Đồng chí Nông Lương Chấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhấn mạnh: Bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã tham mưu Tỉnh uỷ lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với thực hiện các nghị quyết về xây dựng Đảng và thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị.
Trên cơ sở nhiệm vụ trọng tâm, đột phá đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra cho cả nhiệm kỳ và hằng năm, các cấp, ngành, cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, đoàn viên, hội viên lựa chọn nội dung đăng ký và thực hiện làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác theo chuyên đề hằng năm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ cụ thể; gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với triển khai thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các phong trào thi đua của các cấp, các ngành và việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, XII, XIII về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đồng thời xây dựng các mô hình tập thể, cá nhân điển hình, các nhân tố tiêu biểu trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội để tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng, nhất là các mô hình, nhân tố mới trong công tác xây dựng đảng, chính quyền, đoàn thể, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng nông thôn mới, phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội.
Để việc thực hiện Kết luận số 01 đi vào thực tiễn, hiệu quả, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo mỗi cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị, mỗi chi bộ, đảng bộ lựa chọn xây dựng 2 hoặc 3 tập thể, 2 hoặc 3 gương điển hình, 2 mô hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Điển hình như xã Hoàng Việt, huyện Văn Lãng đã đăng ký mô hình sản xuất hồng Vành khuyên theo tiêu chuẩn VietGAP. Để triển khai mô hình, cán bộ, đảng viên đã nêu gương, tiên phong trong việc trồng, ứng dụng khoa học công nghệ vào chăm sóc từ đó vận động người dân làm theo. Cụ thể như tại thôn Nà Phai, mỗi đảng viên trồng ít nhất từ 50 đến 70 cây hồng và vận động người dân cùng trồng; thôn Còn Pheo phân công đảng viên giúp đỡ hộ dân trồng, chăm sóc cây hồng... Nhờ đó, những năm gần đây, diện tích hồng của xã tăng đáng kể. Theo thống kê, hiện xã có hơn 200 ha hồng mang lại thu nhập trên 13 tỷ đồng/năm.
Ngoài mô hình trồng hồng ở xã Hoàng Việt, những năm qua, các cơ quan, đơn vị đã đăng ký xây dựng được nhiều mô hình học và làm theo Bác khác nhau. Hiện nay toàn tỉnh có trên 600 mô hình học và làm theo Bác trên tất cả các lĩnh vực.
Trong đó có nhiều mô hình hay, điển hình có ý nghĩa thiết thực, hiệu quả tạo sức lan tỏa trong toàn Đảng bộ tỉnh, tiêu biểu như các mô hình: huy động các tập thể, các nhà hảo tâm xây dựng nguồn quỹ hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, khó khăn đột xuất, gia đình có công trên địa bàn khối Cửa Bắc, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn; xây dựng “Chi bộ 4 tốt” tại Đảng ủy khối Các cơ quan tỉnh; Công đoàn Viên chức tỉnh với chương trình “Hành trình vì biên cương Tổ quốc”…
Cùng với xây dựng các mô hình, điển hình trong học và làm theo Bác, cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân rộng, lan tỏa các gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến bằng các hình thức phong phú: tổ chức gặp mặt, biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến; tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội…
Bà Dương Mai Khoa, Phó Chủ tịch Công đoàn Viên chức tỉnh cho biết: Qua gần 2 năm thực hiện chương trình “Hành trình vì biên cương Tổ quốc”, các công đoàn cơ sở đã phối hợp xây dựng 3 đường kiểm tra cột mốc; xây dựng 1 nhà đại đoàn kết; 7 đoạn đường “Thắp sáng đường thôn biên giới”; hỗ trợ kinh phí mua trang thiết bị cho nhà văn hóa thôn và các hoạt động an sinh xã hội khác tại các xã biên giới, với tổng trị giá gần 800 triệu đồng. Kết quả chương trình được thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua đó tạo được sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, đây là cơ sở quan trọng để thời gian tới chúng tôi thực hiện các hoạt động thiết thực, ý nghĩa trong chương trình đã đề ra.
Qua việc xây dựng và triển khai, nhân rộng thực hiện các mô hình, điển hình tiêu biểu trong học và làm theo Bác đã tạo chuyển biến tích cực trong thực hiện nhiệm vụ của từng cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị. Nhiều vấn đề nổi cộm, dư luận quan tâm trên địa bàn tỉnh đã được giải quyết. Từ đó, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với các cấp ủy đảng, chính quyền, tạo sự đồng thuận trong phát triển kinh tế - xã hội; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Học và làm theo Bác bằng những việc làm thiết thực
Thấm nhuần việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên, người dân đã vận dụng, làm theo bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Những năm qua, trên địa bàn xuất hiện nhiều điển hình tiêu biểu với những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả. Phóng viên Báo Lạng Sơn đã phỏng vấn một số điển hình được tôn vinh, biểu dương trong Chương trình Tôn vinh các điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2024 về vấn đề này.
Thượng tá Lều Minh Tiến, Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: “Phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ”.
Với chức năng, nhiệm vụ được giao, chúng tôi đã quán triệt cán bộ, chiến sỹ của phòng phát huy tinh thần Bộ đội Cụ Hồ, học tập và làm theo Bác bằng những việc làm thiết thực, phù hợp. Tiêu biểu năm 2022, chúng tôi đã tích cực tham mưu Đảng ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các sở, ngành liên quan tham mưu đồng chí Bí thư Tỉnh ủy ký Thư ngỏ phát động đợt vận động đặc biệt ủng hộ xây dựng đường kiểm tra cột mốc, bảo vệ biên giới. Sau gần 2 năm phát động, toàn tỉnh xây dựng được 283/459 đường kiểm tra cột mốc, bảo vệ biên giới với tổng chiều dài trên 53 km, tổng trị giá trên 40 tỷ đồng. Đồng thời các đồn biên phòng đã trồng được trên 15.400 cây tre bát độ, lắp đặt trên 800 đèn năng lượng mặt trời, dọc đường tuần tra biên giới. Qua đó vừa tạo thuận lợi cho công tác tuần tra, giám sát, giải quyết các vụ việc trên biên giới kịp thời vừa góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân khu vực này.
Anh Dương Công Cồ, chủ mô hình homestay, thôn Thâm Pát, xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn: “Học Bác đức tính cần, kiệm”.
Gia đình tôi có homestay với tổng diện tích trên 1.200m2. Học Bác đức tính cần, kiệm, tự học, bản thân tôi không ngừng tìm tòi các mô hình đi trước để rút ra kinh nghiệm cho bản thân. Từ đó tôi gắn phát triển du lịch nghỉ dưỡng với du lịch trải nghiệm, để du khách thưởng thức ẩm thực, hòa mình vào thiên nhiên, cùng tham gia trải nghiệm làm bánh chưng, bánh dầy. Từ năm 2023 đến nay, homestay của gia đình đón trên 4.500 lượt khách du lịch, trong đó có gần 500 lượt khách quốc tế, doanh thu du lịch năm 2023 đạt gần 600 triệu đồng, 8 tháng đầu năm 2024 đạt trên 450 triệu đồng.
Bên cạnh đó, gia đình có mô hình nấu rượu men lá, hằng năm cung cấp 5.000 lít rượu cho các cửa hàng, nhà hàng trong và ngoài huyện, thu nhập khoảng 160 triệu đồng/năm.
Chị Nguyễn Thị Hậu, Bí thư Chi bộ thôn Pác Bó, xã Chí Minh, huyện Tràng Định: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.
Thôn Pác Bó, xã Chí Minh có 65 hộ dân sinh sống, Chi bộ thôn có 22 đảng viên. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chúng tôi xác định đảng viên phải gương mẫu đi đầu trong mọi công việc để quần chúng nhân dân noi theo. Điển hình như trong năm 2023, chi bộ đã thảo luận, thống nhất ban hành nghị quyết về việc làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa thôn. Với tinh thần "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau", các đảng viên trong thôn đều tiên phong hiến đất, góp tiền, ngày công lao động. Cùng đó, chi bộ đã thành lập các tổ tuyên truyền, mỗi tổ có 5 hoặc 6 đảng viên đến trực tiếp các gia đình để vận động, thuyết phục người dân cùng chung tay. Nhờ đó, người dân trong thôn đã đóng góp được gần 140 triệu đồng tiền mặt, 1.449 ngày công và hàng nghìn mét vuông đất để vừa xây kè mở rộng vừa bê tông hóa tuyến đường thôn với chiều dài 350 m và xây dựng nhà văn hóa thôn khang trang, rộng rãi.