I. Về những công việc đã triển khai thực hiện Cuộc vận động từ tháng 4-2007 đến nay
Trong thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương đã tích cực triển khai thực hiện Kết luận phiên họp ngày 17-4-2007 của Ban Chỉ đạo Trung ương, cụ thể như sau:
1. Tại Trung ương
- Ban Chỉ đạo Trung ương đã ban hành Kế hoạch 03-KH/BTGTW về triển khai Cuộc vận động trong toàn nhiệm kỳ khóa X, đến năm 2011; hướng dẫn xây dựng và thực hiện chuẩn mực đạo đức theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh của cán bộ, đảng viên, công chức ở các cấp, các ngành và địa phương; hướng dẫn và tổ chức làm điểm Hội thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở các ngành, địa phương; giao Ban Cán sự đảng ngoài nước phối hợp với các cơ quan triển khai Cuộc vận động cho các đảng bộ ngoài nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; tổ chức Hội nghị Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các tỉnh, thành phố, Bộ, ban, ngành Trung ương sơ kết bước đầu Cuộc vận động.
- Đẩy mạnh tuyên truyền về Cuộc vận động, trong đó có tổ chức họp báo về Cuộc vận động; xây dựng và phát hành bộ phim tài liệu “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trình chiếu trên Đài Truyền hình Việt Nam, sau đó gửi đến tất cả các tỉnh, thành phố, Bộ, ban, ngành để chiếu trong các hội nghị, các hội thi, sinh hoạt của cơ quan, đơn vị;
- Bổ sung, kiện toàn thành phần Ban Chỉ đạo Trung ương.
2. Ở các ngành, địa phương
- Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các cấp đã khẩn trương và thực hiện sáng tạo những hướng dẫn của Trung ương, triển khai Cuộc vận động sâu rộng và có kết quả bước đầu. Nhìn chung, các ngành, địa phương đã triển khai xong việc nghiên cứu, quán triệt các chuyên đề về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên, công chức và trong các cơ quan, đơn vị và đoàn viên, hội viên trong các đoàn thể chính trị ở cơ sở.
- Nhiều ngành, địa phương đã xây dựng chuẩn mực đạo đức cụ thể cho cán bộ, đảng viên, công chức và trong các cơ quan, đơn vị theo tư tưởng và tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh; tổ chức hội thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cấp xã phường, cụm xã, quận, huyện; biên soạn sách, tài liệu nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh với ngành địa phương mình, phục vụ cho việc triển khai Cuộc vận động.
- Một số ngành, địa phương đã thực hiện việc tổ chức lấy ý kiến góp ý của quần chúng nhân dân cho cán bộ, đảng viên, công chức ở nơi công tác và nơi cư trú.
- Nhiều ngành, địa phương đã tổ chức sơ kết bước đầu Cuộc vận động và xây dựng kế hoạch tăng cường chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động trong thời gian tới.
Nhìn chung, việc triển khai Cuộc vận động đã được thực hiện khá nghiêm túc theo hướng dẫn của Trung ương.
II. Đánh giá kết quả thực hiện
Qua hơn 5 tháng thực hiện Kết luận của kỳ họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương và hơn 7 tháng triển khai Cuộc vận động trong Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội, chúng ta đã làm được một số việc và đạt được những kết quả bước đầu, tạo tiền đề quan trọng và cần thiết để đẩy mạnh Cuộc vận động trong thời gian tới.
1. Những kết quả đạt được
a. Về nhận thức
- Tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân đã nhận thức rõ hơn ý nghĩa, tầm quan trọng của Cuộc vận động, coi việc Trung ương phát động Cuộc vận động này là đúng và “trúng”, đáp ứng tình cảm và lòng mong đợi của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân.
- Qua triển khai bước đầu, chủ yếu là nghiên cứu, quán triệt các chuyên đề về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhiều cán bộ, đảng viên, công chức đã hiểu rõ hơn nội dung tư tưởng đạo đức và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Một số cán bộ, đảng viên đã nâng cao ý thức giữ gìn, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, có chuyển biến nhất định trong quan hệ với nhân dân, với tập thể và cộng đồng xã hội. Niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào thành công của Cuộc vận động được nâng lên....
b. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai
- Về cơ bản, các cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Cuộc vận động. Ở Trung ương, Ban Chỉ đạo Trung ương, Bộ phận giúp việc... đã từng bước được kiện toàn và đi vào hoạt động có nền nếp; có nhiều hoạt động chỉ đạo triển khai Cuộc vận động trong cả nước; quan tâm chỉ đạo việc tuyên truyền về Cuộc vận động trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ở các ngành, địa phương, Ban Chỉ đạo các cấp đã xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Cuộc vận động trong năm 2007; chỉ đạo tiến hành các bước của Cuộc vận động theo kế hoạch khá chặt chẽ.
- Việc tổ chức nghiên cứu, quán triệt các chuyên đề về tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nhìn chung là nghiêm túc. Việc triển khai Hội thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh có kết quả tích cực.
- Nhiều ngành, địa phương đã chủ động sáng tạo trong việc triển khai Cuộc vận động phù hợp với điều kiện cụ thể của ngành, địa phương, gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội X, các nghị quyết Hội nghị Trung ương và nghị quyết Đại hội đảng bộ, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương.
2. Nhược điểm và hạn chế
- Việc tổ chức quán triệt mục đích, yêu cầu, ý nghĩa, tầm quan trọng của Cuộc vận động ở Trung ương và các cấp, ngành, địa phương chưa được quan tâm đúng mức, nên đến nay vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân chưa thấy hết ý nghĩa, tầm quan trọng của Cuộc vận động, chưa thấy hết “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là Cuộc vận động lâu dài, là nhiệm vụ của mỗi người... Một số vẫn cho rằng Cuộc vận động chỉ nhằm ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức, lối sống, chống quan liệu, tham nhũng,.. do vậy chưa tích cực tham gia và chưa thật sự tin tưởng vào kết quả của Cuộc vận động.
- Ở một số cơ quan ban, ngành ở Trung ương và một số địa phương việc tổ chức nghiên cứu, quán triệt các chuyên đề về tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh còn đơn giản, hình thức, không theo quy định chung và không gắn với tình hình thực tiễn, thiếu chủ động, sáng tạo. Một số cán bộ chủ chốt ở các cấp chưa gương mẫu và tích cực trong học tập, do đó chưa tạo được phong trào học tập sôi nổi ở cơ quan, đơn vị.
- Công tác tuyên truyền về Cuộc vận động chưa mạnh mẽ chưa huy động được nhiều lực lượng tham gia. Nội dung tuyên truyền chưa phong phú, đa dạng; chưa chú trọng tuyên truyền về những điển hình tổ chức tốt Cuộc vận động và những bài học kinh nghiệm, những gương người thực, việc thực học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác.
- Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai Cuộc vận động chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của cả hệ thống chính trị để phát huy sức mạnh tổng hợp triển khai Cuộc vận động. Việc triển khai Cuộc vận động chưa gắn chặt với công tác tư tưởng, tổ chức, kiểm tra, thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội ở ngành và địa phương.
- Việc lấy ý kiến góp ý của quần chúng nhân dân nơi công tác và nơi cư trú đối với cán bộ, đảng viên còn gặp nhiều khó khăn, chất lượng không cao do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc hướng dẫn của Trung ương thiếu thống nhất, chưa hợp lý và một số cán bộ, trong đó có cán bộ chủ chốt, còn e ngại với sự góp ý của nhân dân, nhất là với phiếu xin ý kiến nơi cư trú.
- Việc hướng dẫn xây dựng chuẩn mực đạo đức theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chậm. Một số nơi còn chưa chủ động và sáng tạo trong thực hiện; nội dung tiêu chuẩn đạo đức còn dài, khó nhớ, khó thực hiện.
III. Một số kinh nghiệm bước đầu
Qua thực tiễn hơn 7 tháng triển khai Cuộc vận động, bước đầu có thể rút ra một số kinh nghiệm như sau:
Một là, cần tiếp tục nâng cao và tạo sự thống nhất về nhận thức của tất cả cán bộ, đảng viên, công chức và quần chúng nhân dân về tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn của Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong giai đoạn hiện nay. Ban Chỉ đạo các cấp cần quan tâm tiếp tục quán triệt, xác định rõ đây là giải pháp cơ bản, lâu dài, đồng thời có ý nghĩa thiết thực, trước mắt nhằm xây dựng nền tảng đạo đức của xã hội ta, đảm bảo sự phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững của đất nước, xây dựng xã hội “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”. Trong quá trình triển khai Cuộc vận động, cần đặt trọng tâm vào khâu “làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tạo nên một phong trào rèn luyện, xây dựng đạo đức rộng khắp, với những việc làm thiết thực, thường xuyên.
Hai là, nêu cao vai trò gương mẫu thực hiện của cấp ủy, người chủ trì các ngành, các cấp, địa phương, cơ quan, đơn vị. Sự thông suốt về nhận thức tư tưởng và sự tự giác, gương mẫu của các cán bộ chủ trì, chủ chốt, của cán bộ, đảng viên là yếu tố bên trong, có tính quyết định để tạo ra phong trào và bảo đảm sự thành công của Cuộc vận động.
Ba là, coi trọng và phát huy tính tích cực, ý thức tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, theo quan điểm: học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là trách nhiệm của mỗi người; học tập, rèn luyện đạo đức trước hết là cho mình, gia đình mình, từ đó cho Đảng, cho đất nước. Đồng thời cần làm rõ sự gần gũi, cụ thể của tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ai cũng có thể học tập, noi theo.
Bốn là, gắn việc tiến hành Cuộc vận động với thực hiện các mặt công tác của cơ quan, đơn vị, làm cho Cuộc vận động lớn và quan trọng này trở thành bộ phận hữu cơ của công tác xây dựng Đảng, công tác lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; gắn với thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, xây dựng địa phương, cơ sở, cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh.
IV. Những nội dung chủ yếu cần tập trung làm tốt từ nay đến hết năm 2007
Để bảo đảm việc tổ chức triển khai có hiệu quả Cuộc vận động từ nay đến hết năm 2007, Ban Chỉ đạo Trung ương yêu cầu Ban chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung làm tốt các nội dung sau:
1. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm cho mọi cán bộ, đảng viên, công chức và toàn thể nhân dân nhận thức đúng đắn về mục đích, yêu cầu, ý nghĩa, tầm quan trọng của Cuộc vận động, tự giác học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi triển khai nghiên cứu, học tập 3 chuyên đề về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo quy định của Trung ương, từng địa phương, ngành, cơ quan, đơn vị cần tiếp tục tổ chức học tập với nhiều hình thức phù hợp, như tổ chức học tập các bài nói, bài viết, bức thư, lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với địa phương, đơn vị; tổ chức trao đổi, thảo luận về gương người tốt, việc tốt ở cơ quan, đơn vị...
2. Tổ chức tốt hội thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở cơ sở, quận, huyện để tiến tới hội thi tỉnh, thành phố và khu vực trong năm 2008 và chung khảo toàn quốc vào dịp 03-02-2009. Cần quán triệt mục đích tổ chức Hội thi trước hết là để triển khai Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” sâu rộng trong xã hội, đến với mọi tầng lớp nhân dân. Ban Chỉ đạo các cấp cần tăng cường chỉ đạo và động viên đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia tích cực, có chất lượng vào hoạt động này.
3. Tổ chức tốt việc lấy ý kiến quần chúng ở nơi công tác và nơi cư trú về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức. Ban Chỉ đạo Trung ương giao Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp tục hướng dẫn việc lấy ý kiến quần chúng nhân dân, gắn với thực hiện Quy định 76 của Trung ương về quản lý đảng viên ở nơi cư trú. Từ năm 2008 trở đi, việc lấy ý kiến góp ý của quần chúng nhân dân thực hiện vào dịp cuối năm theo Quy định 76 của Trung ương. Nội dung cụ thể Ban Tổ chức Trung ương cần hướng dẫn thực hiện thống nhất, hiệu quả.
4. Thực hiện tốt các bước tiếp theo của Cuộc vận động gồm: tổ chức hội nghị chi bộ, cơ quan, đơn vị để thảo luận và thông qua bản thu hoạch, tự liên hệ, phương hướng phấn đấu của cán bộ, đảng viên, công chức; đánh giá tình hình và thực trạng đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên trong chi bộ, cơ quan, đơn vị; thảo luận tập thể để xây dựng chuẩn mực đạo đức theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh theo hướng ngắn, gọn, dễ nhớ, dễ thuộc, dễ làm, phù hợp với đặc điểm và điều kiện công tác; đề ra phương hướng phấn đấu của tập thể đơn vị theo các chuẩn mực đạo đức đã được thông qua và cơ chế quản lý, giám sát đạo đức trong cơ quan, đơn vị.
5. Lựa chọn một số đơn vị để tập trung chỉ đạo làm điểm, rút ra được những kinh nghiệm hay để phổ biến rộng rãi trong phạm vi ngành, địa phương và đóng góp ý kiến với Trung ương. Tổ chức kiểm tra định kỳ và thường xuyên, đột xuất việc thực hiện Cuộc vận động ở các cấp, ngành, địa phương.
6. Chuẩn bị tiến hành sơ kết một năm thực hiện Cuộc vận động ở ngành, địa phương, đánh giá đúng mặt được, chưa được, kinh nghiệm... vào cuối năm 2007, báo cáo Trung ương. Báo cáo gửi về Ban Tuyên giáo Trung ương trước ngày 31-12-2007. Ban Chỉ đạo Trung ương sẽ tổ chức sơ kết một năm triển khai Cuộc vận động vào dịp 03-02-2008, kết hợp với kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Đảng.
V. Về những kiến nghị, đề xuất của các ngành và địa phương
Tại phiên họp, Ban Chỉ đạo Trung ương đã nghe Ban Tuyên giáo Trung ương báo cáo tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của các ngành, địa phương. Ban Chỉ đạo Trung ương kết luận như sau:
1. Để phối hợp đồng bộ tạo sức mạnh tổng hợp tiến hành Cuộc vận động, Ban Chỉ đạo Trung ương yêu cầu các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương nơi chưa có văn bản hướng dẫn các tổ chức trong hệ thống của mình triển khai Cuộc vận động thì cần ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện theo chức năng, thẩm quyền và trách nhiệm của mình.
2. Ban Chỉ đạo Trung ương ban hành kèm theo Thông báo kết luận này kế hoạch thực hiện Cuộc vận động năm 2008. Căn cứ kế hoạch chung, các ngành, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện của mình trong năm 2008.
3. Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, vững chắc trong quá trình triển khai Cuộc vận động, Ban Chỉ đạo Trung ương chọn một số địa phương, ngành, đơn vị để chỉ đạo điểm nhằm đúc kết kinh nghiệm để phổ biến nhân rộng trong toàn quốc. Mỗi ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương trực tiếp chỉ đạo điểm 1, 2 ngành hoặc địa phương, từ nay tới hết nhiệm kỳ (sự phân công được ban hành kèm theo Thông báo Kết luận này). Ban Chỉ đạo các cấp cũng cần lựa chọn các đơn vị làm điểm và phân công các thành viên trực tiếp chỉ đạo toàn diện việc triển khai Cuộc vận động ở các đơn vị làm điểm.
4. Ban Chỉ đạo Trung ương kiến nghị Bộ Chính trị ra quyết định điều chỉnh một số ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương: để các đồng chí Tòng Thị Phóng, Đỗ Quang Trung thôi tham gia Ban Chỉ đạo Trung ương do chuyển công tác khác và bổ sung các đồng chí Hà Thị Khiết, Trần Văn Tuấn tham gia làm ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương.
5. Việc tổ chức Hội nghị toàn quốc sơ kết một năm thực hiện Cuộc vận động vào dịp kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Đảng sẽ do Ban Chỉ đạo Trung ương chủ trì. Tham gia hội nghị gồm các đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động của các tỉnh, thành uỷ, các bộ, ban, ngành, mặt trận và các đoàn thể Trung ương. Giao Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ phận Giúp việc chuẩn bị nội dung, chương trình Hội nghị, bảo đảm thiết thực hiệu quả. Thời gian cụ thể sẽ thông báo sau.
6. Ban Chỉ đạo Trung ương giao Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ phận giúp việc phối hợp với Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội hướng dẫn triển khai mạnh mẽ Cuộc vận động trong Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về Cuộc vận động trong nhân dân.
7. Ban Chỉ đạo Trung ương giao Ban Tổ chức Trung ương ban hành văn bản hướng dẫn bổ sung việc liên hệ, kiểm điểm việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên vào nội dung sinh hoạt chi bộ hàng tháng, kiểm điểm của đảng viên và tổ chức đảng hàng năm. Giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì hướng dẫn xây dựng cơ chế giám sát của tổ chức đảng và của nhân dân đối với đạo đức của cán bộ, đảng viên, công chức. Giao Bộ Nội vụ xây dựng đề án đưa việc thực hiện Cuộc vận động vào tiêu chuẩn thi đua và đề xuất hình thức khen thưởng các đơn vị, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện Cuộc vận động, trình Ban Chỉ đạo Trung ương quyết định.
8. Ban Chỉ đạo Trung ương sẽ thành lập các đoàn kiểm tra thực hiện Cuộc vận động tại một số ngành, địa phương trước khi tổ chức sơ kết một năm thực hiện Cuộc vận động. Kế hoạch kiểm tra sẽ thông báo trước tới các ngành, địa phương được kiểm tra.
9. Ban Chỉ đạo Trung ương ban hành các khẩu hiệu tuyên truyền, cổ động cho Cuộc vận động kèm theo Thông báo Kết luận này. Ngoài các khẩu hiệu chung trong toàn quốc, các địa phương cần bổ sung thêm các khẩu hiệu phù hợp với tình hình địa phương và đẩy mạnh việc tuyên truyền, cổ động về Cuộc vận động rộng khắp tại địa phương.
10. Ban Chỉ đạo Trung ương đồng ý với chủ trương đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về Cuộc vận động, trong đó có việc làm các phim tài liệu phục vụ cho Cuộc vận động. Đài truyền hình Việt Nam, các đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, thành phố cần xây dựng nhiều chương trình truyền hình, phim tài liệu tuyên truyền về Cuộc vận động. Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng phim về chủ đề toàn Đảng, toàn dân, toàn quân học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phục vụ Cuộc vận động nhân dịp các ngày lễ lớn.
11. Ban Chỉ đạo Trung ương giao Văn phòng Trung ương Đảng hướng dẫn văn phòng các tỉnh uỷ, thành ủy dự trù kinh phí năm 2008 phục vụ Cuộc vận động.
Thông báo này được phổ biến đến các tỉnh uỷ, thành ủy, đảng ủy, đảng đoàn, ban cán sự đảng trực thuộc Trung ương, Ban chỉ đạo Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của các cơ quan này./.
|
THAY MẶT BAN CHỈ ĐẠO
PHÓ TRƯỞNG BAN
(đã kí)
Trương Tấn Sang
|