Tết trồng cây

Bài viết của Bác Hồ trên Báo Nhân Dân ngày 5/2/1969. Nguồn: nhandan.vn

Ngày nay, đồng bào ta ai cũng hiểu rõ trồng cây gây rừng có ích lợi to lớn cho kinh tế và quốc phòng. Vì vậy, Tết trồng cây là ngày mở đầu cho việc trồng cây suốt cả năm, đã trở thành một tục lệ tốt đẹp của nhân dân ta. Tính chung trong mấy năm nay, theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, nhân dân ta đã trồng được hàng chục vạn hécta cây các loại trên các đồi, bãi, vườn, hai bên đường, trên bờ mương máng, v.v..

Trong mấy năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, nhân dân ta càng nhận rõ lợi ích của việc trồng cây, cho nên phong trào trồng cây càng phát triển. Việc trồng cây ngày càng hướng vào những yêu cầu thiết thực như lấy gỗ, cây ăn quả, cây chắn gió phục vụ thâm canh lúa, bảo vệ đê, bao đồi, chống xói mòn, chống cát bay, v.v.. Những dải rừng được trồng ở ven biển, dọc đường giao thông, trong thôn xóm, đã có tác dụng lớn.

Những nơi có thành tích trồng cây trước đây như Lạc Trung, Ngọc Long, Liên Phương, v.v., vẫn tiếp tục phát triển. Gần đây, có thêm một số nơi phong trào trồng cây khá, như các tỉnh Nam Hà, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, nhất là Lạng Sơn phong trào đang vươn lên mạnh. Nguyên nhân chính là do các Tỉnh ủy, các cấp Đảng và chính quyền thiết thực lãnh đạo nhân dân ra sức trồng cây và bảo vệ cây.

Một ví dụ: Xã Đô Lương (Lạng Sơn) có nhiều đất rừng, nhưng trước đây không biết chăm lo trồng cây. Từ năm 1964, trong cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã, Đô Lương hợp bảy hợp tác xã nhỏ thành ba hợp tác xã lớn. Việc trồng rừng được quản lý tốt, bảo vệ tốt, kết quả bước đầu là với 270 hécta rừng được chăm sóc, hằng năm đã bán cho Nhà nước 1.100 mét khối gỗ và 1.000 mét khối củi.

Nhờ trồng cây tốt cho nên thuỷ lợi cũng tiến bộ. Hơn 100 hécta ruộng trước kia bỏ hoá, nay đã trở thành ruộng 5 tấn. Đóng góp lương thực nghĩa vụ ngày càng tăng, năm 1967 được 130 tấn thóc, năm 1968 được 141 tấn thóc.

Thu nhập của hợp tác xã cũng ngày càng tăng, năm 1965 thu được 16.250 đồng, năm 1967 thu được 50.240 đồng. Nhờ vậy, đời sống của xã viên ngày càng cải thiện. Ví dụ đó chứng tỏ trồng cây gây rừng rất ích nước lợi nhà.

Những cá nhân có thành tích xuất sắc như: Anh hùng trồng cây Nguyễn Văn Tần, cán bộ miền Nam tập kết ở Vĩnh Phú; cụ Nguyễn Văn Quắc, 74 tuổi, ba năm liền chiến sĩ thi đua về trồng cây ở Ninh Bình; ông Hoàng Đông Hán ở Quảng Ninh; cụ Sùng Chín Tín ở Hà Giang; cụ Nông Quảng Liêm ở Lạng Sơn, tự tay mình trồng được 3.500 cây trên đồi trọc, cây nào cũng tốt, cụ còn vận động cả hợp tác xã trồng được hàng vạn cây xanh tươi, v.v..

Bên cạnh những gương tốt đó, còn có những địa phương trồng cây gây rừng chưa tốt, hoặc kém bảo vệ, chăm sóc, cho nên trồng nhiều mà cây sống ít, diện tích đồi trọc còn nhiều. Nguyên nhân là do ngành lâm nghiệp chưa quan tâm đúng mức, nhưng chủ yếu là do cấp ủy và ủy ban hành chính địa phương chưa lãnh đạo tốt phong trào trồng cây. Các địa phương đó cần học tập và thi đua với những nơi có phong trào trồng cây khá. Chúng ta phải trồng cây cho cả đồng bào miền Nam nữa.

Kinh nghiệm cho thấy rằng: Mọi người đều nên tham gia trồng cây, nhưng lực lượng các cụ phụ lão có tổ chức là quan trọng và các cháu thiếu nhi là lực lượng góp phần đắc lực.

Năm nay, chúng ta thi đua trồng cây cho thật tốt, phải bảo đảm trồng cây nào tốt cây ấy, tổ chức một Tết trồng cây quyết thắng giặc Mỹ xâm lược.

T.L.

-------------------

- Báo Nhân Dân, số 5411, ngày 5-2-1969, tr.1.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd,t.15, tr.549-551.

Phản hồi

Các tin khác