Trưởng bản Giàng A Lứ nêu gương

Băng qua những cánh đồng đang mùa nước đổ, chiêm ngưỡng đường cong của những bờ ruộng bậc thang đẹp tựa bức tranh khiến chúng tôi quên đi đoạn đường khá xa từ trụ sở UBND xã đến ngôi nhà nhỏ xinh của vợ chồng anh Giàng A Lứ nằm sâu tận chân núi. Rót cốc nước ấm mời khách, anh Lứ vui vẻ: Mùa này gia đình nào cũng bận ra đồng chuẩn bị làm đất gieo cấy vụ mùa. Bà con dân bản chăm chỉ lắm, đất không có thời gian nghỉ, liên tục được cày xới để đem lại lợi ích cho mỗi gia đình.

Toàn bộ diện tích lúa một vụ của gia đình anh Lứ nếu trước đây chỉ để không, thì nay đã chuyển đổi mùa vụ, nâng cao hệ số sử dụng đất, được lấp đầy bằng 4.500m2 cây chanh leo. Sau đợt bệnh loang dầu năm ngoái, năm nay gia đình anh quyết tâm chăm bón cây chanh leo để phục hồi trở lại. Giờ đây, hàng trăm gốc chanh leo đang ra quả sai trĩu trịt. Mắt nào cũng có quả khiến vợ chồng anh phải thay nhau tỉa bớt cành giảm sức ép cho giàn leo. Nói về cây chanh leo, anh Lứ chia sẻ: Từ khi huyện, xã vận động bà con tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia đình mình đã đăng ký trồng chanh leo trên toàn bộ đất lúa. Năm ngoái là năm đầu tiên trồng nên chưa có kinh nghiệm phòng trừ bệnh cho cây, nhiều diện tích bị nhiễm bệnh đã ảnh hưởng nhiều đến chất lượng quả. Tổng thu nhập từ chanh leo vẫn được hơn 30 triệu đồng. Mất mùa như vậy song nếu so với giá trị kinh tế từ trồng lúa thì trồng chanh leo vẫn cao hơn. Năm nay, gia đình tôi không dám bón phân nhiều nhưng quả vẫn sai. Tôi vừa hái lứa đầu tiên cũng được gần 40kg. Đến nay, cả bản đã có 8 hộ trồng chanh leo.

 

 Cán bộ xã Trung Đồng thăm vườn sâm hoàng sin cô đang trồng thử nghiệm của anh Giàng A Lứ (bên trái).

Năm 2020, được sự giới thiệu và động viên của lãnh đạo Đảng ủy xã, anh Lứ đã đưa giống cây sâm hoàng sin cô từ huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai) về trồng trên diện tích 60m2 ở vườn nhà. Đây là giống cây củ to như củ khoai lang, phù hợp ở độ cao từ 1.000m trở lên, chu kỳ thu hoạch khoảng 9 tháng. Quá trình trồng không cần bón phân, không cần nhiều nước, chỉ đủ ẩm là cây có thể sinh trưởng và phát triển tốt. Đặc tính này là quá phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng nơi đây. Được biết, thị trường tiêu thụ sản phẩm cây dược liệu này không gặp khó khăn gì với giá 15.000 đồng/kg. “Bởi thế gia đình tôi đang mong chờ đến ngày thu hoạch, nếu thành công thì đây chính là con đường thênh thang mở ra trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho bà con dân bản” - anh Giàng A Lứ khấp khởi.

Gia đình A Lứ cũng có nguồn thu nhập từ 1ha thảo quả. Năm 2016, tổng thu nhập là 80 triệu đồng, đến năm 2020 đã tăng lên gấp đôi là 160 triệu đồng.

Được biết, những năm qua, huyện, xã vận động người dân cùng chung tay với nhà nước làm đường giao thông nông thôn, gia đình A Lứ đã hiến hơn 200m2 đất để làm đường nội bản. Vợ chồng anh cũng tích cực cùng các hộ dân trong bản tham gia vệ sinh đường ngõ bản vào thứ 7 hàng tuần. Anh cũng trong tổ trực chốt phòng chống cháy rừng của bản, tích cực tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô; cùng với chính quyền xã, các nhà trường vận động học sinh ra lớp. Tham gia đầy đủ các hoạt động của xã, các hoạt động nhân đạo từ thiện; ủng hộ các loại quỹ do Trung ương, tỉnh, huyện và xã phát động.

Là đảng viên, trưởng bản luôn gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động, A Lứ luôn nhận được sự tin yêu, quý mến của bà con dân bản. Hàng năm, qua xếp loại đảng viên, anh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Hiện nay, vợ chồng anh có 2 con gái nhưng không vì quan niệm “trọng nam khinh nữ” mà anh có ý định sinh thêm con. Anh nói: “dù gái hay trai, chỉ 2 là đủ”.

Với một người trẻ như A Lứ năm nay mới 30 tuổi nhưng đã có hơn 1 nhiệm kỳ làm bí thư chi bộ, 1 năm giữ vai trò trưởng bản, có rất nhiều quan điểm, suy nghĩ, tích cực, tiến bộ. Anh xứng đáng được dân bản xem là tấm gương sáng để học tập, noi theo và được Huyện ủy Tân Uyên lựa chọn biểu dương những tấm gương học tập và làm theo gương Bác.

Thu Trang

Theo https://baolaichau.vn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website