Tòa án Nhân dân tỉnh Lạng Sơn học và làm theo gương Bác

Bà Chu Lệ Hường, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chánh án TAND tỉnh cho biết: Nhận thức rõ mọi phán quyết của tòa án có ý nghĩa hết sức quan trọng, liên quan trực tiếp đến danh dự, quyền lợi và nghĩa vụ của con người, khắc ghi lời dạy của Bác, mỗi cán bộ tòa án phải thực sự là người “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, những năm qua, để ra được các phán quyết đúng quy định, thấu tình, đạt lý, đơn vị đã thực hiện đồng bộ các giải pháp.

 Cán bộ TAND tỉnh nghiên cứu tư liệu về Bác tại Phòng Tuyên truyền

Sinh thời Bác Hồ căn dặn: “Xét xử đúng là tốt, nhưng nếu không phải xét xử thì càng tốt hơn”. Khắc ghi lời dạy của người, đơn vị đã quan tâm sắp xếp, bố trí phòng hòa giải, đối thoại, phòng làm việc, trang thiết bị cho hòa giải viên. Đặc biệt, đơn vị còn sáng tạo tổ chức cuộc thi “Kỹ năng thẩm phán và hòa giải viên trong áp dụng thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án”; tổ chức đối thoại tại tòa án để đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm nhằm thực hiện tốt công tác hòa giải. Áp dụng vào thực tiễn, mỗi cán bộ, thẩm phán đều thực hiện tốt phương châm lấy việc kiên trì hoà giải, thuyết phục là mục tiêu hàng đầu trong giải quyết án dân sự, hôn nhân gia đình. Vì vậy, mặc dù phần lớn số vụ, việc phải giải quyết tại TAND tỉnh là án phúc thẩm, tuy nhiên, do làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; vận động, thuyết phục nên tỷ lệ hòa giải thành, công nhận sự thỏa thuận của các đương sự đạt cao. Từ năm 2016 đến nay, đơn vị đã hoà giải được 208/557 vụ, việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động… Qua đó, vừa góp phần tiết kiệm chi phí, vừa tiết kiệm thời gian, làm dịu căng thẳng, mâu thuẫn giữa các đương sự.

Bà Nguyễn Thị Hoa, Chánh tòa Dân sự, TAND tỉnh cho biết: Thực hiện lời dạy của Bác, tôi luôn trau rồi kiến thức, nêu gương trong công tác. Từ năm 2019 đến nay, tôi có 5 sáng kiến được áp dụng trong thực tiễn. Điển hình, tôi là tổ trưởng tham gia đề tài khoa học cấp tỉnh: Nâng cao hiệu quả công tác hòa giải đối với các tranh chấp dân sự trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Đề tài nghiên cứu thực trạng giải quyết công tác hòa giải của chính quyền địa phương và TAND; đưa ra các hạn chế, nguyên nhân dựa trên dữ liệu thực tế và tìm ra các giải pháp nâng cao chất lượng trong công tác hòa giải trên địa bàn tỉnh. Thành công của đề tài góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải.

Cùng với đó, xác định kỹ năng nghe, nói, đọc, viết đặc biệt quan trọng trong công tác tòa án, những năm qua, TAND tỉnh luôn quan tâm rèn luyện các kỹ năng này thông qua việc tổ chức các cuộc thi thư ký giỏi, thẩm phán giỏi; thi “kỹ năng viết bản án, quyết định, biên bản phiên tòa chuẩn mực”… cho đội ngũ cán bộ thư ký, thẩm phán. Từ năm 2016 đến nay, đơn vị đã tổ chức 15 cuộc thi.

Bà Nguyễn Thị Phượng, thư ký Tòa Hình sự, TAND tỉnh cho biết: Thực hiện lời dạy của Bác: “Người có học mới có tiến bộ. Càng học càng tiến bộ”, tôi tham gia 2 cuộc thi thư ký giỏi. Thông qua cuộc thi, tôi và các cán bộ, thư ký có cơ hội học tập, trau rồi nghiệp vụ thư ký, từ khâu tham mưu cho thẩm phán; phối hợp chuẩn bị các điều kiện phục vụ công tác xét xử, đến việc ghi biên bản phiên tòa chuẩn mực,… vì vậy, khả năng nghe, nói, đọc viết của tôi không ngừng được nâng cao. Vận dụng vào thực tiễn công tác, hằng năm, tôi đều hoàn thành xuất sắc nhiện vụ.

Ngoài ra, một trong những giải pháp nâng cao chất lượng giải quyết các vụ, việc được đơn vị quan tâm là tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm nhằm khắc phục những hạn chế trong xét xử như: còn phụ thuộc vào các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án; một số trường hợp chưa thực sự chủ động và chuẩn bị tốt kế hoạch xét hỏi; việc xử lý các tình huống phát sinh tại phiên tòa còn lúng túng… Từ năm 2016 đến nay, trung bình mỗi năm, một thẩm phán xét xử 3 phiên tòa rút kinh nghiệm, vượt 200% chỉ tiêu TAND tối cao giao.

Bà Chu Lệ Hường, Chánh án TAND tỉnh cho biết thêm: Tại mỗi phiên tòa rút kinh nghiệm đều có sự tham gia theo dõi trực tiếp của lãnh đạo, thẩm phán, thư ký. Sau phiên tòa, đơn vị đều tổ chức họp rút kinh nghiệm; nghe thẩm phán, thư ký nêu những ưu điểm có thể học hỏi tại phiên tòa, đồng thời đưa ra những hạn chế để cùng tìm hướng khắc phục.

Do thực hiện đồng bộ các giải pháp, chất lượng giải quyết các vụ, việc của TAND tỉnh không ngừng được nâng lên. Từ năm 2016 đến nay, TAND tỉnh đã giải quyết trên 2.000 vụ, việc các loại, tỷ lệ giải quyết án trung bình hằng năm đạt 99,6%. So với giai đoạn 2010 – 2015, số lượng án tăng trên 500 vụ, việc các loại; tỷ lệ giải quyết án tăng 5,3%… Các vụ, việc đều được giải quyết, xét xử đúng quy định của pháp luật. Không xảy ra việc kết án oan người không phạm tội, bỏ lọt tội phạm. Các vụ án điểm, phức tạp; các vụ án về ma túy, tham nhũng… dư luận xã hội quan tâm đều được đưa ra xét xử kịp thời, được TAND tối cao đánh giá cao, Nhân dân đồng tình.

Ghi nhận nỗ lực, cố gắng đó, năm 2021, TAND tỉnh được Chánh án TAND tối cao tặng cờ thi đua; Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website