bác nhiều lần đưa đón Bác ăn cơm cùng Bác, lại được Người tặng quà nhiều lần nhưng gia cảnh nghèo khó không có gì tặng lại. Ông cụ bàn với người nhà rằng nhà chẳng có gì đáng giá chỉ có cây hoa đá là quý nhất. Thôi mình mang biếu Bác làm quà, cốt ở cái lòng thành kính với Bác. Và thực tế thì Bác Hồ đã rất vui và trân trọng món quà tặng nhỏ bé mà thơm thảo của một ông cụ ngư dân ở Quảng Yên năm đó.
Ông Trung bùi ngùi nhớ lại: Ông nội tôi mất năm 1980, thọ 83 tuổi. Cụ rất quý bức ảnh này cùng một số tặng vật của Bác kỷ niệm cho, lúc sinh thời. Trong giờ khắc lâm chung, cụ còn nhìn lên bức ảnh hồi lâu và dặn chúng tôi hãy giữ gìn cẩn thận như đồ gia bảo của gia đình...
Gần 60 năm, 2 người nông dân, ngư dân ở làng đảo Hà Nam gặp Bác đã qua đời. Thời gian cũng đã làm hư hỏng, ố mèm bức ảnh cùng hai tấm phim đen trắng. Nhưng khuôn mặt Bác Hồ vẫn tươi tắn như một ông tiên và những người trong ảnh vẫn còn nhìn được khá rõ. Ông Trung bảo bức ảnh dính chặt vào mặt kính, không thể bóc ra được để chụp lại. Nếu bóc sẽ bong mất mặt nhựa ảnh. Nâng bức ảnh trên tay, lòng ai cũng ngẩn ngơ nuối tiếc và cảm thấy mình như có lỗi với lịch sử, với những con người bình dị đã góp mặt vào câu chuyện xúc động này.
Ghi chép của Huỳnh Đăng
Theo http://www.baoquangninh.com.vn