Xã Nhị Long Phú: Việc học và làm theo Bác ngày càng lan tỏa

Theo đồng chí Bùi Thị Bé Ba, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND xã Nhị Long Phú, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể đề ra những giải pháp cụ thể để thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo Bác gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Đồng thời, đưa nội dung này vào sinh hoạt chi bộ, từng cán bộ, đảng viên đăng ký thực hiện việc làm theo Bác phù hợp với nhiệm vụ được giao.

Từ học tập chuyển sang làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện chủ trương tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, xã Nhị Long Phú xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao trên cùng đơn vị diện tích; chất lượng cây, con giống ngày càng được quan tâm, tạo ra sản phẩm, hàng hóa chất lượng phục vụ cho thị trường, tăng thu nhập, nâng cao mức sống người dân.

Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi lươn thương phẩm, nuôi lươn sinh sản của đảng viên Nguyễn Văn Chí, Trưởng Ban Công tác Mặt trận ấp Dừa Đỏ 3 mới thấy được tinh thần tự học hỏi, ý chí cầu tiến của ông rất đáng khâm phục.

Năm 2019, khi xem thời sự trên đài truyền hình, ông Chí biết được mô hình nuôi lươn thương phẩm, từ đó, ông lên mạng tìm hiểu thêm về mô hình. Niềm đam mê thực hiện mô hình mới đã thôi thúc ông nghiên cứu, tìm tòi nhiều hơn những thông tin về 02 hình thức nuôi lươn thương phẩm và nuôi lươn sinh sản từ khâu xây dựng chuồng, cách chăm sóc, thức ăn, quá trình ươm con giống, nuôi lươn sinh sản...

Qua quá trình tìm hiểu, nghiên cứu kỹ, năm 2020, ông Chí bàn bạc với gia đình quyết định thực hiện mô hình nuôi lươn thương phẩm. Lúc đầu, ông đặt mua 11.500 con lươn giống về nuôi với giá 6.500 đồng/con, với kinh phí đầu tư con giống 75 triệu đồng. Sau 12 tháng nuôi, ông xuất bán được 02 tấn lương thịt, do thời điểm dịch bệnh Covid-19 nên giá bán ra thị trường thấp, 100.000 đồng/kg, ông thu được 200 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận gần 55 triệu đồng.

Đầu năm 2022, để giảm giá thành đầu vào trong chăn nuôi, ông tiếp tục nghiên cứu và thực hiện thử nghiệm mô hình nuôi lươn sinh sản. Theo ông Chí, khi bán lươn thịt, ông để lại 100kg lươn (720 con) tiếp tục nuôi dưỡng phát triển lươn bố mẹ. Với diện tích đất hiện có của gia đình, ông tận dụng 80m2 đất để cải tạo làm nơi nuôi lươn sinh sản theo đúng quy cách. Sau 08 tháng nuôi, lươn bố mẹ sinh sản được hơn 70.000 con giống, ông bán với giá bình quân 3.000 đồng/con, sau khi trừ chi phí, thu lợi nhuận trên 170 triệu đồng. Hiện nay, ông vẫn còn duy trì 720 lươn bố mẹ đang sinh sản với hơn 10.000 con lươn giống và hơn 3.000 lươn thịt chuẩn bị cung cấp cho thị trường.

                

Ông Nguyễn Văn Chí chăm sóc lươn thương phẩm.

Ông Chí chia sẻ: “nuôi lươn không khó, nhất là lươn thịt, yêu cầu người nuôi phải nắm kỹ thuật, chăm sóc kỹ tránh lươn bị bệnh ngoài da. Thức ăn theo từng độ tuổi, lươn con ăn trùng quế, lươn thịt chủ yếu là ăn thức ăn công nghiệp”.

Từ hiệu quả của mô hình và lợi nhuận thu về khá cao nên người dân địa phương đến tìm hiểu, học hỏi, ông Chí đã tận tình chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về mô hình để người dân học tập và làm theo. Hiện nay, trên địa bàn ấp Dừa Đỏ 3 có 04 hộ nuôi lươn thương phẩm.

Trong năm, với việc lãnh đạo phát triển kinh tế, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm nắm bắt tình hình hoạt động của hợp tác xã, tổ hợp tác để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn trong quá trình hoạt động. Vận động thành lập được 02 doanh nghiệp, phát triển mới 03 tổ hợp tác, gồm: trồng dừa, nuôi bò sinh sản và nuôi lươn sinh sản và nuôi lươn thương phẩm, nâng đến nay, toàn xã có 01 hợp tác xã và 24 tổ hợp tác. Ông Chí cho biết: tham gia tổ hợp tác, thành viên chúng tôi sẽ được mua thức ăn chất lượng từ công ty, tư vấn thuốc trị các loại bệnh cho lươn với giá bán rẻ hơn giá thị trường.

Đồng thời, việc chăm lo, giúp đỡ hộ nghèo, hộ khó khăn luôn được xã chú trọng thực hiện với nhiều giải pháp thiết thực: giới thiệu việc làm, hỗ trợ vay vốn, vận động hỗ trợ nhu yếu phẩm, gạo… Từ đầu năm đến nay, đã vận động đơn vị, cá nhân thăm, tặng quà cho hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ neo đơn với tổng giá trị trên 600 triệu đồng. Xác nhận hồ sơ xin việc làm cho 130/160 trường hợp, xuất khẩu lao động 10 trường hợp; mở được 02 lớp dạy nghề trồng trọt và chăn nuôi; tổ chức 02 lớp tập huấn nuôi lươn không bùn và kỹ thuật sơ chế trái cây có múi theo tiêu chuẩn VietGAP cho nông dân.

Bà Nguyễn Thị Cẩm Nang, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Thạnh Hiệp chia sẻ: với hộ nghèo, hộ khó khăn khi được hỗ trợ 01 phần quà, gạo, nhu yếu phẩm họ rất ấm lòng và trân trọng. Khi đó, những người làm công tác vận động cũng vui theo, đó là động lực để chúng tôi thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống Nhân dân như Bác Hồ từng nói “việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại đến dân, ta phải hết sức tránh”.

Tin chắc rằng, với những việc làm thiết thực trên các lĩnh vực ở Đảng bộ xã Nhị Long Phú sẽ được quần chúng nhân dân cảm nhận một cách sâu sắc để từ đó việc học và làm theo Bác được lan tỏa mạnh mẽ hơn, sáng tạo và hiệu quả hơn, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website