Chủ tịch Hồ Chí Minh với báo chí quốc tế

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn nhà báo L’Unita của Đảng Cộng sản I-ta-li-a, ngày 12-5-1959. (Ảnh tư liệu)

Theo “Hồ Chí Minh toàn tập” do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật biên soạn và phát hành năm 2011, từ khi nước nhà giành độc lập năm 1945 tới khi Người qua đời vào năm 1969, Bác trả lời phỏng vấn báo chí hơn 130 lần! Điều đó cho thấy Bác hiểu thấu tới mức nào tác động của nhánh “quyền lực thứ tư” này đối với công luận vì theo Người, “Một tờ báo có ảnh hưởng trong dân chúng rất mạnh, có thể giúp Chính phủ rất nhiều” (Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội - 2011, t.4, tr. 465). Điều này nhắc nhở chúng ta rằng, không nên né tránh, trái lại nên tích cực, chủ động tiếp xúc với báo chí, coi báo chí là một trợ thủ đắc lực trong quan hệ công chúng, là một kênh cực kỳ quan trọng trong việc chuyển tải đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước tới công chúng trong và ngoài nước, phản bác những luận điệu xuyên tạc, vu khống.

Đọc kỹ nội dung Bác Hồ trao đổi với báo chí ta có thể học được rất nhiều điều không chỉ về tư tưởng, quan điểm mà còn cả về kỹ năng thể hiện và cách đối đáp cực kỳ sắc sảo và vô cùng linh hoạt. Ta hãy lẩy ra đây một số thí dụ. Bác luôn kiên trì khẳng định ý chí mạnh mẽ, quyết tâm sắt đá giữ vững nền độc lập và sự thống nhất của nước nhà cũng như quyền tự do, hạnh phúc của nhân dân dưới các dạng rất khác nhau, khi cương, khi nhu: “Dân Việt Nam có một ý muốn rất bình thường là muốn độc lập”, “tự do độc lập là quyền trời cho của mỗi dân tộc… Dân Việt Nam muốn hòa bình, nhưng vì vận mệnh của Tổ quốc, của giống nòi, thì sẽ kháng chiến đến cùng, kháng chiến đến thắng lợi”…

Để tăng tính thuyết phục đối với công chúng, Bác thường lẩy ra những sự việc, những điển tích, những châm ngôn gần gụi với người dân của quê hương nhà báo. Thí dụ, khi trả lời phóng viên hãng thông tấn Pháp AFP, Bác nói “Nam Kỳ cùng một tổ tiên với chúng tôi, tại sao Nam Kỳ lại không muốn ở trong đất nước Việt Nam? Người Baxcơ (Basques), người Brơtôn (Breton) không nói tiếng Pháp mà vẫn là người Pháp. Người Nam Kỳ nói tiếng Việt Nam, tại sao lại còn nghĩ đến sự cản trở việc thống nhất nước Việt Nam?” (Người Basques, là các nhóm người thiểu số sống ở khu vực tây nam nước Pháp giáp với Tây Ban Nha và người Breton ở khu vực tây bắc nước Pháp gần với nước Anh - tác giả). Để vạch trần thực dân Pháp cậy sức mạnh vu cáo ta gây chiến theo kiểu “cả vú lấp miệng em”, Bác gợi ý phóng viên hãy nhớ lại câu chuyện ngụ ngôn của văn hào Pháp La Phông-ten (La Fontaine) - về “Con chó sói và con cừu” với nội dung là con sói làm đục suối nhưng lại đổ vấy cho con cừu và đòi ăn thịt con cừu.

Khi nói về các thế lực ngoại xâm thì Bác luôn thể hiện rất đanh thép nhưng khi nói về đất nước và nhân dân các nước đó, Bác lại dùng những ngôn từ đầy thiện cảm. Tổng kết chuyến thăm Pháp năm 1946, Bác nói: “Đối với nước Việt Nam, đa số dân Pháp cũng tỏ ra có cảm tình, rất nghiêng về nền độc lập của ta. Lý lẽ của họ rất đơn giản nhưng cũng rất sâu xa: Nước Pháp muốn dân chủ, không có lý gì lại muốn cho nước khác và nước Việt Nam không dân chủ; nước Pháp muốn độc lập và suốt bốn năm trời đã phấn đấu và hy sinh nhiều để cố giữ lấy độc lập, không có lý gì lại muốn nước Việt Nam không được độc lập”.

Nhiều chủ trương, đường lối lớn của nước ta Bác đã thể hiện rất “đời thường”, ngắn gọn, súc tích, có ý nghĩa như phương châm lâu dài chỉ đạo hành động. Thí dụ khi nói về mối quan hệ giữa thế và lực trong ngoại giao, Bác thể hiện: “Phải trông ở thực lực. Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”. Hay khi trả lời nhà báo Mỹ S.Ê-li Mây-si (S.Elie Massie), hãng International News Service, vào tháng 9-1949 về chính sách đối ngoại của Việt Nam, Bác khẳng định chính sách đó là “Làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”. Trong một dịp khác, khi trả lời nhà báo Ấn Độ Va-xi-đép Rao vào tháng 5-1947 Bác nói rõ: “Thái độ nước Việt Nam đối với những nước Á châu là một thái độ anh em, đối với ngũ cường là một thái độ bạn bè” (Ngũ cường: Ý nói tới năm nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Liên Xô trước đây, Mỹ, Anh, Pháp và Trung Quốc - tác giả).

Một nghệ thuật khác khi trả lời phỏng vấn mà Bác sử dụng là cách nói ẩn dụ, đưa ra những lập luận ẩn ý có phần hóm hỉnh... Thí dụ, trong một cuộc họp báo vào ngày 12-7-1946 ở Pa-ri, Pháp, khi được hỏi về việc nước ta có quốc hữu hóa doanh nghiệp của Pháp không, Bác trả lời: “Chúng tôi không quốc hữu hóa không điều kiện; chúng tôi không tịch thu không của người nào cả”, khi phóng viên gặng hỏi: Nếu cần phải quốc hữu hóa thì sẽ quốc hữu hóa những doanh nghiệp nào? - thì Người đáp lại rằng: “Những doanh nghiệp nào dùng vào việc chế tạo bom nguyên tử”(!).

Đối với người trả lời phỏng vấn thì khó nhất là cách ứng phó đối với những câu hỏi móc máy: khước từ trả lời là hạ sách vì sẽ thể hiện sự lúng túng của mình, nổi đóa lên càng không có lợi vì dễ rơi vào thế yếu, Bác đã né tránh khéo léo những cái bẫy người phỏng vấn giăng ra, đồng thời phản bác bằng những lập luận sắc bén dưới hình thức lấp lửng, dí dỏm. Thí dụ, trong những năm đầu sau Cách mạng Tháng Tám, vì lý do sách lược, Đảng ta rút khỏi hoạt động công khai và một số nhà báo quốc tế đã tìm cách khẳng định việc Bác theo đuổi chủ nghĩa cộng sản để từ đó cô lập nước ta. Tại cuộc họp báo quốc tế năm 1946 nói trên, một nhà báo hỏi: “… chúng tôi nghe nói Chủ tịch tuyên bố rằng Chủ tịch có xu hướng cộng sản, nhưng có phải Chủ tịch cho rằng nước Việt Nam chưa có thể cộng sản hóa được trước một thời hạn là 50 năm không?”. Đáp lại Bác nói: “Tất cả mọi người đều có quyền nghiên cứu một chủ nghĩa. Riêng tôi, tôi đã nghiên cứu chủ nghĩa Các Mác. Cách đây 2.000 năm, Đức Chúa Giêsu đã nói là ta phải yêu mến các kẻ thù của ta. Điều đó đến bây giờ vẫn chưa thực hiện được. Còn khi nào thì chủ nghĩa Các Mác thực hiện thì tôi không thể trả lời được. Muốn cho chủ nghĩa cộng sản thực hiện được, cần phải có kỹ nghệ, nông nghiệp và tất cả mọi người đều được phát triển hết khả năng của mình. Ở nước chúng tôi, những điều kiện ấy chưa có đủ”. Qua câu trả lời ấy, Bác không công khai thừa nhận nhưng không phủ định việc mình theo chủ nghĩa cộng sản bằng cách nói rằng mình là người “nghiên cứu chủ nghĩa Các Mác”, đồng thời Người giới thiệu mục tiêu cuối cùng của chủ nghĩa cộng sản về trình độ phát triển của lực lượng sản xuất cũng như nguyên tắc “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”, còn Việt Nam chưa đủ điều kiện chứ không phải không đi theo chủ nghĩa cộng sản.

Hoặc đáp lại lập luận có ý khiêu khích của một nhà báo khi ông ta khẳng định Pháp không muốn điều đình với Việt Nam vì điều đó sẽ tạo điều kiện cho Liên Xô đặt chân tại Việt Nam, Bác sử dụng chiến thuật “phòng ngự để tiến công”: “Đấy chỉ là một cớ để nói. Nước Nga Xô-viết không có trước năm 1917. Nhưng mà nền đô hộ của Pháp ở Việt Nam đã có từ trên 80 năm nay!”.

Một nét độc đáo khác của Bác là sử dụng cách nói đời thường, dân dã, gần gũi với mọi người nhưng ẩn chứa hàm ý sâu xa như “Muốn gánh được nặng, phải chịu được khó nhọc”, “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa tai nhau”, “Tôi chỉ có một điều ham muốn là làm cho Tổ quốc tôi được độc lập, thống nhất, dân chủ. Bao giờ đạt được mục đích đó tôi sẽ trở về làm một người công dân du sơn ngoạn thủy, đọc sách, làm vườn”…

Trên đây, chỉ xin đưa ra đôi ba cảm nghĩ về kỹ năng đặc biệt của Bác Hồ trong khi trả lời phỏng vấn của báo chí. Trong một xã hội rộng mở và hội nhập với bên ngoài, phải thường xuyên tiếp xúc với các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước như hiện nay, chúng ta rất cần chú tâm học tập nghệ thuật giao tiếp với báo chí của Bác. Điều này thật không dễ vì làm sao có thể vươn tới chiều cao về trí tuệ, chiều sâu về văn hóa Đông - Tây - Kim - Cổ, sự lão luyện về nghề nghiệp như Người được! Mặc dầu vậy, trong khuôn khổ “học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” chúng ta vẫn phải cố phấn đấu, trong trường hợp này là vận dụng Sáu điều Người dạy các cán bộ cách mạng từ năm 1926:

“1/Phải sử dụng ngôn ngữ thích hợp với đối tượng.

2/Phải chọn cách thức thu hút người nghe, biết dắt dẫn người nghe.

3/Nội dung diễn thuyết dễ hiểu.

4/Bài diễn thuyết phải thích hợp với hoàn cảnh.

5/Phải có những chứng cớ, ví dụ rõ ràng.

6/Trong mọi hoàn cảnh, diễn giả phải trung thực, không xuyên tạc”.

(Hồ Chí Minh: Tiểu sử, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội - 2010, tr. 188).

Tuy những lời dạy trên liên quan tới diễn thuyết song hoàn toàn phù hợp với cách trả lời phỏng vấn báo chí.

VŨ KHOAN

Theo báo Nhân dân điện tử 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website