Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn cùng lãnh đạo thành phố Yên Bái trao đổi với người dân về thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai
Hiệu quả từ các phong trào thi đua yêu nước
Từ một xã đặc biệt khó khăn của huyện Trấn Yên, giờ đây, Hồng Ca đã trở thành điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Quế và tre măng Bát độ trở thành cây trồng chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cho nhiều thôn đồng bào Mông trong xã. Toàn xã có 4 hợp tác xã, 36 tổ hợp tác và hàng chục mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập cao. Thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9%. Xã duy trì 5 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Chủ tịch UBND xã Hà Thanh Chương cho biết: Xã đã phát động các phong trào thi đua và có các hoạt động cụ thể như: tổ chức các buổi lao động ngày cuối tuần cùng dân, hướng dẫn các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế.
Cùng với đó, phát động các phong trào lao động sản xuất như: chương trình phát triển kinh tế dâu tằm, tre măng Bát độ… tạo khí thế thi đua lao động sôi nổi trong nhân dân, khuyến khích, động viên bà con lao động phát triển kinh tế, tập trung xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
"Những năm qua, Hồng Ca đã phát triển vùng tre măng Bát độ với 1 .219ha. Năm 2022, sản lượng thu hoạch măng đạt 8.000 tấn, giá bán đạt 6.000 đồng/kg măng tươi, đem về gần 48 tỷ đồng cho người dân, trở thành cây chủ lực xóa nghèo nơi đây. Cái khó nhất đã làm được là thay đổi nhận thức của đồng bào, chuyển hẳn từ tư duy "tự cung, tự cấp” ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Chính phủ sang tư duy sản xuất hàng hóa”, Chủ tịch xã Hà Thành Chương chia sẻ.
Hiệu quả từ các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới đã đưa Hồng Ca trở thành xã nông thôn mới năm 2019, góp sức xây dựng Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của vùng Tây Bắc.
Trên quê hương đất quế Văn Yên, thi đua làm theo lời Bác, Đảng bộ, chính quyền đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện xây dựng nông thôn mới thông qua việc lồng ghép với các phong trào do các tổ chức hội phát động như "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phong trào "dịch rào, hiến đất, mở rộng, nâng cấp các tuyến đường giao thông”; "Lắng nghe dân nói và xây dựng văn hoá giữ gìn vệ sinh, môi trường sống”, "Mỗi người, mỗi ngày một việc, góp phần làm sạch môi trường”, phong trào "5 không, 5 sạch”… Toàn huyện xây dựng được 738 mô hình dân vận khéo trên mọi lĩnh vực.
Bí thư Huyện ủy Luyện Hữu Chung khẳng định: Các phong trào, công trình, phần việc có ý nghĩa thiết thực cho cộng đồng đã tạo sự lan tỏa, khí thế sôi nổi xây dựng nông thôn mới trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Giai đoạn 2021 - 2023, toàn huyện Văn Yên đã kiên cố hoá được trên 280km đường giao thông, bằng 80% mục tiêu nghị quyết đề ra; huy động đóng góp gần 5,5 tỷ đồng với chiều dài gần 337m đoạn đường thắp sáng tại 25 xã, thị trấn; 112km đường giao thông nông thôn mở rộng lên 7m; 65% khối lượng rác thải sinh hoạt được thu gom, xử lý, các tổ chức hội, đoàn thể các cấp đã vận động hội viên trồng và chăm sóc 87 tuyến đường hoa với chiều dài trên 43,5km.
Riêng trong phong trào "Dịch rào hiến đất", từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã có 3.499 hộ dân tự nguyện hiến trên 780.000 m2 đất, dỡ bỏ tường rào và công trình kiên cố 14.955m2, chặt bỏ trên 347.000 cây trồng trên đất để mở rộng đường giao thông..
Cũng qua phong trào này đã xuất hiện nhiều điển hình noi gương Bác, vì lợi ích chung của cộng đồng góp sức xây dựng nông thôn mới như: đảng viên Phùng Văn Minh, dân tộc Dao ở thôn Trung Tâm, xã Mỏ Vàng sẵn sàng hiến trên 3.000m2 đất đồi rừng để mở rộng đường đi vào khu vực trồng quế của thôn. Ông còn hiến mấy trăm mét vuông đất thổ cư, mấy sào ruộng để mở rộng tỉnh lộ 175 đi qua xã. Gia đình ông La Tài Quan, thôn Thác Tiên đã vận động được 2 tỷ 512 triệu đồng trong đó, đóng góp làm đường bê tông 1 tỷ 512 triệu, mở đường mới 80 triệu đồng (hiến 100m2 đất và vận động 29 hộ gia đình hiến trên 2.000m2 đất mở rộng đường, hiến 500m đất dài làm đường bê tông theo tuyến đường Khe Út – Dầu Thàng), xây dựng nhà văn hoá thôn 420 triệu đồng…
Cùng ở thôn Trung Tâm có cụm dân Gốc Sấu và Khe Ngõa với 37 hộ dân đã hiến trên 60.000 m2 đất đồi và khai thác non hàng vạn cây quế để mở đường từ các cụm dân cư này ra trung tâm xã. Tiêu biểu như hộ ông Cứ A Chinh hiến trên 4.000 m2 đất đồi đang trồng trên 2.000 cây quế; ông Ly Seo Chúng hiến trên 3.000 m2 đất đồi cũng đang trồng hơn 1.500 cây quế. Ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Hợp hiến gần 3.500 m2 đất nông nghiệp để thực hiện dự án sửa chữa, nâng cấp tuyến đường Xuân Ái - Viễn Sơn - Yên Phú - Yên Hợp...
Cùng với duy trì vùng nguyên liệu quế trên 52.000 ha, trong đó có 25.359 ha quế canh tác hữu cơ tại 8 xã, quê hương đất quế đang từng đổi thay. Không khí thi đua, phấn đấu đưa Văn Yên trở thành huyện nông thôn mới (NTM) vào năm 2025 đã giúp huyện đến nay có 18 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Năm 2023, huyện Văn Yên phấn đấu xây dựng 3 xã đạt chuẩn NTM là Mỏ Vàng, Châu Quế Hạ, Lang Thíp; 2 xã đạt NTM nâng cao là Tân Hợp, Xuân Ái và 1 xã đạt NTM kiểu mẫu là xã Đại Phác. Đồng thời, phấn đấu hoàn thành cơ bản các tiêu chí xã NTM đối với 2 xã Nà Hẩu và Phong Dụ Thượng và xây dựng 4 thôn đạt thôn NTM cùng 33 thôn đạt NTM kiểu mẫu.
Thi đua làm theo lời Bác
"Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, "công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua” và "Yên Bái phải thi đua để trở thành một tỉnh khá nhất của các tỉnh miền núi”. Lời căn dặn của Bác đã tiếp sức cho đồng bào, cán bộ, đảng viên, thanh thiếu niên các dân tộc tỉnh Yên Bái vượt lên mọi khó khăn thử thách, phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, ra sức thi đua phát triển kinh tế, xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển.
Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Văn Trọng cho biết: Những năm gần đây, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã tích cực thi đua lao động sản xuất, không ngừng đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, trong năm 2022 vừa qua, kinh tế của tỉnh có mức tăng trưởng khá, trở thành địa phương đứng thứ 3/14 tỉnh trong khu vực miền núi, trung du phía Bắc. Hệ thống kết cấu hạ tầng ngày càng được quan tâm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và thiết thực góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Công tác văn hóa, xã hội được quan tâm và có nhiều tiến bộ tích cực, tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu xóa đói giảm nghèo bền vững, nâng cao tiêu chí sống và chỉ số hạnh phúc của người dân.
Từ các phong trào thi đua học và làm theo Bác, năm 2022, toàn tỉnh có 3 tập thể và 7 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Độc lập và Huân chương Lao động; 3 cá nhân được xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú; 14 tập thể và 35 cá nhân được tặng danh hiệu cờ thi đua và bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; hàng trăm tập thể, cá nhân và "Công dân tiêu biểu tỉnh Yên Bái" được tặng cờ thi đua và bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh...
Năm 2023, với chủ đề "Quyết liệt triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh thu hút đầu tư, bứt phá trong chuyển đổi số; duy trì phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; bảo đảm cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân”, các cấp, các ngành trong tỉnh đang tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả công tác thi đua khen thưởng; các phong trào thi đua gắn với học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện hiệu quả nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, các nghị quyết, chương trình hành động, các đề án, chính sách, nhiệm vụ chính trị của tỉnh; đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Bên cạnh đó, tỉnh tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 51 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, phấn đấu nâng thứ hạng của Yên Bái trên Bảng xếp hạng đánh giá chỉ số chuyển đổi số hàng năm, phấn đấu đứng tốp 20 - 25 trong số 63 tỉnh, thành vào cuối năm 2023.
Kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ lên thăm Yên Bái là dịp để Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái nhìn lại chặng đường thực hiện lời dạy của Bác để tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, truyền thống cách mạng vẻ vang, xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển nhanh, bền vững, toàn diện theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc”, trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030.
Mạnh Cường
Theo https://baoyenbai.com.vn