Chủ tịch Hồ Chí Minh với phóng viên Đài Phát thanh Liên Xô Petr Aleshin

 

1. Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn về Ngày Quốc tế Lao động, ngày 27/4/1959

Bảo tàng Hồ Chí Minh hiện lưu giữ 08 ảnh tư liệu do nhiếp ảnh gia Đinh Đăng Định chụp tại Phủ Chủ tịch về sự kiện này. Đó là hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp gia đình đồng chí Aleshin cùng vợ và con gái; Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm cùng gia đình đồng chí Aleshin; Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm cùng gia đình đồng chí Aleshin. Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm cùng gia đình đồng chí Aleshin. Ảnh tư liệu

Những hình ảnh tư liệu đã ghi lại bối cảnh, cách thức tác nghiệp của phóng viên, ghi âm lời trả lời phỏng vấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay tại phòng khách nhỏ trong Phủ Chủ tịch, nơi Người thường tiếp thân mật các đoàn đại biểu quốc tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao đổi, xem xét nội dung trả lời kỹ lưỡng với phóng viên Aleshin trước khi ghi âm. Không chỉ làm việc rất nghiêm túc, từ các bức ảnh cũng toát lên không khí ấm áp, cởi mở, gần gũi của Người với gia đình phóng viên Aleshin. Rất tiếc, hiện nay chúng tôi chưa sưu tầm được tài liệu hay bài báo của Liên Xô đăng bài trả lời phỏng vấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và băng ghi âm tiếng nói của Người trả lời phỏng vấn hôm đó.

2. Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài Phát thanh Mátxcơva nhân dịp năm mới 1960.

2.1. Thư của đồng chí Aloshin gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 01/12/1959 .

Năm 1959, trên thế giới đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng. Đó là những tiến bộ nhảy vọt về mọi mặt của phe xã hội chủ nghĩa đứng đầu là Liên Xô, sự phát triển sôi nổi của phong trào giải phóng dân tộc ở châu Phi và châu Mỹ La tinh, thành công rực rỡ của Liên Xô trong việc nghiên cứu và chinh phục vũ trụ. Cuối năm 1959, nhân dịp sắp tới năm mới 1960, đồng chí Aloshin đã gửi thư cho Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị được phỏng vấn Người. Thư đánh máy, tiếng Việt, 1 trang, cuối thư có chữ ký của đồng chí Aloshin và ghi “01/12/59” bằng bút máy mực xanh. Trong thư ông viết: “Nhân dịp đầu năm 1960, Đài Phát thanh Mạc - tư - khoa có ủy nhiệm tôi yêu cầu Đồng chí cho thính giả Liên Xô và thế giới biết:

1) Theo ý đồng chí trong năm 1959 trên thế giới có sự kiện nào quan trọng đang đề cập đến nhiều nhất.

2) Xin đồng chí cho biết một vài ý kiến về triển vọng của tình hình thế giới trong năm 1960”.

Điều đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bức thư và viết dàn ý bài trả lời phỏng vấn ngay phần lề phải của thư. Dàn bài được Người viết bằng bút bi đỏ, chủ yếu bằng chữ Trung Quốc và một vài chữ tiếng Việt. Nội dung lược dịch như sau: “Chúc Xô lãnh tụ, nhân dân Liên Xô, chúc phong trào cộng sản, xã hội chủ nghĩa càng đoàn kết càng tiến bộ; Khoa học - mặt trăng, Thăm - hòa bình, các nước xã hội chủ nghĩa Xô - Trung; Triển vọng hòa bình”.

2.2.  Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng chí Aloshin.

Thư gồm 2 trang (1 tờ) giấy kẻ ngang cỡ 19cm x 21cm. Bản viết tay của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng bút mực xanh đen và bút tích sửa bằng bút bi đỏ. Đầu thư Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Nhờ chú dịch những câu sau này ra chữ Nga. Rồi hôm nào chúng ta sẽ nói vào radio”. Sau đó Người viết nội dung trả lời phỏng vấn trên cơ sở dàn ý đã nêu ở phần trên gồm 3 phần:

- Lời chúc mừng gửi đến các đồng chí lãnh đạo Đảng và Chính phủ Liên Xô cùng toàn thể nhân dân, các cháu thanh thiếu niên nhi đồng nhân dịp năm mới 1960.

- 4 sự việc quan trọng nhất trong năm 1959 theo ý của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

- Triển vọng của tình hình thế giới năm 1960 sẽ rất sáng sủa, lạc quan.

Trên đây là những hình ảnh và tài liệu về hai sự kiện trong số những lần gặp gỡ giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và phóng viên Aleshin mà Bảo tàng Hồ Chí Minh đang lưu giữ.

Do thông tin về nhân vật này lưu tại Kho Cơ sở Bảo tàng còn quá ít, chú thích cho ảnh và tài liệu cũng có sự khác nhau về tên gọi và chức danh. Chú thích ảnh ghi đồng chí Alôsin, đại diện Thông tấn xã Liên Xô tại Việt Nam, tài liệu lại ghi là đồng chí Aloshin, phóng viên đài phát thanh Mátxcơva tại Việt Nam. Cũng không tìm thấy một bài viết, hay dòng hồi ký nào từ phía Việt Nam cũng như phía Liên Xô trước đây (nay là Liên bang Nga) về ông; mối quan hệ giữa ông và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vậy phóng viên Aloshin là ai? Tên họ đầy đủ là gì? Ở Việt Nam thời gian nào? Đã thực hiện bao nhiêu cuộc phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh?… Đó là những câu hỏi chưa tìm được lời giải đáp.

Với mong muốn tìm hiểu, bổ sung thông tin cho những tài liệu, hình ảnh quý giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh với phóng viên Aloshin, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã nhờ một phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam tại Mátxcơva tìm hiểu và xác minh. Sau một thời gian nỗ lực tìm kiếm, ông đã tìm được địa chỉ nhà riêng của phóng viên ở vùng ngoại ô Mátxcơva, đến tận nhà gặp và trò chuyện với người con gái của phóng viên (Chính là cô bé trong ảnh chụp với Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1959).

Nhà báo Liên Xô có tên gọi đầy đủ là Petr Petrovich Aleshin, sinh ngày 28/9/1922. Sau khi tốt nghiệp Đại học chuyên ngành tiếng Việt, ông làm việc tại Ủy ban Phát thanh - Truyền hình Liên Xô, sau đó làm việc tại các cơ quan: Hãng thông tấn APN, tiền thân của Hãng thông tấn Ria Novosti (nay là Hãng thông tấn nước Nga ngày nay) và Nhà xuất bản Tiến bộ trước khi về nghỉ hưu năm 1995. Nhà báo Petr Petrovich Aleshin mất ngày 22/4/2005, thọ 83 tuổi.

Ngôn ngữ tiếng Việt, văn hóa Việt Nam và tình cảm gắn bó của ông với đất nước con người Việt Nam, đặc biệt với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam là những dấu ấn quan trọng và ý nghĩa nhất trong cuộc đời và sự nghiệp làm báo của ông. Nhà báo Petr Petrovich Aleshin sống và làm việc ở Việt Nam từ năm 1957 đến năm 1960 với tư cách là phóng viên thường trú của Đài Phát thanh toàn Liên bang Xô Viết tại Việt Nam, sau đó đã nhiều lần trở lại Việt Nam với tư cách khác nhau. Ông nói giỏi tiếng Việt, am hiểu sâu sắc về truyền thống, văn hóa, lịch sử văn học Việt Nam, đặc biệt về cả võ thuật và y học cổ truyền phương Đông. Đến Việt Nam trong những năm đầu tiên xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, ông đã đặt chân đến nhiều địa phương của miền Bắc Việt Nam, ghi lại những hình ảnh chân thực về không khí lao động sản xuất của nhân dân miền Bắc cũng như cuộc sống thường ngày của họ, tham dự vào hầu hết các sự kiện quan trọng trong quan hệ Việt - Xô, có mối quan hệ thân thiết với Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam thời kỳ đó.

Trước khi sang Việt Nam công tác, ông đã vinh dự được làm phiên dịch cho Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị các Đảng Cộng sản và Công nhân quốc tế ở Mátxcơva tháng 11/1957. Về sự kiện này có ảnh tư liệu: Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại khóa họp Xô Viết tối cao Liên Xô nhân kỷ niệm 40 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, ngày 06/11/1957 (hình ảnh ông đứng trên bục ngay cạnh phía sau Chủ tịch Hồ Chí Minh phiên dịch cho Người). Trong thời gian công tác tại Việt Nam, ông đã nhiều lần tới Phủ Chủ tịch để tiếp kiến và phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều lần tháp tùng và phiên dịch cho các nhà lãnh đạo Liên Xô sang thăm và làm việc với Người và các nhà lãnh đạo của Việt Nam. Năm 1961, Pert Aleshin tham gia nhóm phiên dịch cho Đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu dự Đại hội XXII Đảng Cộng sản Liên Xô tại Mátxcơva.

Ngày 21/8/2014, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã trân trọng tiếp nhận bản sao sưu tập 19 ảnh tư liệu về hoạt động của một số đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam, trong đó có 06 ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh do bà Elena Petrovna, con gái của phóng viên Aleshin gửi tặng thông qua phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam tại Mátxcơva.

Những ảnh tư liệu có hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh mà gia đình tặng là: Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng chí Trường Chinh, ngày 01/01/1955; Chủ tịch Hồ Chí Minh khiêu vũ với Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô K. E. Voroshilov trong chuyến thăm Việt Nam, tháng 5/1957; Chủ tịch Hồ Chí Minh tiễn Chủ tịch Voroshilov tại sân bay Gia Lâm, ngày 24/5/1957; Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi làm việc tại dàn hoa phía sau vườn Phủ Chủ tịch, ngày 25/6/1957; Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại khóa họp Xô Viết tối cao Liên Xô nhân kỷ niệm 40 năm Cách mạng Tháng Mười, ngày 06/11/1957; Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm cùng gia đình đồng chí Aleshin tại Phủ Chủ tịch, ngày 27/4/1959. Ảnh tư liệu do gia đình phóng viên tặng là những bức ảnh chụp ở góc độ khác so với những ảnh tư liệu về các sự kiện trên hiện đang lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Những ảnh chụp chân dung các đồng chí lãnh đạo Việt Nam, đều có ghi lời ký tặng đồng chí Aleshin như: Chân dung đồng chí Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt và một số ảnh đồng chí Aleshin phỏng vấn đồng chí Tôn Đức Thắng, Hoàng Quốc Việt... Đây cũng là những tư liệu quý, góp phần minh họa cho cuộc đời hoạt động của các nhà lãnh đạo Việt Nam, tăng cường và củng cố tình hữu nghị Việt - Xô.

Trên cơ sở các tài liệu gốc hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh và mới được gia đình nhà báo tặng lại gợi mở cho Bảo tàng có thể tiếp tục sưu tầm các tài liệu, hiện vật có liên quan như: Bản sao bản chính thức bức thư được gửi đến Đài Phát thanh Mátxcơva tại Hà Nội; Bản dịch tiếng Nga do ông Aleshin dịch theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh; băng ghi âm tiếng nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh; ảnh tư liệu chụp về sự kiện này.

Câu chuyện về đồng chí Aleshin, phóng viên Đài phát thanh Liên Xô và mối quan hệ thân thiết của ông với Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong nhiều câu chuyện đầy ý nghĩa, minh chứng sinh động cho tình cảm lớn lao của Người dành cho những người bạn Liên Xô, những phóng viên báo chí bình thường như đồng chí Aleshin./.

Chu Thị Ngọc Lan

Theo Bảo tàng Hồ Chí Minh


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website