Tạo sức lan tỏa trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong học tập và làm theo gương Bác

Đảng bộ huyện Cầu Ngang có 46 chi, đảng bộ cơ sở trực thuộc, gồm 19 đảng bộ (15 đảng bộ xã, thị trấn và 04 đảng bộ ngành huyện) và 27 chi bộ; có 220 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở (97 chi bộ ấp, khóm và 123 chi bộ ngành). Toàn huyện có 4.785 đảng viên, chiếm 3,94% dân số; có 62.655 đoàn viên, hội viên, chiếm 51,67% so tổng số dân toàn huyện.

Thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) “về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (Kết luận số 01), Ban Thường vụ Huyện ủy Cầu Ngang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc triển khai, thực hiện Kết luận số 01 bằng những việc làm thiết thực, sát với tình hình thực tế địa phương, đưa việc học tập và làm theo Bác trở thành việc làm thường xuyên của mỗi tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, và quần chúng nhân dân.

Theo đồng chí Trần Minh Bảnh, Phó Bí thư Huyện ủy Cầu Ngang, nhằm tạo sự lan tỏa trong cộng đồng về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội chú trọng kết hợp chặt chẽ giữa việc thực hiện Kết luận số 01, chuyên đề toàn khóa và thực hiện các nghị quyết, kết luận hội nghị Trung ương 4 gắn với các phong trào thi đua, lồng ghép để triển khai thực hiện, như: chung tay XDNTM, đô thị văn minh; nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; phụ nữ lao động sáng tạo, giúp nhau phát triển kinh tế; thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; công đoàn các cấp với phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo; Hội Cựu chiến binh với phong trào cựu chiến binh gương mẫu...

Đồng thời, tiếp tục được triển khai thực hiện kế hoạch về tổ chức thực hiện 06 nhiệm vụ tập trung, 03 nhiệm vụ đột phá năm 2020 và những năm tiếp theo. Đối với việc giải quyết dứt điểm các vấn đề bức xúc trong thực tiễn, Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành kế hoạch về thực hiện nhiệm vụ an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, không để xảy ra “điểm nóng”. Đề ra tiêu chí về kết quả thực hiện kế hoạch học tập và làm theo Bác là một tiêu chí để nhận xét, đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị hàng năm.

Song song đó, triển khai thực hiện đồng bộ giữa “xây” và “chống”, động viên cán bộ, đảng viên, Nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của các tập thể, cá nhân tại các địa phương, đơn vị, mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và thực thi nhiệm vụ được giao.

 
Ông Sơn Ngọc Chọi (bên phải) trao đổi về kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh trên ớt chỉ thiên.

Ông Sơn Ngọc Chọi (bên phải) trao đổi về kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh trên ớt chỉ thiên.

Từ đó, việc học tập và làm theo gương Bác trở thành hoạt động thường xuyên ở các cơ quan, đơn vị, địa phương, được lan tỏa trong huyện. Qua 02 năm thực hiện Kết luận số 01, toàn huyện đã triển khai, duy trì và đăng ký thực hiện 98 mô hình với 05 nhóm nội dung: về xây dựng tổ chức cơ sở đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; cải cách thủ tục hành chính; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân phát triển kinh tế; nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thách thức; gương mẫu trong công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nổi bật như xã Thạnh Hòa Sơn thực hiện mô hình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với phát triển các mô hình kinh tế hợp tác. Xã Thạnh Hòa Sơn có thế mạnh là sản xuất nông nghiệp, diện tích sản xuất lúa khoảng 1.100ha.

Theo đồng chí Lê Văn Phước, Phó Bí thư Đảng ủy xã Thạnh Hòa Sơn, thực hiện Kết luận số 01, Đảng ủy xã triển khai thực hiện mô hình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với phát triển các mô hình kinh tế hợp tác nhằm khai thác tiềm năng lợi thế của địa phương. Để được đồng loạt, xã cơ cấu giống lúa, lịch thời vụ cho hộ dân thực hiện nghiêm túc; duy trì các vùng trồng lúa tập trung ở các ấp như Lạc Thạnh B, Lạc Sơn, Trường Bắn. Đối với cây màu, từng bước mở rộng diện tích trồng tập trung ở các ấp Lạc Hòa, Cầu Vĩ, Lạc Thạnh A, có thị trường tiêu thụ ổn định. Về chăn nuôi, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đảm bảo chăn nuôi an toàn, hạn chế thấp nhất sự lây lan dịch bệnh.

Ngoài ra, hộ dân còn phát triển các mô kinh tế như nuôi heo sinh sản, nuôi bò sinh sản, trồng bắp mỹ, ớt chỉ thiên. 02 năm (2021 - 2022) xã thành lập mới 03 tổ hợp tác, nâng đến nay, có 15 tổ hợp tác, có 322 thành viên và 01 Hợp tác xã Nông nghiệp Trường Bắn, có 25 thành viên, hiện đang hoạt động tốt. Qua thực hiện mô hình, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, ổn định cuộc sống, thu nhập bình quân đạt 53,7 triệu đồng/người/năm, tăng 2,979 triệu đồng so với năm 2020.

Ông Sơn Ngọc Chọi, ngụ ấp Bông Ven, xã Nhị Trường, là hộ Khmer học và làm theo Bác, tự vươn lên thoát nghèo bền vững với mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Ông Chọi không có ruộng đất, vợ chồng đi làm thuê theo thời vụ. Năm 2020, vợ chồng ông thuê 03 công đất trồng 02 vụ lúa, 01 vụ màu. Tuy nhiên, sau 01 năm trồng trọt, ông mạnh dạn chuyển đổi trồng 01 vụ lúa, 02 vụ màu.

Ông Chọi cho biết: các loại rau, màu thường có thời gian trồng ngắn nên mỗi năm nông dân có thể trồng rất nhiều vụ. Lấy công làm lời, trồng nhiều nông dân sẽ có thu nhập đều các tháng trong năm và cao hơn trồng lúa.

Vụ vừa rồi, ông Chọi trồng 03 công cà chua, tổng lợi nhuận thu về gần 18 triệu đồng. Vụ này ông trồng ớt chỉ thiên, ớt vừa mới thu hoạch đợt đầu được 50kg, giá bán cho thương lái 60.000 đồng/kg. Theo ông Chọi, với giá ớt giữ nguyên như hiện nay, sau vụ ớt này, lợi nhuận thu về không dưới 15 triệu đồng/công, cao gấp 04 lần trồng lúa. Nhờ siêng năng, dám nghĩ dám làm, năm 2022, ông Sơn Ngọc Chọi đã tự nguyện trả lại sổ hộ nghèo.

Theo đồng chí Trần Minh Bảnh, để việc học tập và làm theo Bác ngày càng thiết thực hơn, Ban Thường vụ Huyện ủy lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Kết luận số 01, chuyên đề toàn khóa, chuyên đề năm 2023 và các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của huyện. Đồng thời, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chuyên đề; thực hiện tốt công tác tự phê bình và phê bình, kiểm tra, giám sát gắn với các quy định nêu gương; biểu dương, nhân rộng những mô hình mới, cách làm hay, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, góp phần xây dựng huyện Cầu Ngang ngày càng phát triển.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website