Bác Hồ trong những ngày tháng Tám lịch sử

Trong những ngày cả nước sục sôi kháng chiến quyết giành bằng được chính quyền về tay, tại Chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh mặc dù đang ốm nhưng vẫn gắng gượng làm việc, đưa ra những chỉ đạo sát sao cho cuộc kháng chiến của toàn dân tộc. Ngày 16/8/1945, Đại hội Đại biểu Quốc dân (tức Quốc dân Đại hội Tân Trào, tiền thân của Quốc hội nước Việt Nam) diễn ra, thông qua Mười chính sách lớn của Việt Minh, thông qua Lệnh tổng khởi nghĩa. Đại hội đã bầu ra Ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương tức Chính phủ lâm thời do Cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Ngày 17/8, trước đình Tân Trào, thay mặt Uỷ ban giải phóng dân tộc Việt Nam, Hồ Chí Minh đọc lời tuyên thệ: “Chúng tôi là những người được Quốc dân đại biểu bầu vào Uỷ ban giải phóng dân tộc để lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân ta. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù, giành lại độc lập cho Tổ quốc. Dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, quyết không lùi bước. Xin thề!”. Người kêu gọi: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”. Lời hiệu triệu thấm đẫm tinh thần quật cường của Người đã thổi luồng sinh khí, sự tin tưởng và quyết tâm để 20 triệu người dân Việt Nam từ Bắc đến Nam đồng loạt vùng dậy tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa, để chỉ trong vòng 10 ngày đã khởi nghĩa giải phóng toàn bộ đất nước.

Dưới gốc đa Tân Trào chiều ngày 16/8/1945, quân Giải phóng Việt Nam làm lễ xuất quân về giải phóng Hà Nội. Ảnh tư liệu

Ngày 18/8, Hồ Chí Minh gửi thông điệp cho Chính phủ Pháp nêu ra đề nghị năm điểm, trong đó yêu cầu Chính phủ Pháp công nhận Chính phủ Việt Minh, đồng thời, qua người Mỹ, Người nhân danh Uỷ ban giải phóng dân tộc gửi thông điệp này cho các nước đồng minh.

Ngày 20/8, sức khỏe đã khá hơn, Người chủ trì cuộc họp với đồng chí Phạm Văn Đồng, Hoàng Văn Thái và một số đồng chí khác. Người nói: “Bây giờ ta có chính quyền, chắc các cô, các chú cũng muốn về Hà Nội. Nhưng chưa được đâu! Lênin đã nói: “Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn”. Bởi vậy, một số các cô, các chú còn ở lại địa phương đây, giúp đồng bào tổ chức cuộc sống sao cho tươi đẹp hơn, ấm no, văn minh hơn... Biết đâu, chúng ta còn trở lên đây nhờ cậy đồng bào lần nữa...”. Những lời này càng thể hiện tấm lòng, sự tri ân, biết ơn sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như mong muốn của Người nhằm thay đổi cuộc sống với đồng bào các dân tộc ở chiến khu.

Ngày 22/8, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Tân Trào về Hà Nội. Khi đi qua các huyện Đa Phúc, Từ Liêm, Người tranh thủ nắm tình hình, nghe về dư luận của đồng bào trước tin quân Đồng minh sẽ vào Đông Dương để có những biện pháp xử lý đúng đắn. Và trong suốt cuộc đời của mình, Người cũng đã thực hiện nhiều chuyến đi nhằm nắm sát công việc, hiểu đúng tình hình, từ đó đưa ra những quyết định chỉ đạo đúng đắn, hợp lý, hợp tình, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Ngày 26/8, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập và chủ trì cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng tại ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang (Hà Nội). Trong cuộc họp này, Người nhất trí với Thường vụ Trung ương Đảng về những chủ trương đối nội và đối ngoại trong tình hình mới, về việc sớm công bố danh sách thành viên Chính phủ lâm thời. Người đề nghị mở rộng hơn nữa thành phần của Chính phủ lâm thời, chuẩn bị ra Tuyên ngôn Độc lập và tổ chức mít tinh lớn ở Hà Nội để Chính phủ ra mắt nhân dân. Người quyết định ngày ra mắt của Chính phủ lâm thời cũng là ngày nước Việt Nam chính thức công bố quyền độc lập và thiết lập chính thể dân chủ cộng hoà. Người nhấn mạnh những việc cần làm ngay trước khi quân đội Tưởng vào Đông Dương tước vũ khí của quân đội Nhật.

Ngày 27/8, Người triệu tập cuộc họp của Uỷ ban dân tộc giải phóng. Trong cuộc họp này, Người đề nghị thi hành chính sách đoàn kết rộng rãi, thành lập Chính phủ thống nhất quốc gia bao gồm cả những đại biểu các đảng phái yêu nước và những nhân sĩ không đảng phái, có danh vọng. Đề nghị của Người được mọi người tán thành. Tại đây, Người được bầu làm Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Những ngày sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành phần lớn thời gian để soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập, chuẩn bị các hoạt động cho sự kiện chính trị trọng đại của đất nước – Khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Người cũng không quên tranh thủ gặp gỡ, cảm ơn những người bạn Mỹ có thiện cảm, đã ủng hộ vật chất và tinh thần mà phong trào giải phóng dân tộc của Việt Nam, lấy ý kiến của họ về một số kế hoạch hoạt động của Chính phủ lâm thời trong những ngày sắp tới, trong đó có việc tổ chức ngày Lễ Độc lập 2/9 và bày tỏ tấm chân tình tiếp tục nhận được tinh thần "hợp tác hữu ái" của các nước. Cũng qua những cá nhân đó, Người tranh thủ muốn gửi gắm chính kiến của Việt Nam tới Mỹ và các nước đồng minh biết quyết tâm không gì lay chuyển nổi của nhân dân Việt Nam là “tự giải phóng mình thoát khỏi mọi sự cai trị của bên ngoài, dù cho đó là của Pháp, Nhật, Trung Quốc hay bất kỳ ai"; đồng thời thể hiện mong muốn nhận được sự ủng hộ của Mỹ. Những hành động đó càng thể hiện sự trí tuệ, sự sắc sảo, cùng những bước đi bài bản của Người để xây dựng và củng cố chính quyền Việt Nam non trẻ.

Ngày 2/9, trước hàng vạn quốc dân đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Ảnh tư liệu

Ngày 2/9, sự kiện trọng đại đã điểm, trước hàng chục vạn đồng bào Thủ đô, trên diễn đàn cao và trang nghiêm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Người thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng tuyên bố với thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Buổi lễ được tổ chức chu đáo, trang trọng, đem lại cảm xúc thiêng liêng, xúc động, niềm tin kiêu hãnh và lòng tự hào dân tộc trong mỗi người Việt Nam lúc đó. Nhiều người dân khi nhắc lại những giây phút đó vẫn còn rưng rưng niềm hạnh phúc. Sự kiện ra mắt quốc dân đồng bào của nước Việt Nam đã xóa bỏ bốn chữ “Đông Dương thuộc Pháp” để viết tên Việt Nam trên bản đồ thế giới; khẳng định với thế giới về một nước Việt Nam độc lập, chủ quyền, có chính phủ riêng.

Nhắc lại mùa thu lịch sử trong không khí ngày Quốc khánh đến gần, hòa trong niềm tự hào dân tộc, chúng ta càng không quên một người cao cả mà giản dị, mà tên Người không chỉ gắn với những chiến công hiển hách của dân tộc, mà còn gắn với tình yêu thương vô bờ, sự hy sinh quên mình vì dân, vì nước. Cả cuộc đời, Người chỉ ước vọng và đi tìm độc lập cho dân tộc, thống nhất cho đất nước và tự do cho nhân dân. Người không chỉ để lại cho dân tộc ta một sự nghiệp cách mạng vĩ đại, mà còn để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta một di sản cao quý, đó là tấm gương sáng ngời về phẩm chất đạo đức cao đẹp, suốt đời hy sinh phấn đấu quên mình cho đất nước và hạnh phúc của nhân dân.

Đất nước ta đã đi qua nhiều gian khó, và vẫn còn nhiều gian nan phía trước, nhưng toàn Đảng, toàn dân ta vẫn đang tiếp tục sự nghiệp cao cả mà Người để lại, đó là  xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Và Người, vẫn mãi là tấm gương sáng để mỗi người dân Việt Nam soi vào đó hoàn thiện mình, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn thách thức, góp sức xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, ổn định và phát triển.

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website