Năm 2023, ông được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì có thành tích trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tiên phong trồng sầu riêng Monthong
Ngôi nhà xây khang trang với khoảng sân bê tông rộng rãi tại làng O Pếch của gia đình ông Thuận thường xuyên đóng cửa vì vợ chồng ông thường ở rẫy cách làng hơn 2 km để chăm sóc 5,3 ha cà phê và sầu riêng. Trong đó, 450 cây sầu riêng đang trong giai đoạn nuôi quả non nên phải chăm sóc, phun thuốc đầy đủ để tránh bị sâu bệnh làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng quả.
Từng có thời gian là thương lái, thường xuyên vào tận vườn của nông dân thu mua sầu riêng rồi đem bán lại cho đại lý nên ông Thuận khá hiểu về nhu cầu thị trường cũng như giá trị của từng loại sầu riêng. Năm 2007, gia đình ông chuyển từ tỉnh Đak Lak sang Gia Lai sinh sống. Khi mua 1,2 ha đất trồng cà phê, ông đã trồng xen 60 cây sầu riêng giống Monthong.
Ông Thuận giải thích: “Giống sầu riêng Thái Lan này có sức đề kháng tốt, khả năng thích nghi cao, cho năng suất ổn định. Về chất lượng thì hạt lép, cơm vàng và độ béo vừa phải nên rất được thị trường ưa chuộng”.
Cứ dành dụm, tích góp được ít tiền, ông lại mua đất mở rộng diện tích trồng cà phê, sầu riêng. Đến nay, gia đình ông sở hữu 3.000 cây cà phê và 700 cây sầu riêng.
|
Ông Hà Đăng Thuận (bìa trái) trao đổi kỹ thuật chăm sóc sầu riêng với thành viên nông hội. Ảnh: P.D
|
Có 17 năm kinh nghiệm nhưng ông Thuận vẫn rất chịu khó học tập, tìm hiểu kỹ thuật mới để áp dụng vào sản xuất. Ông cho hay: “Trồng sầu riêng không mất nhiều công chăm sóc như các loại cây khác nhưng phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật và nắm rõ thời điểm nào thì tưới nước, bón phân, phun thuốc; lúc nào cần ưu tiên cây ra đọt, cây nuôi quả...
Ngay cả bón phân, gia đình tôi cũng ưu tiên sử dụng nguồn phân hữu cơ trong chăn nuôi. Nhờ đó, diện tích cây trồng của gia đình sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất ổn định và mang lại thu nhập cao”.
Năm 2023, gia đình ông thu gần 22 tấn sầu riêng, sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 1 tỷ đồng. Trong khi đó, 3.000 cây cà phê cho thu hơn 10 tấn nhân và gia đình vẫn chưa xuất bán. Năm 2024, gia đình ông dự kiến thu khoảng 80 tấn sầu riêng.
“Giúp người là giúp mình”
Không chỉ học Bác về sự cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm, ông Thuận còn học và làm theo Người ở tinh thần cống hiến. Với quan niệm “giúp người là giúp mình”, ông luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kiến thức về trồng, chăm sóc cây sầu riêng cho những ai có nhu cầu. Tinh thần ấy của ông đều được mọi người nhìn nhận, đánh giá cao. Vậy nên, khi Nông hội sầu riêng Ia Pếch thành lập năm 2022, ông được tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm.
“Mỗi năm, nông hội tổ chức hội thảo 1 lần trực tiếp tại vườn để “cầm tay chỉ việc” cho các thành viên. Ngoài ra, cứ 3 tháng/lần, nông hội tổ chức sinh hoạt tập trung. Tuy nhiên, chúng tôi thường xuyên trao đổi, cập nhật các thông tin về thị trường tiêu thụ, nhu cầu của người dân, các loại dịch bệnh trên cây sầu riêng, thời tiết, nước tưới... qua nhóm Zalo chung để thành viên biết, kịp thời xử lý. Thỉnh thoảng, tôi trực tiếp ghé vườn của thành viên và hỗ trợ cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh”-ông Thuận thông tin.
Trong 2 năm (2022-2023), ông Thuận được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” và trong các phong trào thi đua của tỉnh từ năm 2021 đến 2023.
Từ 34 thành viên, đến nay, Nông hội sầu riêng Ia Pếch đã tăng lên 68 thành viên, trong đó có 14 thành viên người dân tộc thiểu số. Hộ ít thì trồng 70-100 cây, hộ nhiều sở hữu 6-8 ha.
Ông Nguyễn Văn Lượng-Thành viên Nông hội-chia sẻ: “Anh Thuận rất nhiệt tình. Ngoài chia sẻ thông tin, kinh nghiệm lên nhóm Zalo chung, anh còn đến tận vườn của thành viên mới trồng sầu riêng để hướng dẫn kỹ thuật, thỉnh thoảng gọi điện thoại để nhắc nhở về thời điểm bón phân, phun thuốc. Gia đình tôi trồng 500 cây sầu riêng Ri6 và Monthong. Nhờ thường xuyên trao đổi kinh nghiệm nên năng suất cây trồng ổn định”.
Năm 2023, gia đình ông Lượng thu được hơn 23 tấn quả từ 400 cây sầu riêng, sau khi trừ chi phí còn lãi 1 tỷ đồng. Theo ông Lượng, 100 cây sầu riêng nếu chăm sóc tốt thì cho thu nhập bằng 3 ha cà phê. Do đó, khi tham gia nông hội, các thành viên đều mong muốn được học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, liên kết tìm kiếm thị trường ổn định cho sản phẩm.
Trao đổi với P.V, ông Ngô Tuấn Khôn-Chủ tịch UBND xã Ia Pếch-nhận xét: Ông Hà Đăng Thuận là hội viên nông dân dám nghĩ, dám làm, tiên phong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt để nâng cao năng suất, tăng thu nhập.
Với mong muốn xây dựng thương hiệu sầu riêng địa phương, ông rất tích cực trong việc chia sẻ kinh nghiệm với các thành viên nông hội và hướng dẫn kỹ thuật cho người dân trồng sầu riêng trên địa bàn để vườn cây đảm bảo năng suất, chất lượng.
Hiện nông hội đã hoàn thiện hồ sơ xin cấp mã số vùng trồng. Khi có mã số vùng trồng, sản phẩm sầu riêng của địa phương sẽ thuận lợi xuất khẩu. Thời gian tới, xã tiếp tục vận động các hộ dân trồng sầu riêng tham gia nông hội và hướng tới thành lập hợp tác xã sầu riêng.
Phương Dung
https://baogialai.com.vn