(HCM.VN) - Tỉnh Nghệ An và tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Cầu truyền hình “Làng Sen nuôi chí lớn”. Chương trình tái hiện những năm tháng ấu thơ và thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh là Kim Liên – Nam Đàn – Nghệ An và Trường Quốc học Huế - Thành phố Huế.
Đây là chương trình nghệ thuật đặc biệt nhân Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2024). Chương trình được tiếp sóng bởi 43 đài Phát thanh – Truyền hình trong cả nước.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có 10 năm sống ở quê hương Nam Đàn (Nghệ An) và 10 năm sống ở cố đô Huế (từ năm 1895 - 1901 và từ năm 1906 - 1909). Nghệ An là mảnh đất chôn nhau cắt rốn, gieo mầm yêu nước với cậu bé Nguyễn Sinh Cung, còn Huế là nơi cậu bé Nguyễn Sinh Cung tiếp cận tri thức phương Tây, được gặp gỡ nhiều thầy giáo và các bậc trí giả lớn của thời đại, mở mang tầm mắt, trở thành người thanh niên Nguyễn Tất Thành nuôi chí lớn tìm con đường giải phóng cho đất nước, tự do cho nhân dân.
Bối cảnh ngôi nhà cụ Hoàng Xuân Đường - ông ngoại Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Cụm di tích Hoàng Trù ở đầu cầu Nghệ An
Cầu truyền hình “Làng sen nuôi chí lớn” đầu cầu Nghệ An được thực hiện ngay tại ngôi nhà cụ Hoàng Xuân Đường - ông ngoại Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Cụm di tích Hoàng Trù đã tạo nên bối cảnh và hình ảnh chân thực về thủa ấu thơ của Bác. Ở đầu cầu Huế, Trường Quốc học Huế là bối cảnh thực gắn với thời gian Bác học tập ở đây, tạo nên những hình ảnh vô cùng gần gũi và xúc động về cuộc đời của Bác.
Cầu truyền hình được chia thành 3 phần: Phần 1 “Nếp nhà” tái hiện sự tác động của quê hương, gia đình trong việc hình thành nhân cách và chí hướng cách mạng của Người. Phần 2 “Nỗi đau nước mất nhà tan” phác thảo lại thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Huế với những mất mát của người dân dưới mũi giày xâm lược. Phần 3 “Khởi nguồn chí lớn” kể lại quá trình phát triển nhận thức, bước chuyển trong tư tưởng cứu nước của người thanh niên Nguyễn Tất Thành thông qua việc tiếp xúc với nhiều nhà nho yêu nước, các nhân sĩ tiến bộ. Trong 110 phút thời lượng, chương trình là những thước phim tư liệu quý giá, những ca khúc nổi tiếng mang đậm âm hưởng Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh và ca Huế viết về Bác.
Các nghệ sĩ tại điểm cầu trường Quốc học Huế (Thừa Thiên Huế)
Ngoài ra, Chương trình cũng được lồng ghép với sự giao lưu của các nhà nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh xung quanh cuộc đời và sự nghiệp của Bác, từ đó tạo nên câu chuyện cảm xúc, có chiều sâu về hành trình ấu thơ và thời niên thiếu của Người, giúp người xem cảm nhận rõ nét, chân thực hơn về những mảnh đất gắn bó với Bác cũng như sự hình thành nên bậc vĩ nhân, danh nhân văn hóa thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh vô vàn kính yêu của dân tộc ta.
TH