Giáo sư Vũ Khiêu - Anh hùng lao động, một trong những nhà văn hóa lớn của Việt Nam - đã khái quát đầy đủ phẩm chất của người cộng sản Trần Hữu Dực qua bốn câu đối nhân dịp khánh thành nhà lưu niệm cố Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực như sau:

Kiên cường bất khuất, trăm vòng lửa thép vững tâm can

Cần kiệm thanh liêm, một tấm lòng son soi nhiệt nguyệt

Mười lăm tuổi ra đi, sức trẻ tài cao, vào tử ra sinh cùng Tổ quốc

Một trăm năm nhìn lại, gan vàng dạ sắt đồng cam cộng khổ với nhân dân.

 Đồng chí Trần Hữu Dực (1910 – 1993), nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khóa I, II, III, IV; nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ.

Trần Hữu Dực sinh ngày 15/01/1910, trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Dương Lệ Đông, xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, từ truyền thống của dân tộc, của gia đình và ảnh hưởng của phong trào yêu nước thời bấy giờ, Trần Hữu Dực đã sớm giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng khi mới 15 tuổi.

Qua thực tiễn hoạt động, được tiếp xúc với sách báo tiến bộ, nhất là những số báo Người cùng khổ, những bài giảng về ''Đường cách mệnh'' của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, nhận thức chính trị của Trần Hữu Dực ngày càng được nâng cao.

Từ nhận thức “không có tổ chức như cát rời, vô dụng”, ngay lúc tuổi 16, Trần Hữu Dực đã chủ trì Hội nghị thành lập tổ chức yêu nước “Ái hữu dân đoàn”.

Tập hợp được đông đảo quần chúng nhân dân, “Ái hữu dân đoàn” đã tạo ảnh hưởng tích cực, mở đường cho tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội xâm nhập lan rộng vào Quảng Trị, đánh dấu bước phát triển mới của phong trào cách mạng của huyện Triệu Phong nói riêng và tỉnh Quảng Trị nói chung.

Trong thời gian hoạt động cách mạng từ 1926 - 1945, Trần Hữu Dực bị Pháp bắt 4 lần và bị chính quyền Nam triều kết án tổng số 29 năm tù giam và 22 năm quản thúc, từng trải qua các nhà tù khét tiếng tàn độc của đế quốc thực dân như nhà tù Quảng Trị, nhà đày Lao Bảo, nhà đày Buôn Ma Thuột (2 lần).

Tháng 7 năm 1929, ông bị bắt lần thứ nhất và giam ở nhà tù Quảng Trị. Trước các cực hình tra tấn, ông đã nêu tấm gương kiên cường bất khuất, giành trận thắng đầu tiên của người Cộng sản trước kẻ thù, trong đó có tên trùm mật thám Trung kỳ Xônhi, buộc chúng phải thả ông.

Đầu năm 1931, ông bị bắt lần thứ hai, bị giam ở nhà lao Quảng Trị cùng với một số đảng viên khác. Những tên mật thám Tây, mật thám Việt lồng lộn tra tấn ông hơn 4 tuần lễ nhưng chỉ nhận được câu trả lời không biết, không làm. Kẻ thù đày ông và một số đồng chí khác của ông đi nhà đày Lao Bảo.

Năm 1936, từ Lao Bảo, kẻ địch chuyển ông đến nhà đày Buôn Mê Thuột, một trong những địa ngục khét tiếng của thực dân Pháp xây dựng ở Việt Nam.

Tháng 9 năm 1941, ông bị bắt tại Ninh Thuận. Lần này kẻ địch biết ông là xứ ủy viên, đã qua 3 nhà tù và biết ý chí thép của ông nên chúng quyết bằng mọi đòn tra tấn để khuất phục ông. Chúng tra tấn ông liên tục trong 30 ngày, cuối cùng Chánh mật thám Bình Thuận phải thốt lên “đủ rồi, anh đã thức 15 ngày đêm, khai thế thì biết rồi, bây giờ Phan Thiết chúng tôi xin chịu thua anh”. Ông bị kết án 20 năm tù cộng thêm 4 năm do trốn tù và bị đày đi Buôn Mê Thuột lần thứ 2. Dù ở nhà lao nào, ông Trần Hữu Dực luôn là nòng cốt lãnh đạo tổ chức ở trong tù để củng cố tinh thần đấu tranh của các đồng chí mình và hiên ngang bước qua đầu thù.

Sáng ngày mồng một Tết Âm lịch năm 1944, các chiến sĩ cộng sản bị địch giam cầm đã tổ chức cuộc duyệt binh, chào cờ Tổ quốc ngay trong nhà đày Buôn Mê Thuột do Trần Hữu Dực cùng các đồng chí trong nhà đày tổ chức với sự tham gia của hàng trăm tù nhân đóng vai bộ đội, nhân dân, cán bộ lãnh đạo. Kết quả cuộc duyệt binh rất mỹ mãn, để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí mọi người. Trong lịch sử đấu tranh với kẻ thù tại các nhà tù, nhà giam của Thực dân Pháp, đây là lần đầu tiên có cuộc mít tinh chào cờ Tổ quốc ngay trong nơi giam cầm, mang ý nghĩa tiến công cách mạng, vững lòng tin vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Trong cuộc đấu tranh với kẻ thù, nhất trong nhà tù, nhà đày của thực dân, đế quốc, Trần Hữu Dực luôn tâm niệm “Đối với địch, nhất thiết chúng ta phải bước qua đầu chúng. Nếu không, chúng sẽ bước qua đầu ta”.

Bác Hồ và đồng chí Trần Hữu Dực tại Hội nghị thi đua “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” của Bộ Công an (tháng 10/1966) 

 “Phải sống sao cho xứng đáng là người cộng sản

Từ thuở thiếu thời, Trần Hữu Dực đã “nghiệm ra và thấy rằng mỗi việc làm lớn, nhỏ đều quan trọng và có cách làm tốt của nó. Trước hết con người phải siêng năng, yêu lao động, thích làm việc, không sợ khó, ngại khó, luôn xem người khác làm, hay thì tập làm cho bằng được hoặc hơn, dở thì tránh và xoá bỏ, không cam chịu tụt lại đằng sau” [2]. Có lẽ điều “nghiệm” ra này và những trải nghiệm trong quá trình hoạt động cách mạng” đã hun đúc nên một Trần Hữu Dực gang thép, kiên trung trong đấu tranh cách mạng, bình dị, gần gũi, trong sáng trong cuộc sống đời thường.

Bài học lớn, được Trần Hữu Dực rút ra trong quá trình  hoạt động là lòng kiên trì, rèn luyện nhận thức lý luận. Ông cho rằng phẩm chất cao đẹp phải đi đôi với kiến thức rộng, bởi thiếu nó thì hoạt động vô nghĩa, không có phương hướng. Trong tu dưỡng, rèn luyện bản thân, Trần Hữu Dực lấy câu nói nổi tiếng của danh nhân Trần Quốc Tuấn “Tự tri giả anh. Tự thắng giả hùng” tạm dịch là: “người nào tự biết mình mới là người anh minh. Người nào tự mình thắng mình mới là người hùng kiệt” để làm phương châm sống.

Chính phương châm sống này, đã lý giải vì sao khi ông trở thành Chủ tịch Trung Bộ, trong lúc “Một số người thi nhau đem con ra ra thành phố ở những ngôi nhà sang trọng, thậm chí có người cưới vợ ngay trong toà nhà Khâm sứ, yến tiệc linh đình…” [3] thì Trần Hữu Dực vẫn để vợ con ở quê. Mặc dù, ai cũng biết rằng, ông rất thương và biết ơn vợ, người đã hơn 13 năm phải làm vợ của người tù cộng sản, phải dành những năm tháng tuổi trẻ của một thời con gái cho sự nhớ thương người chồng xa cách biền biệt, hết nhà lao Quảng Trị, Lao Bảo, Bình Thuận đến nhà đày Buôn Mê Thuột, không biết sống chết ra sao. Tuy nhiên, không vì thế mà ông lẫn lộn giữa việc riêng và việc chung.

Có một vài câu chuyện, sau này ông kể lại, thêm một lần nữa cho chúng ta thấy phẩm chất đáng quý đó của Trần Hữu Dực: “Có một lần, vợ tôi đưa đứa con trai 7 tuổi vào thăm tôi. Tôi đã bố trí một buổi đưa vợ tôi vào thăm cung điện nhà Vua, dẫn vợ tôi đi thăm khắp toà Khâm sứ sang trọng và lộng lẫy… Khi tôi đưa vợ con vào phòng nghỉ riêng của toà Khâm sứ Trung Kỳ, bấy giờ là phòng nghỉ  riêng của Chủ tịch Trung Bộ, vợ tôi đã thốt lên kinh ngạc: “Nhà mình được ở đây à?” . Tôi đã vui vẻ trả lời ngay: “Không! nhà mình vẫn ở Dương Lệ Đông, Quảng Trị. Ngày mai, hai mẹ con lại về đấy”…[3] . Khi ông ở cương vị Phó Thủ tướng, hằng ngày đi làm được xe ô tô đưa đón, còn bà thì đi xe đạp (mặc dù bà cũng làm việc ở Phủ Thủ tướng). Nhiều người bảo sao không để vợ cùng đi, ông bảo: “Cùng đi sao được, ô tô và lái xe là tiêu chuẩn của Nhà nước phục vụ Phó Thủ tướng chứ không phải phục vụ gia đình” [4]. Ngay cả khi vợ con ốm đau, đi khám bệnh, ông cũng không dùng ô tô của cơ quan. Ông nhớ mãi, không quên một chữ, lời dạy của Bác Hồ hồi mới giành được chính quyền năm 1945 “Ông ủy viên đi xe hơi, rồi bà ủy viên cho đến các cô, các cậu ủy viên cũng đi xe hơi của ông. Thử hỏi hao phí đó ai phải chịu?” và ông tự bảo trước hết mình phải gương mẫu.

Ông Dương Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trong ký ức về cụ Trần Hữu Dực viết “Được làm việc với Cụ nhiều năm, tôi nghĩ Cụ là một con người đặc biệt. Cụ rất tận tụy với công việc, hết lòng hết sức với công việc, chứ không nghĩ gì khác, chỉ công việc và công việc thôi. Cụ rất liêm khiết, không bao giờ có suy nghĩ hay yêu cầu gì cho cá nhân mình. Tôi luôn noi gương Cụ một tấm gương sáng về sự tận tụy với công việc, về trách nhiệm và liêm khiết. Cụ sống rất giản dị, không đòi hỏi gì ở Nhà nước cho việc riêng của mình”.

Sinh thời, Trần Hữu Dực được Đảng, Nhà nước giao nhiều trọng trách quan trọng. Ở cương vị nào ông cũng giữ được phẩm chất trong sáng, cần, kiệm, liêm, chính của một người chiến sĩ cách mạng. Ông luôn rèn luyện, giữ bản chất của mình. Quan điểm của ông là “Hoạn bất tài. Hạ hoạn vô vị” (Nghĩa là : Lo bất tài. Không lo địa vị). Suốt cuộc đời hoạt cách mạng khi nào ông cũng tự răn mình “Phải sống sao cho xứng đáng là người cộng sản. Từ hai chữ cộng sản, đến Đảng Cộng sản, đảng viên Đảng Cộng sản, giai cấp vô sản, Chủ nghĩa Mác-Lê nin, chế độ xã hội chủ nnghĩa và rất nhiều vấn đề khác của Cách mạng, tất cả đều quy vào con người cộng sản”[5].       

Nhà tưởng niệm đồng chí Trần Hữu Dực tại xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN) 

Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của tỉnh Quảng Trị khi vừa tròn 20 tuổi

Sinh trưởng trong một gia đình nhà nho nghèo, cũng giống như thân phận những người dân khác dưới chế độ thực dân - phong kiến, gia đình ông cũng phải đi cày thuê, cuốc mướn, nuôi trâu bò cho địa chủ và chịu nhiều thứ thuế nặng nề khác. Cuộc sống tuy khó khăn, vất vả, lắm lúc đến cùng cực, nhưng gia đình Trần Hữu Dực vẫn giữ được truyền thống trong sạch, nề nếp, sống có tình nghĩa nên được xóm làng yêu thương, quý trọng.

Sớm tiếp thu những tư tưởng tiến bộ từ ông nội, một người tham gia phong trào “Văn thân”, tư tưởng cứu nước, cứu dân đã thôi thúc Trần Hữu Dực ngày đêm suy nghĩ tìm ra phương cách thích hợp để tập hợp, giác ngộ nhân dân đoàn kết đấu tranh. Chính vì thế, Trần Hữu Dực đã dành nhiều thời gian và công sức nghiên cứu, soạn thảo điều lệ của một tổ chức yêu nước. Theo Trần Hữu Dực, muốn lật đổ vua quan độc đoán chuyên quyền, đánh đuổi quân Pháp trước hết cần phải có tổ chức, có người đứng đầu lãnh đạo, bởi có tổ chức mới có sức mạnh, mà sức mạnh thì cực kỳ to lớn, có thể dời non lấp bể. Bên cạnh đó, Trần Hữu Dực cũng đã lăn lộn trong phong trào đấu tranh chống lại cường hào, địa chủ ở Triệu Thuận và một số vùng lân cận, để tập hợp những người cùng trang lứa có tinh thần hăng hái đấu tranh và ủng hộ phong trào đấu tranh của nhân dân. Với quyết tâm thực hiện con đường hoạt động cách mạng của mình, sau quá trình tìm tòi, suy nghĩ, Trần Hữu Dực đã thảo được một điều lệ của tổ chức mang tên “Ái hữu dân đoàn”. Tháng 11/1926, Trần Hữu Dực tổ chức cuộc họp đầu tiên ngay tại nhà mình ở làng Dương Lệ Đông, xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong, để chính thức thành lập "Ái hữu dân đoàn" với mục đích được nêu trong điều lệ của hội là “làm cho càng ngày càng nhiều người dân biết rằng mình bị bọn Tây cướp nước, bọn Vua quan độc đoán chuyên quyền, theo Tây làm tay sai để được giàu sang, còn đông đảo đồng bào thì đói rách, dốt nát, ô danh cả tổ tiên, nòi giống... Vì thế đã là người dân Việt Nam thì phải cùng nhau thân ái, đoàn kết, tương trợ; đuổi Tây, bỏ vua quan, làm cho nước nhà được độc lập, dân chủ phú cường, xứng đáng là con cháu Bà Trưng, Bà Triệu, Quốc Tuấn, Nguyễn Huệ...”đình” [6]. Ngay từ khi ra đời, với mục đích cao cả đã nhanh chóng tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân trong huyện Triệu Phong tham gia. Đến năm 1928, Ái hữu dân đoàn có trên 100 đoàn viên chia làm 10 đoàn nhỏ hoạt động chủ yếu ở vùng đông bắc Triệu Phong. Sự ra đời của Ái hữu dân đoàn như tiếp thêm luồng sinh khí mới, đánh dấu bước phát triển tiến bộ của phong trào yêu nước xã Triệu Thuận nói riêng, Triệu Phong nói chung và đã có sức lan tỏa, ảnh hưởng trên phạm vi toàn tỉnh.

Lúc này, ở Quảng Trị, hoạt động của hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã lan rộng. Các thành viên trong tổ chức “Ái hữu dân đoàn” có điều kiện giao lưu, tiếp nhận tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin, con đường cứu nước do Nguyễn Ái Quốc truyền bá vào Việt Nam thông qua sách báo và các cuộc nói chuyện, tuyên truyền của hội viên thanh niên. Đến năm 1928, những hoạt động của “Ái hữu dân đoàn” đã làm cho Tỉnh bộ Việt Nam Cách mạng thanh niên Quảng Trị chú ý. Sau quá trình tìm hiểu, vận động, Tỉnh bộ Việt Nam Cách mạng thanh niên đã cử cán bộ tham gia vào tổ chức này nhằm chuyển dần Ái hữu dân đoàn vào phạm vi hoạt động của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội.

Qua thực tiễn hoạt động cách mạng, được tiếp xúc thêm với sách báo tiến bộ, đặc biệt là những số báo “Người cùng khổ” từ Pháp gửi về, những bài giảng “Đường Cách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc trong các lớp bồi dưỡng ở Quảng Châu, nhận thức chính trị của Trần Hữu Dực ngày càng được nâng cao, lập trường yêu nước hòa nhập với lập trường cộng sản.

Trong lúc Trần Phú, Hà Huy Tập lần lượt sang Quảng Châu tham gia Việt Nam cách mạng đồng chí hội, rồi được Nguyễn Ái Quốc giới thiệu sang Liên Xô học ở trường Đại học Phương Đông của Quốc tế cộng sản và đều trở thành đảng viên Cộng sản (Trần Phú năm 1928, Hà Huy Tập năm 1929) thì ở quê nhà tháng 6/1929, Trần Hữu Dực trở thành 1 trong 7 Đảng viên Cộng sản đầu tiên của Quảng Trị, Thuộc Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, là một trong ba tổ chức tiền thân của Đảng ta. Tháng 10/1930, khi Tỉnh ủy Quảng Trị chính thức thành lập, Trần Hữu Dực được cử làm Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên. Lúc ấy anh vừa tròn 20 tuổi.

Ngày 03/02/1930, Nguyễn Ái Quốc đại diện cho Quốc tế Cộng sản triệu tập hội nghị hợp nhất Đảng tại Hương Cảng. Kể từ đây cách mạng Việt Nam có một Đảng lãnh đạo đúng như mơ ước của Trần Hữu Dực. Đảng Cộng sản đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam làm Cách mạng Tháng Tám thành công, kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, hoàn thành nhiệm vụ chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Huân chương Sao Vàng do Chủ tịch nước truy tặng đồng chí Trần Hữu Dực năm 2007. 

Sống theo đúng lời dạy của Bác Hồ “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”

Tháng 6/1945, Trần Hữu Dực thoát khỏi nhà tù đế quốc và không một phút nghỉ ngơi, ông lao ngay vào công việc chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Trị.

Bằng trí tuệ và khả năng công tác thực tiễn của mình, Trần Hữu Dực đã cùng tập thể Ủy ban khởi nghĩa do ông làm Chủ tịch lãnh đạo thành công cuộc khởi nghĩa Quảng Trị nhanh gọn.

Ngày 31/8/1945, ông được bầu vào Thường vụ xứ ủy Trung Kỳ của Đảng và tiếp đó ngày 02/9/1945 trong cuộc họp các đại biểu các tỉnh Trung Kỳ, ông được bầu là Chủ tịch UBND cách mạng Trung bộ với sự tín nhiệm tuyệt đối.

Mấy hôm sau, ngày 05/9/1945 trong cuộc tiếp xúc đầu tiên với các tầng lớp nhân dân thành phố Huế, vị Chủ tịch Trung bộ tuyên bố: “Bộ máy quản lý Nhà nước Việt Nam từ Trung ương đến cơ sở đều hết lòng, hết sức vì lợi ích của nhân dân, phục vụ nhân dân, sinh hoạt ngang mức với đa số nhân dân”.

Từ tháng 9/1945, Trần Hữu Dực cùng các đồng chí của mình xây dựng và cũng cố chính quyền mới ở các tỉnh Trung Bộ. Ngày 15/12/1946, Hoàng Quốc Việt (Bí thư Xứ ủy) và Trần Hữu Dực (Chủ tịch Trung Bộ) được gọi ra gặp Bác Hồ để nhận chỉ thị chuẩn bị cho toàn quốc kháng chiến. Theo chỉ đạo của Bác, phải bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ dân, bảo vệ Đảng, kháng chiến sẽ ác liệt, sẽ kéo dài, nhưng vũ khí thô sơ, chưa nên đánh trận địa chiến với địch mà chú ý đánh phục kích, du kích. Những ý kiến của Bác làm chúng tôi thêm rõ, thêm tin tưởng - Trần Hữu  Dực nhớ lại.

Giữa năm 1948, Trần Hữu Dực được Trung ương Đảng và Chính phủ điều ra Việt Bắc, từ đó ông đảm nhận chức vụ Ủy viên Đảng đoàn Chính phủ, Bí thư đầu tiên của Liên Chi ủy cơ quan Trung ương, nơi Bác Hồ sinh hoạt Đảng tại Liên chi cơ quan Trung ương. Năm 1950, Trần Hữu Dực được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp Quân đội Nhân dân Việt Nam (nay là Tổng cục Hậu cần). Ông tham gia các chiến dịch Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám, Hà Nam Ninh và chỉ đạo đảm bảo hậu cần cho Chiến dịch Điện Biên năm 1954. Năm 1972 – 1973, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước diễn ra rất ác liệt, Trần Hữu Dực được bí mật cử vào chiến trường Trị Thiên, giữ chức vụ Bí thư Khu ủy Trị Thiên.

Gần 4 thập kỷ làm việc ở Trung ương, là Ủy viên BCH Trung ương khóa I, II, III và IV, Trần Hữu Dực đã đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng của Đảng, Chính phủ, Quốc hội như Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước; Trưởng ban Công tác Nông thôn của Đảng; Bộ trưởng Bộ Nông trường; Bộ trưởng Phủ Thủ tướng; Bí thư Khu ủy Trị Thiên; Phó Thủ tướng Chính phủ; Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao. Đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VII (41 năm). Trên mọi cương vị, ông tận tụy ngày đêm, nắm chắc tình hình, đi sát thực tế, lắng nghe nhân dân, gần gũi cán bộ, hiểu rõ, bản thân nêu gương, phát huy tập thể, từ đó mà hoàn thành mọi nhiệm vụ. Suốt cuộc đời từ khi trai trẻ đến khi cao tuổi, Trần Hữu Dực luôn luôn là người cán bộ lòng trung, tâm sáng, mắt nhìn tai nghe, óc nghĩ, miệng nói, tay làm. Suốt cuộc đời mình, Trần Hữu Dực sống theo đúng lời dạy của Bác Hồ “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Ông luôn sống trung thực thẳng thắn, giản dị khiêm tốn. Ông căm ghét những kẻ cơ hội, tham nhũng quan liêu, sa đọa về phẩm chất. Như Bác nói đó là giặc ngoại xâm nguy hiểm.

Bất kỳ ở cương vị nào, ông luôn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm hết lòng phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, nêu tấm gương cần kiệm, liêm chính như lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét “Đồng chí Trần Hữu Dực là một đảng viên Cộng sản hết lòng phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, nêu tấm gương: kiên cường bất khuất, cần kiệm liêm chính”. 

Suốt cuộc đời Trần Hữu Dực trung thành với lý tưởng yêu nước và cộng sản, không ngừng phấn đấu cho lý tưởng mà ông đã nguyện đi theo từ tuổi đôi mươi. Ở tuổi 83, đến giây phút cuối cùng, ông vẫn một lòng son sắt với lý tưởng đó.

Đêm ngày 19/8/1993, trên bàn làm việc của ông là những trang cuối cùng của tập hồi ký “Bước qua đầu thù” ông vừa kịp để lại cho bạn bè, đồng chí và các thế hệ mai sau. Có thể nói đây là lời tâm huyết cuối cùng của Trần Hữu Dực trước lúc lên đường đi xa.

“Ngày nay, sau khi cách mạng thắng lợi, bên cạnh những thành tích vĩ đại còn tồn tại những khuyết điểm nghiêm trọng. Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa mà tham lam địa vị, trụy lạc, dốt nát, bè cánh, lười biếng, lãng phí, thấy có chút danh lợi riêng tư nào là vơ lấy bất chấp liêm sỉ, làm ra ít mà phá phách nhiều, đưa đến kiệt sức nhân dân, đất nước bôi nhọ chế độ xã hội chủ nghĩa, làm lợi cho địch, là điều trái ngược với lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, là không phải người cộng sản.

Do đó, để cách mạng thắng lợi triệt để, nhân dân có hạnh phúc đầy đủ, giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân cách mạng tiến bộ khác phải bằng mọi cách chiến thắng mọi kẻ thù, trước hết là kẻ thù nằm ngay trong bản thân mình, làm cho kẻ thù hết chổ ẩn náu, không có lối thoát, vừa tự cứu mình, vừa góp phần xây dựng đất nước đi lên”...

Những lời tâm huyết của Trần Hữu Dực, một bậc tiền bối của Đảng ta, một con người ưu tú của dân tộc ta, là lời nhắn nhủ tất cả chúng ta hôm nay./.


[1] Tên bức hoành phi “Nhất sinh báo quốc” (có nghĩa là “Sinh ra vì Tổ quốc”) do Giáo sư Vũ Khiêu đề tặng nhân dịp khánh thành nhà lưu niệm cố Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hữu Dực.

[2] Trần Hữu Dực – Bước qua đầu thù – Hồi ký, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội – 1996 (trang 66)

[3] Trần Hữu Dực, Bước qua đầu thù, sđd, tr. 66 - 67

[4] Trần Hữu Dực, Bước qua đầu thù, sđd, tr. 67

[5] Trần Hữu Dực, Bước qua đầu thù, sđd, tr. 319

[6] Trần Hữu Dực, Bước qua đầu thù, Sđd, tr. 38