Xây dựng chuẩn mực đạo đức cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Quang cảnh tại điểm cầu Thanh Hóa - Giao ban toàn quốc đánh giá 1 năm triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị. Nguồn ảnh: Báo Thanh Hóa.

Để việc xây dựng, bổ sung hoàn thiện và tổ chức thực hiện chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh tiếp tục đi vào nền nếp, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương và nhiệm vụ chính trị của tỉnh, từ năm 2016 đến nay, Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch, công văn để lãnh đạo, chỉ đạo việc học tập và làm theo Bác gắn với việc xây dựng chuẩn mực đạo đức cho cán bộ, đảng viên trên địa bàn toàn tỉnh. Sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII), Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII), Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, căn cứ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương và các bộ, ngành liên quan, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 28-KH/TU, ngày 12/9/2016 về triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW và Kế hoạch 39-KH/TU, ngày 08/10/2021 về thực hiện Kết luận số 01- KL/TW, trong đó tập trung chỉ đạo nội dung “Bổ sung, hoàn thiện, thực hiện nghiêm túc chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ ở từng cơ quan, đơn vị”. Hằng năm, giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, Kết luận số 01-KL/TW, hướng dẫn việc tổ chức rà soát việc xây dựng, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ ở từng cơ quan, đơn vị với phương châm “sát chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện và đánh giá việc tổ chức thực hiện”. Trong đó giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, theo dõi, tổng hợp việc xây dựng và tổ chức thực hiện chuẩn mực đạo đức, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ trên địa bàn toàn tỉnh.

Trên cơ sở các Kế hoạch đã ban hành, hằng năm, cấp ủy các cấp đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể, cơ quan, đơn vị tại địa phương rà soát, bổ sung, xây dựng và triển khai thực hiện chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và nội dung chuyên đề toàn khóa, theo hướng thiết thực, phù hợp với đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, gắn với công việc thường xuyên của từng vị trí công tác tại cơ quan, đơn vị. Theo đó, 100% các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, Kết luận số 01-KL/TW; chỉ đạo các đảng bộ, chi bộ trực thuộc, các cơ quan, đơn vị quán triệt, triển khai đến toàn thể cán bộ, đảng viên trong cơ quan, đơn vị về việc thực hiện xây dựng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị mình.

Việc xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng,  đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có tính kế thừa, ngày càng thiết thực, bám sát điều kiện thực tế, đặc điểm, nhiệm vụ của cơ sở, cơ quan, đơn vị, phù hợp với từng đối tượng, vị trí công tác. Trên cơ sở kế thừa, phát huy các chuẩn mực đạo đức Hồ Chí Minh đã xây dựng trước đó, nhiều cấp ủy, chi bộ cơ sở đã ban hành mới các chuẩn mực đạo đức ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, gắn với công việc hằng ngày của cơ quan, đơn vị, đảm bảo thiết thực, phù hợp, khả thi. Các cấp ủy thường xuyên coi việc thực hiện chuẩn mực đạo đức Hồ Chí Minh là căn cứ để đánh giá kết quả phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng của từng cá nhân và tập thể lãnh đạo hằng năm. Đến nay, hầu hết các chi bộ, đảng bộ và cơ quan, đơn vị, ban, ngành, MTTQ, các đoàn thể trong tỉnh đã niêm yết công khai tại phòng họp của cơ quan, đơn vị, trụ sở làm việc, nhà văn hóa các nội dung chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Việc xây dựng chuẩn mực đạo đức được áp dụng trong mỗi cơ quan, đơn vị; đối với việc thực hiện khẩu hiệu “Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu” được áp dụng thống nhất trên địa bàn toàn tỉnh.

Hằng năm, cấp ủy các cấp chỉ đạo rà soát, bổ sung chuẩn mực đạo đức, với phương châm “Sát chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ đánh giá kết quả”. Các chuẩn mực đạo đức được bổ sung năm 2021 và 2022 tập trung vào 5 nhóm nội dung chủ yếu, phù hợp với yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, đó là: (1) Đối với Đảng, Tổ quốc, Nhân dân; (2) Đối với tổ chức, công việc; (3) Đối với mọi người, cấp trên, cấp dưới; (4) Đối với bản thân và (5) Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. 100% các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở đều thực hiện treo khẩu hiệu “Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu” tại nơi trang trọng, dễ nhìn, để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ghi nhớ, cùng nhau quyết tâm phấn đấu.

Việc rà soát, lựa chọn, bổ sung các chuẩn mực đạo đức được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, có sự phối hợp giữa cấp ủy với lãnh đạo đơn vị, có tổ chức lấy ý kiến của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và đoàn thể trực thuộc trước khi ban hành, thể hiện tinh thần dân chủ và tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tạo tiền đề thuận lợi để việc tổ chức thực hiện các chuẩn mực đạo đức đạt kết quả cao. Đến nay, 31/31 huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã chỉ đạo xây dựng được tiêu chuẩn đạo đức của cán bộ, đảng viên cơ quan, đơn vị mình, đạt 100%. Qua thực tế kiểm tra và báo cáo kết quả thực hiện của các cá nhân, đơn vị, cho thấy hằng năm có 95,7% cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh xây dựng và thực hiện tốt các nội dung đã đăng ký trong việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, Kết luận số 01-KL/TW thực hiện các nội dung cam kết rèn luyện, tu dưỡng phấn đấu và các tiêu chí đạo đức của cán bộ, đảng viên của cơ quan, đơn vị mình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Định kỳ 6 tháng, các đảng bộ, chi bộ, các cơ quan, đơn vị báo cáo việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, Kết luận số 01 gắn với việc thực hiện các tiêu chí học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và xây dựng chỉnh đốn Đảng về Ban Thường vụ Tỉnh ủy (qua Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy), đạt 100%.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, thực hiện chuẩn mực đạo đức, một số cấp ủy cơ sở còn lúng túng trong chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị xây dựng, nhất là việc chỉ đạo bổ sung nội dung chuẩn mực mới theo chuyên đề toàn khóa chưa được tập trung thực hiện tốt; nội dung chuẩn mực đạo đức của một số cơ quan, đơn vị còn chung chung, dàn trải, khó nhớ,... 

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả trong xây dựng, tổ chức thực hiện chuẩn mực đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh, thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

1. Các cấp ủy tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, sâu sát hơn nữa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhằm đưa việc thực hiện chuẩn mực đạo đức của cơ quan, đơn vị thực sự trở thành công việc tự giác, thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội từ tỉnh đến cơ sở.

Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc bổ sung, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức theo nội dung chuyên đề toàn khóa, với phương châm “sát chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện và đánh giá việc thực hiện”; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện bảo đảm công khai, minh bạch.

2. Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị tiếp tục bám sát các yêu cầu của Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2021-2025, Chỉ thị số 27/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 12-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh, Quyết đinh số 1089-QĐ/TU, ngày 19/8/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp và các Kế hoạch 39-KH/TU, ngày 08/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 01- KL/TW của Bộ Chính trị. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị cần thể hiện quyết tâm chính trị cao trong việc định hướng, chỉ đạo đưa việc thực hiện chuẩn mực đạo đức gắn với học và làm theo Bác trở thành thói quen, nét đẹp văn hóa trong thực thi công vụ, thành nhu cầu tự thân của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp Nhân dân.

3. Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở cần tiếp tục xác định và lựa chọn khâu đột phá trong thực hiện chuẩn mực đạo đức gắn với giải quyết tốt các vấn đề bức xúc, nổi cộm ở địa phương, cơ quan, đơn vị mình. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị cần sâu sát, hành động quyết liệt trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và biểu dương, khen thưởng kịp thời những tấm gương điển hình tạo sự lan toả tích cực trong xã hội. Lấy kết quả phấn đấu, thực hiện chuẩn mực đạo đức làm căn cứ để bình xét thi đua, khen thưởng, đánh giá kết quả phấn đấu rèn luyện, tu dưỡng của cán bộ, đảng viên và của các tổ chức cơ sở đảng hàng năm.

Tăng cường tuyên truyền, giáo dục cán bộ, công chức trau dồi đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ đổi mới phong cách, lề lối làm việc trong thực thi công vụ.

4. Các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tỉnh, các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo Quy định của Tỉnh ủy cần chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp chỉ đạo, triển khai, đánh giá, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết theo định kỳ,... nhằm đảm bảo việc xây dựng, thực hiện chuẩn mực đạo đức gắn với học và làm theo Bác  đi vào thực chất, thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website