Bác Hồ và những lần về với Đền Hùng

“Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”

 

Bác Hồ gặp gỡ, nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên phong tại Đền Giếng. (Ảnh tư liệu)

Tháng 9 năm 1954, các trung đoàn thuộc Đại đoàn 308 đang hành quân về tập kết gần Hà Nội bỗng có lệnh triệu tập một số cán bộ từ đại đội trở lên đi gặp cấp trên nhận chỉ thị.

Sáng 19/9/1954, cán bộ Đại đoàn đã đến Đền Giếng. Đồng chí Đại đoàn phó Vũ Yên tập hợp bộ đội. Cửa Đền Giếng mở, Bác Hồ từ trong nhà bước ra. Mọi người reo lên: “Bác Hồ! Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Bác vẫy tay ra hiệu cho mọi người tiến lên, ngồi quanh mình. Rồi Bác cũng ngồi ngay xuống bậc cửa đền. Cũng như mọi lần, cuộc gặp gỡ của Bác với cán bộ Đại đoàn 308 vô cùng thân mật, gần gũi và giản dị. Bác cháu quây quần bên nhau.

Trong tiết thu, trời mát, Bác mặc bộ quần áo nâu, áo khoác ngoài màu sáng, chân đi dép cao su. Bác vừa hỏi:

- “Các chú có mệt không?”,

Mọi người đã đồng thanh đáp:

- “Thưa Bác, không ạ!”.

Chỉ tay lên đền, Bác hỏi:

- “Các chú có biết đây là nơi nào không? Đây chính là Đền thờ Vua Hùng, tổ tiên chúng ta, người sáng lập nước ta. Bác cháu ta gặp nhau ở đây là rất có ý nghĩa. Ngày xưa, các Vua Hùng dựng nước, nay Bác cháu ta là những người giành lại đất nước. Trải qua bao nhiêu thời đại đấu tranh, ông cha ta mới giữ được Thủ đô. Tám, chín năm nay, do quân và dân ta kiên quyết kháng chiến nên mới có thắng lợi trở về Hà Nội. Các chú được Trung ương, Chính phủ giao nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô là được nhận một vinh dự rất lớn”.

Bác căn dặn cán bộ, chiến sĩ vào tiếp quản Thủ đô phải giữ nghiêm kỷ luật, giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ tính mạng tài sản của nhân dân, chống mọi hành động phá hoại của kẻ thù. Phải bảo vệ công thương nghiệp, kể cả công thương nghiệp của ngoại kiều. Bộ đội phải giúp đỡ nhân dân, tuyên truyền giải thích cho nhân dân, không được làm điều gì phiền nhiễu nhân dân, sao cho từ cụ già đến em bé đều quý mến, tin tưởng. Giữ gìn phẩm chất bộ đội cách mạng. Không sa ngã, bắt chước lối sống không tốt. Cán bộ phải gương mẫu, gần gũi chiến sĩ, đoàn kết thương yêu nhau.

Bác nói về tình hình nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Bác nhắc nhở quân đội không vì hòa bình mà lơi lỏng tay súng. Còn đế quốc ở miền Nam ta còn phải xây dựng miền Bắc, giải phóng miền Nam. Nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc còn rất nặng nề. Bác nói: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Lời nói ấy Bác cất lên từ Đền Hùng trở thành một lời hịch thiêng liêng của non sông đất nước, âm vang trong tâm hồn mỗi người con đất Việt ở khắp mọi miền, với mọi thế hệ. Lời căn dặn của Bác không chỉ nói với Đại đoàn 308 mà còn nói với toàn quân, toàn dân với các thế hệ người dân Việt Nam.

“Ðã đi, phải tới đích”

Ngày 19/8/1962, Bác Hồ về thăm Ðền Hùng lần thứ hai. Buổi sáng, Bác nói chuyện với đồng bào tại sân vận động thị xã Phú Thọ nhân kỷ niệm 17 năm ngày Cách mạng Tháng Tám. Sau đó, Bác đi thăm Hợp tác xã Nam Tiến, Nhà máy Su-pe phốt-phát Lâm Thao. Gần trưa Bác lên thăm Ðền Hùng. Cùng đi với Bác có ông Nguyễn Văn Trân, Bí thư Trung ương Ðảng, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng; Nguyễn Khai, Ủy viên dự khuyết Trung ương Ðảng và một số vị lãnh đạo tỉnh Phú Thọ.

Gần trưa lên đến Ðền Hạ, trời nắng nóng, thấy Bác tuổi già, áo lấm thấm mồ hôi, cán bộ văn phòng đem chiếu ra định rải chiếu mời Bác ngồi. Bác biết ý, hỏi:

- Các chú định làm gì?

Cán bộ văn phòng phải nói thật sợ Bác mệt, rải chiếu để Bác nghỉ và khuyên Bác xuống núi. Bác nói:

- Leo núi chưa đến đỉnh đã xuống, thế là các chú làm cách mạng nửa vời rồi.

Bác nói tiếp:

- Như vậy là leo núi phải lên đến đỉnh. Cũng như người làm cách mạng, không được bỏ nửa chừng. Ðã đi, phải tới đích.

Trên đường lên Ðền Thượng, gặp một tốp bộ đội đi xuống, Bác hỏi có mấy cấp, mấy bậc. Không ai trả lời được. Bác nhắc quân sự là phải quan sát địa hình.

Lên đến Ðền Thượng, núi cao, cây cối um tùm, gió đông nam mát mẻ. Bác hỏi:

- Thế các chú thấy ở đây có mát không?

Mọi người đều trả lời là mát. Rồi Bác nói tiếp:

- Nếu không leo lên đến đỉnh núi (Ðền Thượng) thì mục tiêu chuyến đi không đạt được và làm sao được hưởng không khí trong lành và mát mẻ như thế này.

Buổi trưa hôm ấy, Bác nghỉ trưa và ăn cơm ở cửa ngách phía Đông Nam Ðền Thượng. Bữa cơm thật thân mật, đầm ấm tình Bác cháu cha con. Bác có cơm nắm, trứng hấp, cà pháo và thịt kho. Bác mời cán bộ tỉnh cùng ăn. Ðồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ thưa với Bác:

- Bác về thăm Phú Thọ, chúng cháu lại được ăn ké cơm của Bác.

Trong chuyến đi này, Người đã dặn dò cán bộ lãnh đạo và nhân dân Phú Thọ “chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm, đẹp đẽ, để Đền Hùng thành công viên cho con cháu sau này tham quan”.

Đền Hùng hôm nay

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng Ba”

Lễ hội Đền Hùng diễn ra chính hội vào ngày 10/3 Âm lịch hằng năm.

Tháng 3 âm lịch đã đến, câu ca đó như một lời nhắc nhở con dân nước Việt luôn luôn nhớ về Tổ tiên, về cội nguồn, nhắc chúng ta nhớ đến những lời căn dặn của Bác kính yêu. Những lời dạy đó như lời “hiệu triệu” vang vọng khắp núi sông, thúc giục mỗi người dân Đất Việt nối tiếp truyền thống cha ông, góp sức mình xây dựng đất nước phát triển, vững mạnh, mãi mãi trường tồn.

Với những ý nghĩa văn hóa, lịch sử to lớn, trong những năm qua, Đền Hùng luôn được quan tâm đầu tư, tôn tạo, xây dựng Khu Di tích lịch sử Đền Hùng ngày càng tôn nghiêm, khang trang hơn, xứng tầm là nơi thờ tự Tổ tiên của cả nước. Các công trình nhà trưng bày, lưu niệm trong khuôn viên Khu Di tích được đầu tư, xây dựng bề thế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của đồng bào ta khi đến tìm hiểu, tham quan học tập.

Hơn nữa, thực hiện lời dạy của Bác, các đồi trọc ở đây đều được trồng cây xanh, tạo nên môi trường sinh thái mát mẻ cho toàn khu vực. Vườn hoa, cây cảnh được trồng theo quy hoạch với nhiều loại cây quý dọc theo các đường dạo, trục hành lễ, sân lễ hội, xung quanh nhà bảo tàng, nhà làm việc của cơ quan và bao quanh các hồ nước, tạo nên cảnh sắc thiên nhiên hấp dẫn đối với đồng bào khi về thăm viếng mộ Tổ.

“Đã đi, phải tới đích” - Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã và đang tích cực trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội vì mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" đúng như những mong ước khi sinh thời của Bác kính yêu./.

Giỗ Tổ Hùng Vương năm Nhâm Dần năm 2022 do Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức có chủ đề “Linh thiêng nguồn cội, Đất Tổ Hùng Vương” gắn với kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Giỗ Tổ năm nay sẽ có các hoạt động phần lễ gồm Lễ Giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ ngày 6/3 Âm lịch; lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng ngày 10/3 Âm lịch và lễ dâng hoa tại Bức phù điêu "Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong;" lễ dâng hương tại các di tích thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn tỉnh. Phần hội diễn ra các hoạt động truyền thống, được tổ chức ở quy mô phù hợp, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

Thanh Huyền (Tổng hợp)

Theo https://www.bqllang.gov.vn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website