(HCM.VN) - 70 năm qua, Chiến dịch Biên giới 1950 đã đi vào trang sử vẻ vang của dân tộc, những những chỉ đạo chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với hình ảnh Người trực tiếp chỉ đạo chiến dịch tại trận địa vẫn gây nên sự xúc động mạnh mẽ trong lòng mỗi người dân Việt Nam, tạo nên sức thuyết phục về hình ảnh Người anh hùng dân tộc – Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh – linh hồn của Chiến dịch
Nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng một phần vùng biên giới phía Bắc, phá thế bao vây của địch, tiến tới giành quyền chủ động về chiến lược trên chiến trường chính Bắc Bộ, tháng 6/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng quyết định mở Chiến dịch Biên giới, mang mật danh Chiến dịch Lê Hồng Phong II. Bộ Chỉ huy Bộ Chỉ huy Chiến dịch do Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Uỷ viên Thường vụ Trung ương Đảng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngày 12/8/1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị cho các cấp Đảng bộ lãnh đạo quân dân địa phương đánh địch mạnh để tiêu hao lực lượng địch, kiềm chế địch, phối hợp với “một chiến dịch lớn” do Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh trực tiếp chỉ đạo; do Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lệnh phát động, đồng thời phát động trong toàn quốc tuần lễ “thi đua giết giặc lập công”.
Từ cuối tháng 8/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra mặt trận cùng Bộ Chỉ huy Chiến dịch trực tiếp chỉ đạo chiến dịch. Người kiểm tra kế hoạch tác chiến, xem xét công tác chuẩn bị hậu phương, theo dõi kịp thời diễn biến của chiến dịch, góp những ý kiến chỉ đạo và động viên cán bộ, bộ đội, dân công.
Do quy mô của Chiến dịch tương đối lớn, có nhiều lực lượng tham gia, trên địa bàn rộng, rừng núi hiểm trở, lại xa căn cứ hậu cần của ta, nên việc chuẩn bị, bảo đảm cho Chiến dịch rất khó khăn. Thấy trước được điều đó, trong Hội nghị Quốc phòng (ngày 2/9), Bác Hồ đã đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo tiếp tế cho Chiến dịch Biên giới và chỉ thị cho các lực lượng tham gia Chiến dịch: “Chiến dịch Cao-Bắc-Lạng rất quan trọng. Chúng ta quyết đánh thắng trận này”. Ngày 9/9/1950, Người ra Lời kêu gọi đồng bào ba tỉnh Cao - Bắc - Lạng: “Đồng bào hãy tiến lên làm gương kiểu mẫu cho nhân dân toàn quốc, giúp cho Chiến dịch được thắng lợi".
Thực hiện Lời kêu gọi của Bác, hàng vạn đồng bào các dân tộc Cao Bằng rời nhà lên đường đi chiến dịch, làm dân công hỏa tuyến bạt núi, mở đường, bắc cầu, vận chuyển lương thực, đạn dược phục vụ chiến dịch.
Ban đầu, ý định tác chiến của Bộ chỉ huy Chiến dịch là đánh Cao Bằng trước, sau đó chuyển xuống đánh Đông Khê, Thất Khê. Nhưng sau khi phân tích tình hình, Trung ương Đảng và Bác Hồ quyết định đánh Đông Khê để mở màn Chiến dịch. Phân tích chủ trương đánh Đông Khê, Người chỉ rõ: "Ta đánh vào Đông Khê là đánh vào nơi quân địch tương đối yếu, nhưng lại là vị trí rất quan trọng của địch trên tuyến Cao Bằng - Lạng Sơn. Mất Đông Khê, địch buộc phải cho quân đi ứng cứu, ta có cơ hội thuận lợi tiêu diệt chúng trong vận động". Tại Chiến dịch này, lần đầu tiên ta huy động một lực lượng lớn gồm một đại đoàn và 2 trung đoàn chủ lực cơ động của Bộ ba tiểu đoàn chủ lực của Liên khu Việt Bắc và các đơn vị bộ đội địa phương, dân quân du lích hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn.
Cuối tháng 8, đầu tháng 9 năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường đi Chiến dịch Biên giới, trực tiếp chỉ đạo chiến dịch. Trên đường đi, ghé thăm một đơn vị thanh niên xung phong làm đường phục vụ chiến dịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng thanh niên bốn câu thơ:
“Không có việc gì khó,
Chỉ sợ lòng không bền,
Đào núi và lấp biển,
Quyết chí ắt làm nên”.
Ngày 13/9, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Sở Chỉ huy chiến dịch để đến Mặt trận Đông Khê, trực tiếp theo dõi bộ đội đánh trận mở màn chiến dịch. Người chỉ thị cho bộ đội: "Dù khó khăn đến đâu cũng kiên quyết khắc phục đánh cho kỳ thắng trận đầu". Đêm 16/9, quân ta bất ngờ tấn công cứ điểm Đông Khê. Sau 2 ngày chiến đấu ác liệt, quân ta đã tiêu diệt hòan toàn cụm cứ điểm Đông Khê. Ngay lúc này, Người vạch ý đồ tác chiến của ta là "nhử thú vào tròng" để "khép vòng lưới thép" tiêu diệt chúng. Tiếp đó ta truy kích và bắt gọn quân địch rút chạy từ Cao Bằng. Ngày 8/10/1950, quân ta tiêu diệt hai binh đoàn ứng cứu của Pháp.
Trong những ngày truy kích địch, Bác Hồ trực tiếp theo dõi diễn biến và chỉ đạo trận mở màn Chiến dịch tiêu diệt cụm cứ điểm Đông Khê tại đài quan sát Chiến dịch, liên tục gửi nhiều thư, điện động viên bộ đội. Như được tiếp thêm sức mạnh, bộ đội ta nhất tề xông lên tiêu diệt địch, giành chiến thắng vang dội.
Sau 29 ngày chiến đấu ở vùng biên giới (từ 26/9-4/10), ta đã tiêu diệt và bắt sống gần 8.300 địch, tiêu diệt 10 tiểu đoàn, thu trên 3000 tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh, giải phóng hoàn toàn khu vực biên giới từ Cao Bằng đến Đình Lập (Lạng Sơn). Phối hợp với chiến dịch Biên giới, quân và dân ta tăng cường chiến đấu ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ. Tính chung cả nước ta đã tiêu diệt 12.000 tên địch, giải phóng 5 thị xã, 13 thị trấn và nhiều vùng rộng lớn.
Hình ảnh “Bác Hồ ra chiến dịch”
Đây là lần đầu tiên ta mở một chiến dịch tiến công lớn thắng lợi đánh vào một tuyến phòng thủ mạnh của địch. Chiến dịch đã làm phá sản kế hoạch Rơ-ve, khiến ý chí xâm lược của Thực dân Pháp bị lung lay. Ta mở được đường giao thông quốc tế nối liền Việt Nam với các nước xã hội chủ nghĩa sau 5 năm bị đế quốc bao vây. Căn cứ địa Việt Bắc được mở rộng và củng cố, đường liên lạc giữa Việt Bắc với đồng bằng Bắc Bộ và Liên khu IV được thông suốt.
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đài quan sát trận đánh mở màn của bộ đội ở Đông Khê trong Chiến dịch Biên giới (1950). |
Thắng lợi này đã mở ra bước ngoặt quan trọng chuyển cuộc kháng chiến của ta từ hình thái chiến tranh du kích lên chiến tranh chính quy, đánh dấu bước trưởng thành lớn của Đảng trong lãnh đạo và chỉ đạo chiến tranh, đưa cuộc kháng chiến bước vào giai đoạn ta nắm quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính Bắc Bộ, chuyển hẳn sang liên tục tiến công địch, tiến lên giành nhiều thắng lợi to lớn.
Thắng lợi của Chiến dịch Biên giới đã thể hiện rõ tư duy chiến lược, nghệ thuật quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị tư lệnh tối cao trong Chiến dịch, củng cố lòng tin của các tầng lớp nhân dân vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến.
Sau khi Chiến dịch Biên giới kết thúc, Người đã trực tiếp đi thăm chiến trường Đông Khê, Thất Khê; thăm hỏi và động viên các thương binh, các đơn vị tham gia chiến dịch, thăm dân công, gửi thư gửi thư cám ơn và khen ngợi đồng bào Cao - Bắc - Lạng. Trong niềm vui chiến thắng, Người không quên nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ và nhân dân: “Không vì thắng lợi mà kiêu căng, chủ quan, khinh địch, chúng ta phải nhớ rằng: trong toàn cuộc trường kỳ kháng chiến thì thắng lợi này mới chỉ là bước đầu. Chúng ta cần phải đánh thắng nhiều trận gay go hơn, to tát hơn nữa, mới đi đến thắng lợi hoàn toàn”.
Thấm nhuần lời dạy sâu sắc của Người, cùng với khí thế của chiến thắng Biên giới 1950, quân và dân ta đã anh dũng tiến lên chiến đấu và giành được thắng lợi to lớn hơn trong giai đoạn tiếp theo của cuộc kháng chiến, mà quan trọng là trong chiến cuộc đông xuân 1953-1954 với đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ.
Với mỗi quyết định, chỉ đạo Chiến dịch của Bác thể hiện một tư tưởng quân sự vĩ đại, một cái đầu nhạy bén trước những biến động của lịch sử; mỗi lời động viên, khích lệ của Bác với nhân dân thể hiện sự gần gũi, tin tưởng, yêu thương.
Việc Người ra chỉ đạo tại mặt trận làm cho mọi người càng thấm sâu ý nghĩa quan trọng của Chiến dịch, là lời động viên mạnh mẽ nhất, xúc động nhất lan truyền trong sâu thẳm toàn thể đội ngũ dân công, bộ đội tham gia Chiến dịch, góp phần động viên, khích lệ chiến sĩ giết giặc lập công.
Những chỉ đạo sáng suốt, nhạy bén của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như những hình ảnh Bác Hồ ra trận trong Chiến dịch trở thành hình ảnh đẹp đẽ, thiêng liêng, có sức hiệu triệu mạnh mẽ để mỗi người dân sẵn sàng hiến dâng sức người, sức của, sẵn sàng hy sinh hết thảy vì chủ quyền non sống. Những quyết định sáng suốt đó, sự động viên kịp thời đó góp phần làm nên thắng lợi của Chiến dịch Biên giới 1950. Điều đó càng thể hiện được tính đúng đắn của đường lối kháng chiến mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn “toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính”.
Nguồn tham khảo: Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, tập 4.
Thương Huyền