NHỮNG BẾP ĂN TỪ THIỆN PHỤC VỤ BỆNH NHÂN NGHÈO
Đến các bếp ăn từ thiện trong tỉnh, chúng tôi càng cảm nhận sâu sắc cái tâm, cái thiện của biết bao người đã âm thầm phục vụ những bệnh nhân nghèo và thân nhân của họ trong các bệnh viện. Thành viên của các bếp ăn từ thiện đã tự nguyện phục vụ miễn phí những bữa cơm, bữa cháo đầy ắp tình người. Với ý nghĩa nhân văn đó, đã có rất nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm tự nguyện đóng góp kinh phí, hàng hóa, công sức để duy trì các bếp ăn từ thiện trong suốt thời gian qua.
Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch danh dự Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh Phan Văn Hà tặng quà trẻ khuyết tật.
Qua hơn 30 năm hoạt động, Bếp ăn từ thiện của Hội Từ thiện TP. Mỹ Tho là hoạt động trọng tâm của Hội. Việc làm này của Hội đã lan tỏa những tấm lòng thiện nguyện, giúp những bệnh nhân nghèo và thân nhân của họ vơi bớt lo lắng, an tâm điều trị bệnh.
“Bếp ăn san sẻ yêu thương” vẫn duy trì đều đặn 3 bữa/ngày, với hơn 1.200 suất ăn, gồm 400 suất cháo buổi sáng, 800 suất cơm trưa và chiều cho bệnh nhân và thân nhân người bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang. Ngồi chờ đến giờ phát cơm, bà Lương Thị Tâm (60 tuổi, xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo) tâm sự: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo. Nhiều năm qua, căn bệnh suy thận của tôi đã khiến gia đình tôi càng khó khăn. Tuy được miễn giảm viện phí, nhưng chi phí ăn uống khiến tôi lo lắng rất nhiều. Nhờ có những suất cơm, cháo phục vụ miễn phí của Hội Từ thiện TP. Mỹ Tho đã giúp tôi an tâm điều trị lâu dài tại bệnh viện…”.
Theo Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh Võ Thị Chín, nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, dù lâm bệnh nặng nhưng vẫn xin xuất viện sớm do không có điều kiện điều trị nội trú, chủ yếu không có tiền trang trải chi phí những bữa ăn. Biết được điều đó, Hội và các chi hội trực thuộc đã tích cực vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm thành lập bếp ăn từ thiện tại các bệnh viện. Hội luôn mong mỏi các nhà hảo tâm tiếp tục ủng hộ.
Có thể nói, nghĩa cử của những tấm lòng nhân ái nêu trên do được học tập Bác qua lời dạy “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn”, góp phần lan tỏa những thông điệp yêu thương trong cộng đồng. |
Trong năm 2021, Hội đã nhận được sự đóng góp với tổng trị giá thành tiền gần 30 tỷ đồng; trong đó, đã phục vụ 757.382 suất ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo nằm điều trị ở các bệnh viện trong, ngoài tỉnh và trẻ mồ côi, người cơ nhỡ trong xã hội....
Hơn 14 năm qua, Chi hội từ thiện Hồng Lạc (xã Tân Hương, huyện Châu Thành) cung cấp hàng trăm suất cơm miễn phí cho bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện. Bếp ăn không ngày nào tắt lửa, kể cả các ngày ngày lễ, tết. Đó là sự nỗ lực của các thành viên tình nguyện.
Dù mỗi người mỗi hoàn cảnh, nghề nghiệp, lứa tuổi khác nhau, nhưng họ có điểm chung là đến với bếp ăn bằng tấm lòng thiện nguyện. Ông Ngô Hữu Phước, Chi hội trưởng Chi hội từ thiện Hồng Lạc cho biết, chi hội hiện có hơn 50 hội viên.
Thời gian qua, chi hội đã tuyên truyền, vận động các tổ chức tôn giáo, nhà hảo tâm, hội viên… chung tay chăm lo bệnh nhân nghèo, người khuyết tật, trẻ mồ côi bằng tiền mặt, hay nhu yếu phẩm (gạo, rau củ quả…), rồi hội chế biến các món ăn, phục vụ miễn phí cho bệnh nhân nghèo đang điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh: Bệnh viện Quân y 120, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tiền Giang, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang, Bệnh viện huyện Châu Thành và một số bệnh viện của tỉnh Long An (Bệnh viện Đa khoa Long An, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi)…
Bếp ăn từ thiện tại Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang cũng vậy. Những phần ăn tuy có phần đạm bạc, nhưng đã giúp nhiều bệnh nhân an tâm điều trị lâu dài tại bệnh viện. Không chỉ đóng góp tiền, góp công sức, các thành viên của bếp ăn còn vận động người thân, những nhà hảo tâm khác cùng tham gia, nhằm duy trì, nâng chất những suất ăn.
Nhiều người lúc xuất viện không quên đến bếp ăn từ thiện ngỏ lời cảm ơn, khiến các thành viên cảm thấy ấm lòng, như tiếp thêm nguồn lực để phục vụ lâu dài; có nhiều người khỏi bệnh đã tự nguyện xin phục vụ bếp ăn.
LÀM TỪ THIỆN LÀ “CÁI NGHIỆP”
Số điện thoại 0333.936.639 được nhiều bệnh nhân nghèo lưu lại, sau đó cung cấp cho nhiều người. Chủ nhân của số máy này là bà Nguyễn Thị Hồng (xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành), được nhiều người biết đến là người “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Hơn 15 năm qua, bà Hồng là nhịp cầu nối hỗ trợ hàng ngàn ca mổ tim và mổ mắt cho bệnh nhân nghèo.
Cô Nguyễn Thị Tiền (thứ 2 từ phải qua) cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, huyện đến thăm hỏi gia đình chú Nguyễn Văn Sang để hỗ trợ chú Sang xây nhà.
Năm 2007, bà Hồng đưa đợt bệnh nhân đầu tiên gồm 200 người đi mổ mắt ở Bệnh viện 115, TP. Hồ Chí Minh. Mọi chi phí đi lại, ăn uống, viện phí của bệnh nhân đều được bà Hồng cùng các bạn của mình hỗ trợ miễn phí. Sau đó, bà Hồng kết nối các tổ chức nhân đạo - xã hội với các bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh đưa hàng ngàn bệnh nhân nghèo bị bệnh về mắt, bệnh tim của tỉnh Tiền Giang và các tỉnh Bến Tre, Long An, Đồng Tháp, Đồng Nai… đến để được phẫu thuật miễn phí. Chỉ riêng trong năm 2019, bà Hồng hỗ trợ 633 người mổ mắt đục thủy tinh thể và 10 người mổ tim, với tổng chi phí trên 1 tỷ đồng.
Bà Hồng cho biết, bản thân chỉ là cầu nối giữa bệnh nhân với các bệnh viện tại TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt là Bệnh viện Chợ Rẫy. Công việc xét chọn, đưa bệnh nhân đi bệnh viện điều trị, nhất là bệnh tim được thực hiện công khai, minh bạch. Mổ mắt chi phí khoảng 1 triệu đồng/trường hợp, nên không cần phải xác minh, khi có bệnh nhân liên hệ, bà tập hợp và đưa đi bệnh viện mổ ngay. Đối với mổ tim, chi phí cao, khoảng 100 triệu đồng/ca, do yêu cầu của đơn vị tài trợ nên phải xác minh có phải thuộc diện hộ khó khăn; vả lại, người bệnh có đủ sức khỏe mới đưa đi mổ…
“Việc làm từ thiện với tôi như là “cái nghiệp”, không thể từ bỏ được, còn sức khỏe là tôi vẫn còn làm. Bệnh nhân nào được điều trị hết bệnh là tôi cảm thấy ấm lòng, thậm chí vui ra mặt. Tôi lấy đó làm động lực để tiếp tục làm việc thiện…” - - bà Hồng chia sẻ.
Phải khẳng định rằng, trong nỗi vất vả mưu sinh vì “cơm áo gạo tiền”, vẫn có rất nhiều tấm lòng thơm thảo, âm thầm cống hiến vì cộng đồng, nhất là những hoàn cảnh khó khăn; và chưa bao giờ họ nghĩ rằng làm việc thiện để được tuyên dương. Gần 20 năm nay, cô Nguyễn Thị Tiền (62 tuổi, ngụ ấp Tân Bình 1, xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo) vẫn đều đặn giúp đỡ, san sẻ một phần gánh nặng cuộc sống với những mảnh đời khó khăn bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.
Hình ảnh một người phụ nữ bất kể nắng mưa, đến thăm, tặng quà những hoàn cảnh khó khăn khiến nhiều người cảm mến. Trung bình mỗi năm cô làm việc thiện hơn 50 triệu đồng từ số tiền cô dành dụm nhân các dịp lễ, tết; khai giảng, tổng kết năm học; nếu biết hoàn cảnh nào khó khăn là cô tự tìm đến thăm hỏi, tặng quà….
Nhiều năm qua, cô Tiền còn hỗ trợ bếp ăn từ thiện của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang thường xuyên kêu gọi bàn bè giúp nhiều hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh. Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát vừa qua, cô Tiền cùng bạn bè đã hỗ trợ trị giá thành tiền trên 100 triệu đồng cho lực lượng trực chốt, bà con sống trong các khu phong tỏa, cách ly….
Cùng cô thăm và trao tiền xây nhà cho gia đình chú Nguyễn Văn Sang (70 tuổi, ngụ xã Tân Thuận Bình, Chợ Gạo), nghe chú Sang xúc động tâm sự: “Tôi và đứa cháu mừng lắm, vì được cô Tiền hỗ trợ xây nhà mới. Từ nay cậu cháu tôi sẽ được sống trong căn nhà mới chắc chắn, khang trang để lo “lạc nghiệp”, vươn lên trong cuộc sống. Tôi xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc cô Tiền!...”.
LÊ PHƯƠNG
Theo http://baoapbac.vn