Cán bộ Đồn Biên phòng Hướng Lập, BĐBP Quảng Trị tặng cờ Tổ quốc cho đồng bào Vân Kiều (xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị). Ảnh: CTV
Năm 1968, khi đang là chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang làm nhiệm vụ trên giới tuyến Vĩnh Linh, tôi có dịp đi cùng đoàn khảo sát của Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang, phục vụ cho công tác hoạch định biên giới đoạn Bắc Hướng Hóa đến giáp tỉnh Quảng Bình. Cụ Hồ Tơ là người địa phương thông thuộc địa hình được đoàn mời đi.
Cụ Hồ Tơ là một đảng viên lão thành tiêu biểu, là hạt giống đỏ cách mạng đã gieo xuống vùng đất nghèo khó, để nơi đây mọc lên những cây lim, cây sến sừng sững, hiên ngang giữ đất, giữ rừng nơi biên giới. |
Đêm ấy, tôi được tiếp chuyện với cụ Hồ Tơ trong ngôi nhà sàn người Vân Kiều ở trên địa phận tỉnh Quảng Bình. Bà con Vân Kiều từ xa xưa sinh sống dọc hai bên dãy Trường Sơn, quan hệ không chỉ dân tộc mà còn thân tộc. Cụ Hồ Tơ tiết lộ trong câu chuyện kể đầy khiêm tốn, nhưng tôi vẫn biết cụ mang ơn cán bộ Việt Minh, người đã dạy cụ học “chữ Bác Hồ” - chữ quốc ngữ từ những ngày đầu cách mạng. Do vậy, cụ Tơ nói sõi tiếng Kinh và đọc được sách, báo. Đó cũng là lý do để cụ giác ngộ cách mạng sớm và vinh dự là một trong những người Vân Kiều đầu tiên trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Tôi cũng được biết, Hồ Ai (con trai trưởng của cụ Hồ Tơ) là một trinh sát giỏi của Công an nhân dân vũ trang Vĩnh Linh, nguyên là Khu ủy viên của Đảng ủy Đặc khu Vĩnh Linh. Sau một thời gian hoạt động, Hồ Ai trở thành Đồn trưởng Đồn Cù Bai ở quê hương mình.
Hồ Thị Oi (con gái thứ của cụ Hồ Tơ), nguyên là Chủ tịch UBND xã Hướng Lập, người phụ nữ Vân Kiều đầu tiên làm lãnh đạo xã, cũng là người phụ nữ Vân Kiều đầu tiên cầm cày điều khiển con trâu mộng lật những tảng đất màu mỡ, trước sự ngạc nhiên đến sững sờ của đông đảo dân bản và cán bộ địa phương, khởi đầu cho sự đổi thay lối canh tác “phát cốt, đốt trỉa” lạc hậu lâu đời và mở ra phương pháp cấy lúa nước sau này. Hồ Thị Oi cày được rẫy, làm được cán bộ lãnh đạo cũng là nhờ BĐBP dạy cho cái chữ…
Khi say chuyện về dân tộc mình, cụ Hồ Tơ cho biết: Từ xa xưa, người Pa Kô - Vân Kiều có các họ: Xôôm, mù Krôông, mù kẽq, mù raluôq, Asớp; người Pa Kô các dòng họ Akiêng, Apát, tângcoal, Kray. Nhưng hơn 80 năm đô hộ của thực dân Pháp và chế độ phong kiến làm cho đồng bào đến nỗi họ của mình cũng quên, năm sinh cũng chẳng nhớ, chỉ tính theo mùa rẫy. Trai gái lấy nhau có sinh, mà không có dưỡng, sinh năm bảy mà chỉ nuôi được một hai là may mắn rồi do đói rách, bệnh tật.
Nâng chén rượu, cụ Hồ Tơ nhìn tôi với đôi mắt trìu mến như thể người thân, rồi ngửa người dốc cạn để làm tin, thả giọng trầm ấm của già bản nhiều năm uống rượu và hút thuốc lá nặng. Cụ Hồ Tơ nói tiếp: “Người Pa Kô-Vân Kiều mình mang ơn Bác Hồ, mang ơn cách mạng, mang ơn BĐBP nhiều lắm, được học chữ, lại được Bác Hồ cho mang họ, thật là vinh dự”.
Đêm biên giới càng khuya càng tĩnh lặng hoang sơ, nghe cụ Hồ Tơ kể chuyện, tôi không kìm được xúc động và thấu hiểu sâu sắc tình cảm của Bác Hồ, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam dành cho đồng bào Pa Kô-Vân Kiều. Khi cách mạng còn trứng nước, thù trong, giặc ngoài, Bác đã dạy: Có ba thứ giặc dân tộc ta phải chống đó là: “Giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm”. Cụ Hồ Tơ giải thích rành rọt như nguyên bản lời của cán bộ Việt Minh. Nhưng giặc dốt, theo già, là rất nguy hiểm vì ngu dốt không biết chữ thì suốt đời sống trong tăm tối. Rồi cụ Tơ nhắc lại lời dạy của Bác Hồ mà cán bộ Việt Minh đã truyền dạy cụ: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu!”.
Cụ Hồ Tơ kể cho tôi nghe về những lớp học bình dân, học vụ thời kháng chiến lấy tán lá rừng làm mái trường, tảng đá làm bàn viết, đuốc lồ ô thay đèn dầu, mỗi người dân thi đua nhau học chữ. Theo cụ, biết đọc, biết viết là đọc được sách, báo, tiếp thu được đường lối cách mạng để theo Bác Hồ làm cách mạng. Cụ quả là một người Vân Kiều đầy nghị lực, lại được cán bộ cách mạng từ mặt trận Việt Minh ngày trước và sau này là BĐBP tuyên truyền, giác ngộ.
Ở xã Linh Thượng, nhiều thanh niên Vân Kiều nhờ học chữ đã trưởng thành như: Hồ Chuồn, Hồ Cốt, Hồ Sáu, Hồ Vinh, Hồ Dòng… Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ có những người trở thành sĩ quan trong QĐND Việt Nam như: Hồ Vai, Hồ Kan Lịch (người Pa Kô), Hồ Ai, Hồ Đàm, Hồ Đại Số, Hồ Mường (người Vân Kiều). Cùng với đó, nhiều người đã trở thành cán bộ các ban, ngành, đoàn thể như: Hồ Ray tham gia cách mạng rồi trưởng thành sớm, sau này đảm nhiệm chức vụ Bí thư Huyện ủy Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
Con gái của Hồ Ray là Hồ Thị Hồng, nguyên là Chủ tịch UBND huyện Đakrông. Ông Hồ Hăng, nguyên là Khu ủy viên khu Vĩnh Linh, một trong 3 thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội khóa III, ở huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Ông vinh dự nhiều lần được gặp Bác Hồ. Ngoài ra, còn có ông Hồ Vê với hơn 20 năm làm Bí thư Đảng ủy xã, vinh dự tham gia Đoàn đại biểu Dân - Chính - Đảng khu vực Vĩnh Linh do đồng chí Hồ Sỹ Thản, Bí thư Khu ủy làm trưởng đoàn được gặp Bác Hồ ngày 16/6/1957.
Bây giờ, cụ Hồ Tơ đã đi xa, nhưng khát vọng của cụ và các thế hệ người Pa Kô-Vân Kiều đã thành hiện thực. Đó chính là khát vọng của Bác Hồ, lãnh tụ vô cùng kính yêu của dân tộc. Người muốn cho nước ta được độc lập, dân ta được tự do, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Bây giờ, phụ nữ dân tộc Pa Kô-Vân Kiều đi làm rẫy không còn chân đất mà có giày, có tất, có khăn che mặt lúc nắng gió. Bà mẹ Vân Kiều lên rẫy biết dùng điện thoại di động liên lạc với con, cháu. Điện lưới quốc gia nay đã lên tận non ngàn. Trước đây, mới có thủy điện, nay đã có điện gió, điện mặt trời, tạo nên nguồn năng lượng vô vùng phong phú cho đất nước. Những diện tích vườn cà phê, cao su, chuối và các loại cây ăn quả khác đã được chăm sóc dưới bàn tay của người dân Pa Kô-Vân Kiều theo khoa học và công nghệ thời kỳ hiện đại - thời kỳ công nghệ 4.0
Các thế hệ người Pa Kô-Vân Kiều mang nặng công ơn Bác Hồ, công ơn cách mạng, không những được học chữ của Bác mà còn được vinh dự lấy họ Hồ của Bác làm họ của mình. Những làng bản Pa Kô-Vân Kiều từ Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ, Vĩnh Linh, Gio Linh… đang đổi mới từng ngày, mở ra cuộc sống ấm no, hạnh phúc, văn minh trên quê hương cách mạng.
Nguyễn Minh Châu
Theo https://www.bienphong.com.vn